Kế hoạch triển khai Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2025 vừa được UBND TP.HCM ban hành đặt mục tiêu hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho 600 doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, ươm tạo, phát triển 200 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ 20 doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn mạo hiểm.
TP.HCM xếp thứ 179 trong Top 200 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo toàn cầu (Ảnh: Int) |
Thông qua kế hoạch, TP.HCM hướng tới đạt được mục tiêu hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển ngang tầm khu vực. Đồng thời, từng bước trở thành nền tảng vững chắc hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Qua đó phát triển các sản phẩm chủ lực của TP.HCM, góp phần nâng cao năng suất các nhân tố tổng hợp vào GRDP đến năm 2025 đạt từ 45 - 50%.
Kế hoạch đề ra được kỳ vọng sẽ tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Đồng thời, thúc đẩy hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Trước đó, vào tháng 3/2022, Sở KH&CN TP.HCM đã ra mắt hệ sinh thái khởi nghiệp H-OIP (Ho Chi Minh Open Innovation Platform), được định hướng làm nền tảng để các tổ chức ươm tạo, vườn ươm tạo dựng hình ảnh, phát huy thế mạnh và tăng cường sự hợp tác với nhau trong hoạt động ươm tạo, hỗ trợ cho startup. Mô hình H-OIP sẽ là nền tảng trong năm 2022 và những năm sau đó trong hoạt động ươm tạo, hỗ trợ cho startup khởi nghiệp.
Sở KH&CN TP.HCM đánh giá, thực tế cho thấy các mô hình xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công đều dựa trên sự hợp tác và chia sẻ. Do đó, việc triển khai xây dựng nền tảng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo H-OIP sẽ theo phương châm "mỗi cơ sở ươm tạo là một khách hàng của H-OIP". Các cơ sở ươm tạo có thể liên hệ với nhóm thực hiện H-OIP hoặc Sở KH&CN TP.HCM để gửi các yêu cầu, ý kiến đóng góp, phát triển.
Năm 2021 vừa qua, mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP.HCM vẫn đạt được kết quả khả quan, xếp thứ 179 trong Top 200 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo toàn cầu. Số lượng doanh nghiệp KH&CN của TP.HCM đứng đầu cả nước với 108 doanh nghiệp. Đặc biệt, TP.HCM có 39/63 thương vụ startup với số vốn gọi được hơn 837 triệu USD, chiếm 50% tổng số vốn ở cả nước…
Chương trình Speedup có 2 dự án được nhà đầu tư mua lại định giá tăng 1,1-1,5 lần và đã trả lại kinh phí hỗ trợ của Nhà nước; 3 dự án đã có lợi nhuận và nộp một phần lợi nhuận của dự án cho Nhà nước. Đáng chú ý, có 6 dự án huy động được từ các quỹ đầu tư gấp 7,5 lần so với phần kinh phí hỗ trợ trước đó của chương trình. Hiện, chương trình Speedup đang hỗ trợ cho 61 dự án, tổng giá trị định giá của 61 dự án khoảng 29,9 triệu USD, trong đó phần kinh phí Nhà nước hỗ trợ vào khoảng 1,84 triệu USD (6,1%).
Phương Linh