Sau hơn một tuần khi Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng lãi suất điều hành kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 4% lên 5%/năm, nhiều ngân hàng thương mại lập tức nâng lãi suất huy động.
Lãi suất tăng kéo chi phí tăng
Khi lãi suất đầu vào tăng, lãi suất cho vay được nhận định sẽ chịu sức ép lớn trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều này chắc chắn sẽ gây áp lực đối với nhiều HTX.
Ông Huỳnh Ngọc Sơn, Giám đốc HTX Dịch vụ chăn nuôi Xuân Phú (Đồng Nai) chia sẻ, việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động khiến ông cũng như các thành viên lo lắng sẽ ảnh hưởng đến lãi suất cho vay. Khi đó, sẽ tác động đến nguồn tiền của HTX, bao gồm cả những khoản vay cũ từ ngân hàng.
“Trong khi chăn nuôi đang bị tác động mạnh mẽ bởi dịch bệnh, giá thức ăn tăng còn giá bán lợn hơi liên tục giảm, hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX đã khó càng thêm khó”, ông Sơn nói.
Còn ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản Hải Điền (Hải Hậu, Nam Định) cho biết, lãi suất cho vay của các ngân hàng tăng lên sẽ lập tức tác động tới chi phí đầu vào, HTX sẽ thêm khó khăn.
Theo đó, từ đầu năm 2022 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu đầu vào tăng khoảng 15-20%. Trước sức ép này, HTX buộc phải tăng giá sản phẩm đầu ra 5-6%, nếu không sẽ lỗ nặng. Nếu ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất, HTX sẽ phải tính toán nâng giá bán sản phẩm, nhưng như vậy thì HTX sợ sẽ mất khách.
HTX sẽ thêm khó khăn nếu lãi suất cho vay từ các ngân hàng tăng. |
Thông thường, giai đoạn từ giữa đến cuối năm, các HTX đều cần vốn để tái sản xuất, đáp ứng các đơn hàng và nhu cầu thị trường cuối năm. Tuy nhiên, theo thống kê, nếu cả nước có khoảng 28.000 HTX thì chưa đến 20% HTX chủ động được nguồn vốn, nhiều HTX phải vay vốn từ bên ngoài.
Thế nhưng, thực tế cho thấy, chưa đến 10% HTX tiếp cận được nguồn vốn vay từ các ngân hàng, bởi điều kiện cho vay chưa thực sự phù hợp với mô hình kinh tế tập thể.
Ngay cả với gói cho vay lãi suất ưu đãi 2% của Chính phủ, một trong những điều kiện để tiếp cận khoản vay ưu đãi này là phải nằm trong nhóm không có nợ, khiến HTX khó đáp ứng được các tiêu chí vay.
Khi nguồn vay khó, lãi suất nguy cơ tăng khiến doanh thu của các HTX chỉ đủ bù chi phí, thậm chí không đủ bù chi trước thực trạng giá nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất kinh doanh vẫn ở mức cao. Theo chia sẻ của đại diện các HTX, lãi suất phổ biến của HTX tại ngân hàng khoảng 8-10%/năm, nếu lãi suất tăng cao, lợi nhuận của HTX ngày càng giảm.
Hỗ trợ HTX vay vốn ưu đãi
Trước thực trạng này, bên cạnh việc ưu đãi lãi suất và điều kiện tiếp cận vay vốn, nhiều HTX mong muốn các cơ quan quản lý tiếp tục xem xét thêm các chính sách hỗ trợ; cắt giảm thêm các khoản thuế, phí để HTX giảm chi phí đầu vào.
Hiện tại, nhiều HTX đã chủ động cắt giảm chi tiêu, tái cơ cấu sản xuất kinh doanh, giảm chi phí sản xuất, tìm nguồn cung nguyên liệu đầu vào có giá thấp hơn hoặc cho chậm trả. Có HTX đã linh hoạt đa dạng hóa nguồn vốn như vay từ các tổ chức hội, nghề nghiệp, vay từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX.
Tuy nhiên, "thắt lưng buộc bụng" mãi không phải phương án khả thi đối với những HTX đang có kế hoạch mở rộng sản xuất, tiếp cận thêm khách hàng vào dịp cuối năm. Nếu thiếu vốn sẽ không khuyến khích được các HTX mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển các dịch vụ, ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh chế biến, tăng giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, việc vay vốn từ các tổ chức hội hay Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX cũng có giới hạn nhất định.
Theo Ngân hàng Nhà nước, dù lãi suất điều hành tăng nhưng cơ quan này sẽ vận động các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí, tăng năng lực quản trị, từ đó giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. Tuy nhiên, các HTX cũng không hy vọng vào điều này nhiều.
Ông Nguyễn Văn Bình cho biết, từ trước đến nay, các ngân hàng thường có xu hướng tăng chứ ít khi giảm lãi suất cho vay. Đa số HTX có vay được tiền hay không là phụ thuộc vào quyền của các ngân hàng. Trong khi, nhu cầu vay vốn của người dân, HTX lớn, mà các doanh nghiệp vay cũng nhiều, khiến nguy cơ lãi suất cho vay khó giữ nguyên mà sẽ bị đẩy lên cao hơn. Đặc biệt là vào dịp cuối năm, khi nhu cầu về vốn phục vụ cho sản xuất tăng mạnh.
Theo giới chuyên môn, các ngân hàng thương mại đã đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận khá cao trong năm nay, ở mức mức trên 20% so với năm ngoái. Muốn duy trì lợi nhuận cao, tất nhiên sẽ phải tăng lãi suất cho vay khi lãi suất huy động tăng. Vì vậy, dù Ngân hàng Nhà nước có động viên cũng khó thuyết phục các ngân hàng giữ nguyên lãi suất cho vay.
Khi lãi vay cao, sẽ làm tăng chi phí đầu vào, tăng khó khăn cho HTX, nhất là trong hoàn cảnh HTX cần hỗ trợ để phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, trong bối cảnh lãi suất huy động tăng, các ngân hàng nên chia sẻ với khách hàng. Chính phủ cần đẩy nhanh và tính đến việc nới điều kiện cho vay với gói hỗ trợ lãi suất 2%, để tạo điều kiện cho các HTX, doanh nghiệp được nhanh chóng tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi.
Huyền Trang