Nhị Trường trước đây là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh với tỷ lệ đồng bào Khmer chiếm trên 80%. Những năm gần đây, với hàng loạt chương trình hỗ trợ, cơ sở hạ tầng của xã được cải thiện rõ nét, đời sống kinh tế, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao.
Đời sống liên tục nâng cao
Ông Thạch Xuân Ri, người dân ấp Bông Ven là một trong những điển hình người Khmer gặt hái được nhiều thành công trong phát triển sản xuất trên địa bàn xã Nhị Trường, với điểm tựa đến từ HTX dịch vụ nông nghiệp Nhị Trường.
Theo ông Ri, trước đây, hầu hết người dân trên vùng đất này chỉ độc canh cây lúa, việc tiêu thụ khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập, đời sống của các hộ sản xuất. Từ khi HTX ra đời, gia đình ông và nhiều hộ nông dân tham gia HTX không lo đầu ra nữa, các loại cây trồng cũng ngày càng đa dạng.
Đặc biệt, từ khi HTX liên kết với các công ty đầu tư giống, kỹ thuật, phân, thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu sản phẩm bắp (ngô) giống, lợi nhuận của thành viên, hộ liên kết cao gấp 2 - 3 lần so với thời điểm còn độc canh lúa. Trong những năm qua, lợi nhuận bình quân của các hộ trồng bắp luôn đạt 50 - 80 triệu đồng/ha.
Cũng được hưởng lợi từ hoạt động của HTX Nhị Trường, gia đình ông Thạch Mẫn, ở ấp Ba So đang phát triển hiệu quả mô hình trồng lúa theo hướng VietGAP, thu nhập bình quân 50 - 80 triệu đồng/năm.
Ông Thạch Mẫn bộc bạch: “Ở Nhị Trường, thu nhập của người dân chủ yếu vẫn trông chờ vào cây lúa. Những năm gần đây, được Nhà nước hỗ trợ về chính sách, lại có HTX hỗ trợ đầu vào, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, năng suất và chất lượng lúa ngày càng tăng, từ 4 tấn/ha lên 6 - 7 tấn/ha, đặc biệt là thị trường, giá bán được đảm bảo nên chúng tôi rất yên tâm”.
Sự đồng hành của HTX đang giúp nhiều nông dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững. |
Tương tự, ở huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, hàng chục hộ nông dân đã vươn lên thoát nghèo nhờ có sự đồng hành của HTX. Hiện, huyện đang có loạt HTX điểm như HTX Thượng Sơn ở xã Sơn Giang, HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp An Phú xã Đức Bình Tây, HTX Nông nghiệp và kinh doanh Tiến Đạt ở xã Ea Bar, HTX Sản xuất nông nghiệp hữu cơ Tân Tiến ở xã Ea Ly…
Các HTX này đã bắt đầu triển khai một số dịch vụ mang lại hiệu quả kinh tế như thủy lợi nội đồng, cung ứng lúa giống, kinh doanh phân bón và triển khai mô hình sản xuất. Theo lãnh đạo huyện, việc cho ra đời các HTX mới nằm trong chương trình đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể gắn với xây dựng nông thôn mới.
“Nâng chất” để phát triển bền vững
Hay như ở Kon Tum, toàn tỉnh đến nay phát triển được 208 HTX, giải quyết việc làm thường xuyên, có thu nhập ổn định cho khoảng 1.000 lao động.
Nhiều HTX đã phát huy được vai trò tiên phong trong công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Trong đó, đóng góp lớn nhất phải kể đến các HTX nông nghiệp, đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Điển hình như HTX nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo (TP Kon Tum), HTX Bắc Tây Nguyên Farm, HTX Công bằng Pô Cô, HTX Sáu Nhung (huyện Đăk Hà), HTX rau hoa và du lịch Thanh Niên (huyện Kon Plông), HTX Nông nghiệp, thương mại và dịch vụ Rạng Đông (huyện Đăk Tô), HTX Đoàn Kết (huyện Sa Thầy)...
Có thể thấy, kinh tế hợp tác, HTX là một trong các thành phần kinh tế quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, đặc biệt trong việc cơ cấu lại sản xuất, thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển, tạo điều kiện để các thành viên tham gia liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và giảm nghèo bền vững.
Xuất phát từ vai trò, ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc cùng những đóng góp quan trọng của kinh tế hợp tác, HTX, thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã từng bước thể chế hóa thành các nghị quyết, luật, văn bản dưới luật và các chính sách để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện để kinh tế hợp tác, HTX phát huy vai trò của mình trong phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Tuy nhiên, để các HTX nói chung, HTX nông nghiệp nói riêng trên địa bàn cả nước phát huy được vai trò của mình, nhất là trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, các địa phương cần chú trọng, quan tâm hơn nữa để đẩy mạnh phát triển HTX trong các lĩnh vực thế mạnh.
Các địa phương cần tập trung vào các ngành nghề được ưu tiên như nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trồng và chế biến dược liệu, cà phê; xây dựng HTX gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, tái cơ cấu nông nghiệp; tạo điều kiện, tăng cường liên kết giữa HTX với doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác.
Song song với sự quan tâm hỗ trợ của cơ quan chức năng, để khẳng định vai trò của mình, các HTX cũng cần chú trọng đầu tư, đổi mới trang thiết bị, ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, chủ động kết nối tìm kiếm đối tác, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, từ đó nâng cao hiệu quả, giải quyết việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho thành viên.
Huy Hoàng