Dù là một trong 5 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới và là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới, nhưng sản xuất của các HTX nông nghiệp trên cả nước đang chịu tác động không nhỏ từ thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu gây thiệt hại không nhỏ cho các thành viên, hộ liên kết.
Đối tượng ít, phạm vi hẹp
Vậy nhưng khi được hỏi về bảo hiểm nông nghiệp thì 93,95% số người được các chuyên gia của Đại học Công nghiệp Hà Nội khảo sát trả lời không biết về bảo hiểm nông nghiệp.
Bên cạnh đó, nhiều nông dân, thành viên HTX sản xuất ở các lĩnh vực như hoa màu, cây ăn trái… dù đã nghe và tìm hiểu về bảo hiểm nông nghiệp nhưng vẫn chưa mua được. Chính vì vậy mà không ít HTX trong lĩnh vực này mong muốn được tiếp cận bảo hiểm nông nghiệp sớm hơn, nhưng rất khó vì phạm vi đối tượng cây trồng, vật nuôi hiện nay còn bị bó hẹp.
Ông Lê Hữu Anh, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh (Gia Lai), cho biết Quyết định 13/2022/QĐ-TTg quy định chỉ khi cây cà phê bị thiên tai và thiên tai đó phải được công bố hoặc xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp. Loại hình này cũng không hỗ trợ cho các rủi ro dịch bệnh đối với cây cao su, hồ tiêu, điều, cà phê trong khi hiện nay thời tiết thay đổi bất thường, làm những loại cây này dễ bị mắc dịch bệnh và ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất cây trồng và thu nhập của thành viên.
Bên cạnh đó, mức phí bảo hiểm cần đóng cho cây cà phê là khá cao, khoảng 5 triệu/ha. Đây là mức không hề nhỏ vì mỗi hộ đều sản xuất trên diện tích lớn. Trong khi những năm gần đây, thành viên HTX hầu như đã dành tất cả vốn cho việc chăm sóc cây cà phê nhưng giá bán ra vẫn chưa như mong đợi.
Theo các chuyên gia, bảo hiểm nông nghiệp đang gặp phải các rào cản như: đối tượng bị bó hẹp, ít sản phẩm; chính sách hỗ trợ chưa áp dụng cho nhiều đối tượng nông dân, địa phương…
Nhiều HTX trồng sầu riêng muốn tham gia bảo hiểm nông nghiệp nhưng chưa thể vì đối tượng cây trồng, vật nuôi đang bị bó hẹp. |
Cụ thể thể, trong Nghị định số 58/2018/NĐ-CP đang khuyến khích các công ty bảo hiểm phát triển các sản phẩm bảo hiểm đối với trâu, bò, lợn, gia cầm... Tuy nhiên, trong Quyết định số 22/2019/QĐ-TTG và Quyết định số 03/2021/QĐ-TTG chỉ quy định Nhà nước hỗ trợ phí bảo hiểm đối với bảo hiểm trâu, bò, áp dụng cho 8 tỉnh gồm Hà Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đồng Nai, Bình Dương.
Điều này dẫn tới tình trạng mới chỉ có bò sữa, bò giống, trâu, bò thịt là những loại vật nuôi đã được cơ quản quản lý phê chuẩn triển khai trong giai đoạn hiện nay.
Bảo hiểm vật nuôi cũng mới bảo hiểm cho hai dịch bệnh gồm: Lở mồm long móng, nhiệt thán là quá ít và chưa phù hợp với thực tiễn. Bởi nhiều dịch hại khác đang làm các HTX chăn nuôi đau đầu như dịch tả lợn châu Phi, tai xanh… nhưng chưa có trong quy định về bảo hiểm nông nghiệp.
Trong khi, những vật nuôi này khi được bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện và điều kiện này tùy thuộc vào từng sản phẩm của công ty bảo hiểm. Chẳng hạn, vật nuôi phải ở trạng thái khỏe mạnh, không bị tổn thương, không có bệnh tật từ trước và phải được chăn nuôi, quản lý bằng bằng thẻ đeo tai…
Vượt qua thách thức
Là một nước nông nghiệp nhưng thị trường bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam lại kém phát triển và chưa thu hút được người dân, HTX tham gia. Theo các chuyên gia, bảo hiểm nông nghiệp hiện nay mới chỉ được thực hiện ở một số loại cây, con con truyền thống, ít rủi ro. Những loại cây, con gặp nhiều rủi ro mà các HTX thực sự muốn mua bảo hiểm thì các doanh nghiệp bảo hiểm không dám nhận (rau củ quả, các loại gỗ lớn, cây ăn quả…). Và ngược lại, một số cây, con ít rủi ro, doanh nghiệp nhận bảo hiểm thì thành viên HTX không muốn mua hoặc không đủ điều kiện tham gia, duy trì bảo hiểm.
Như vậy, việc xem xét mở rộng các đối tượng cây trồng vật nuôi được bảo hiểm là điều cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Đi liền với đó là mở rộng phạm vi áp dụng bảo hiểm nông nghiệp thay vì bó hẹp ở một số tỉnh thành.
Ngay như loại hình bảo hiểm thời tiết dù được thực hiện nhiều ở cây lúa với mức chi phí 220.000 đồng/ha, thành viên HTX khi bị thiệt hại do lượng mưa bị thiếu hụt hoặc cao quá mức trong vòng 5 ngày liên tiếp sẽ được bồi thường tối đa đến 4 triệu đồng. Tuy nhiên, loại hình bảo hiểm này cũng mới được triển khai tại 8 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Rõ ràng, đối với một đất nước nông nghiệp như Việt Nam, phát triển bảo hiểm nông nghiệp là rất cần thiết. Nhưng thay vì mãi chỉ dừng chân ở mức thí điểm tại một số tỉnh thành, các cơ quan quản lý cần nhanh chóng xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích nông dân, HTX tham gia loại hình này cũng như khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm triển khai bảo hiểm nông nghiệp.
Nếu các HTX nông nghiệp tham gia bảo hiểm nông nghiệp sẽ góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn sau rủi ro từ thiên tai dịch bệnh, từ đó giúp Nhà nước giảm được gánh nặng hỗ trợ sau thiên tai, dịch bệnh.
Có ý kiến cho rằng, muốn phát triển bảo hiểm nông nghiệp, việc người dân và các HTX tổ chức sản xuất theo quy trình và trên quy mô lớn sẽ thuận tiện hơn và hạn chế được những rủi ro đáng tiếc. Điều này là đúng nhưng chưa đủ bởi khó khăn và thách thức trong phát triển bảo hiểm nông nghiệp không chỉ đến từ những yếu tố khách quan như việc sản xuất nhỏ lẻ của các HTX mà còn do chính các doanh nghiệp bán bảo hiểm nông nghiệp.
Bởi các doanh nghiệp này không có chuyên môn trong sản xuất nông nghiệp nên quá trình thống kê, kiểm soát quy trình sản xuất của người dân, HTX gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là đưa ra nhiều quy định bất lợi và không phù hợp với thực tiễn. Trong khi quy định sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiện nay cũng khá phức tạp, có nhiều yếu tố liên quan đến khoa học và kỹ thuật nhưng cũng có nhiều yếu tố khó có thể đo lường, đong đếm.
Huyền Trang