Thời gian gần đây, các loại nông sản, trái cây nhập khẩu với nguồn gốc đa dạng được bày bán la liệt khắp siêu thị, cửa hàng, chợ mạng và cả chợ truyền thống.
Nông sản ngoại giá rẻ
So với hàng nội, các loại trái cây ngoại chiếm tỷ trọng áp đảo. Điều đáng nói là một số loại trái cây vốn khá đắt đỏ, nay giảm dần về mức bình dân.
Tại một số siêu thị ở Hà Nội, táo Envy size 5 quả/kg có giá chỉ 70.000-85.000 đồng/kg, size 3 quả/kg giá cũng chỉ khoảng 100.000 đồng/kg. Đây là mức giá không đắt từ trước đến nay vì Envy luôn là loại táo có giá cao, dao động từ 150.000-250.000 đồng/kg, có thời điểm lên tới trên dưới 300.000 đồng/kg.
Không chỉ vậy, các loại trái cây cũng đa dạng chủng loại. Người tiêu dùng có thể mua theo kg, theo set hay mua cả thùng. Nhiều loại như táo, lựu, dưa lưới của Trung Quốc hay quýt mini Thái Lan giá còn rẻ hơn các nông sản cùng loại ở Việt Nam.
Số liệu từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), cho thấy, chỉ trong tháng 9, Việt Nam đã chi 230 triệu USD nhập khẩu các loại rau quả, chủ yếu là mặt hàng trái cây. Còn tính hết tháng 9 năm 2022, kim ngạch nhập khẩu nhóm mặt hàng này lên tới 1,49 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ.
Việc nông sản ngoại đổ bộ vào Việt nam được cho là Việt Nam đang tham gia các hiệp định thương mại nên thuế nhập khẩu nhiều loại trái cây về mức rất thấp, thậm chí 0% nên hàng về nhiều, giá ngày càng rẻ.
Áp lực của các HTX không nhỏ trước tình trạng nông sản, trái cây ngoại đổ bộ vào Việt Nam. |
Cùng với đó, trong quan hệ thương mại luôn có nguyên tắc “có đi, có lại”. ThS. Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, dẫn chứng nếu Trung Quốc đồng ý cho Việt Nam xuất khẩu một loại trái cây chính ngạch nào đó thì ngược lại, Việt Nam cũng phải nhập khẩu một loại trái cây nào đó của Trung Quốc. Còn nhập loại gì, số lượng bao nhiêu là do các nước tự nghiên cứu thị trường nội địa để có quyết định phù hợp.
Nhìn nhận về đầu ra của nông sản Việt, PGS, TS Mai Quang Vinh, Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam, cho biết hiện nay nông sản của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu qua Trung Quốc còn xuất sang các thị trường khác rất ít. Thỉnh thoảng mới có vài thương vụ xuất khẩu nhưng phần lớn cũng chỉ bán ở cửa hàng gốc Á hoặc có trên kệ siêu thị ở các nước khác nhưng chủ yếu phục vụ người Việt tại nước ngoài.
Chính vì vậy, việc nông sản, trái cây ngoại nhập gia tăng mạnh trong thời gian qua tuy giúp người tiêu dùng đa dạng sự lựa chọn nhưng cũng trở thành thách thức cho các HTX, doanh nghiệp sản xuất nông sản, trái cây nội địa.
Không để tiền rơi
Thực tế cho thấy, nông sản của các HTX lâu nay đã được nâng cao về chất lượng, nhìn chung vẫn có nhược điểm là tính mùa vụ cao, sản lượng và giá trồi sụt, đặc biệt là chất lượng, mẫu mã không đồng đều. Trong khi trái cây nhập khẩu lại khỏa lấp được những điều này.
Ông Đặng Văn Nám, Chủ tịch HĐQT HTX bưởi da xanh kế Sách (Sóc Trăng), cho biết nhiều HTX hiện chỉ chú trọng xuất khẩu, làm mọi cách để đáp ứng đầy đủ yêu cầu chất lượng của nhà nhập khẩu nhưng ít chú trọng nhu cầu từ thị trường trong nước.
Trong khi thị trường trong nước vốn rất tiềm năng với gần 100 triệu dân, cùng nguồn du khách quốc tế rất lớn. “Nhưng nếu chúng ta vẫn giữ cách làm manh mún, không thay đổi chất lượng sản phẩm, không tận dụng thị trường nội địa thì chắc chắn các nước khác sẽ tận dụng hộ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chúng ta phải bỏ tiền tỷ ra nhập nông sản trong khi Việt Nam vốn là nước nông nghiệp”, ông Nám nói.
Chuyện tận dụng thị trường tưởng là vấn đề dễ nhưng lại không hề đơn giản với các HTX, nhất là khi nông sản ngoại đang ồ ạt vào trong nước. Trước thực trạng này, PGS, TS Mai Quang Vinh cho rằng các HTX, doanh nghiệp Việt nên học hỏi cách tiếp cận thị trường của các nước bởi thực tế nhiều khảo sát cho thấy, người tiêu dùng ưa chuộng hàng ngoại không phải ở chất lượng mà có khi là vì “ăn để biết”.
Bên cạnh đó, chất lượng không phải là nguyên nhân chính mà do HTX, doanh nghiệp Việt đang bỏ qua khâu quảng bá và chưa có chiến lược rõ ràng cho thị trường nội địa.
Chẳng hạn như Thái Lan, để đưa nông sản ra nước ngoài, nước này đặc biệt quan tâm đầu tư thiết kế, in ấn tem, nhãn, bao bì sản phẩm và hệ thống công cụ quảng bá (tờ rơi, sách, báo, chương trình quảng cáo…). Các ấn phẩm quảng cáo này đều được biên soạn và phát hành bằng tiếng Anh và tiếng của nước nhập khẩu.
Đặc biệt, những sản phẩm trái cây của Thái Lan xuất khẩu qua Việt Nam hay nhiều quốc gia khác đều có giấy chứng nhận về chất lượng. Trong khi ở Việt Nam đều quảng cáo sản phẩm có chất lượng tốt nhưng thiếu chứng nhận, người tiêu dùng nhiều khi muốn mua phải tự tìm hiểu về sản phẩm, đơn vị sản xuất.
“Ngay như trong một buổi xúc tiến thương mại quả xoài sang Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc có hỏi phía Việt Nam đã tổ chức những buổi xúc tiến thương mại nào tại Trung Quốc hay chưa thì ngay phía cơ quan Việt Nam cũng trả lời rằng mới đang trong quá trình lên kế hoạch và do dịch bệnh”, PGS TS Mai Quang Vinh nói.
Còn ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình (Đồng Nai) cho biết Campuchia, Thái Lan đã nghiên cứu rất kỹ nhu cầu thị trường Trung Quốc về các giống trái cây mà nước này ưa chuộng. Trong khi các HTX hiện nay chỉ trồng theo bản năng, không lên kế hoạch cụ thể về diện tích, sản lượng, đầu ra và chưa chú trọng đến chế biến nên dễ bị trùng mùa thu hoạch với các loại các loại nông sản nhập khẩu.
Trước xu hướng nông sản ngoại giá rẻ đổ bộ đang tạo áp lực lớn cho các HTX, doanh nghiệp sản xuất nông sản, thực phẩm trong nước đòi hỏi các HTX phải thay đổi theo hướng đa dạng hóa sản phẩm phục vụ mọi phân khúc, từ cao cấp đến bình dân để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng nội địa.
Đặc biệt, HTX cần phải xây dựng chiến lược mạng lưới kênh phân phối nông sản một cách phù hợp. Trong đó, HTX không thể bỏ qua mạng lưới phân phối truyền thống nhưng vẫn phải chú trọng thêm kênh thương mại điện tử, bởi người tiêu dùng, nhất là giới trẻ, hiện mua sắm qua thương mại điện tử nhiều.
Song song đó, phải chuẩn hóa trong quan điểm tư tưởng, phương pháp phục vụ, bắt kịp xu thế thị trường đó là nhiều người hướng đến sống xanh, sống sạch… để có chiến lược sản xuất phù hợp.
Tuy nhiên, muốn phát triển bền vững và cạnh tranh lành mạnh, việc đa dạng nguồn giống cũng là cánh cửa để nông sản Việt có thể cạnh tranh được với nông sản ngoại ngay trên sân nhà.
Huyền Trang