Đông Nam Á vẫn là khu vực hấp dẫn đối với các nhà đầu tư công nghệ, dù tổng vốn đầu tư giảm từ 12 tỷ USD năm 2018 xuống còn 7,7 tỷ USD trong năm 2019, theo báo cáo của Quỹ đầu tư mạo hiểm Cento Ventures có trụ sở tại Singapore.
Báo cáo chỉ ra trong năm ngoái, các thương vụ đầu tư lớn ít xuất hiện hơn, thay vào đó là sự gia tăng đáng kể các thương vụ dưới 50 triệu USD - với tổng giá trị đạt 2,4 tỷ USD so với mức 1,5 tỷ USD của năm 2018. Ngược lại, tổng giá trị của các thương vụ trên 50 triệu USD đạt 5,3 tỷ USD, chỉ bằng một nửa so với con số 10,5 tỷ USD ghi nhận năm 2018.
Vốn đầu tư vào startup công nghệ Việt lần đầu vượt Singapore (Ảnh Internet) |
Cento Ventures cho rằng nguyên nhân có thể đến từ việc năm 2019 là giai đoạn phát triển sau vòng gọi vốn năm 2018 của nhiều startup, nên lượng gọi vốn ít đi. Tuy nhiên, lượng vốn đầu tư có thể tăng trở lại vào năm 2020 khi các kỳ lân hiện tại và các startup mới thực hiện các vòng gọi vốn tiếp theo.
Bên cạnh Grab và Go-Jek, báo cáo cũng ghi nhận những vòng gọi vốn lớn của các startup khác trong khu vực như Traveloka (420 triệu USD); VNPay (300 triệu USD); Scommerce (100 triệu USD); công ty khởi nghiệp edTech của Indonesia Ruangguru (150 triệu USD) và công ty khởi nghiệp AI Advance.ai có trụ sở tại Singapore (80 triệu USD).
Indonesia vẫn là quốc gia thu hút nhiều vốn đầu tư vào startup nhất, chiếm 59% tổng vốn đầu tư toàn khu vực (giảm từ mức 76% của năm 2018). Việt Nam lần đầu vượt qua Singapore trong việc thu hút vốn đầu tư vào startup công nghệ, chiếm 18% tổng vốn đầu tư toàn khu vực – bước nhảy vọt so với mức 4% năm 2018.
Sau sự việc của WeWork, các quỹ đầu tư mạo hiểm đã chú trọng hơn đến vấn đề lợi nhuận của các startup. Tuy nhiên, báo cáo nhấn mạnh rằng các yếu tố cơ bản của khu vực vẫn tích cực như dân số lớn, tốc độ số hóa nhanh chóng.
Dù dịch virus corona chủng mới có thể khiến đầu tư chững lại ở thời điểm hiện tại, Cento Ventures nhận định còn quá sớm để đánh giá những ảnh hưởng của dịch bệnh cho dòng vốn chảy từ Trung Quốc về Đông Nam Á.
Công Huyền