2021 là năm nền kinh tế gặp phải nhiều khó khăn vì dịch COVID-19 nhưng cũng là năm kỷ lục của đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam với tổng số tiền đầu tư đạt 1,4 tỷ USD, tăng gấp 1,5 lần so với con số 874 triệu USD kỷ lục trước đó vào năm 2019, cùng sự xuất hiện của 2 kỳ lân công nghệ (startup được định giá trên 1 tỷ USD) mới là Momo và Sky Mavis.
Tăng trưởng 1.000%, Momo muốn được IPO
Ông Nguyễn Bá Diệp, Nhà sáng lập và Phó Chủ tịch HĐQT MoMo, chia sẻ khi COVID-19 ập đến, với các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp thì đây là nỗi sợ khủng khiếp, đêm ông không ngủ được. Tuy nhiên, MoMo nhận thấy "trong nguy có cơ", đó là khi mà thanh toán ở nhiều ngành dịch vụ như du lịch bằng 0, thì các phần thanh toán khác tăng đột biến, kéo theo lượng khách hàng cũng tăng tương tự.
Việt Nam có tiềm năng để trở thành một trung tâm công nghệ mới nổi của khu vực. |
Vì thế năm 2020 - 2021 vừa là thảm họa bởi đại dịch COVID-19 gây ra nhưng cũng là cơ hội lớn cho các DN số hoá, theo đó tăng trưởng của MoMo không chỉ đạt 100%, mà lên tới 1.000%. "Nếu không có COVID-19, chúng tôi phải cố gắng 20 năm mới đạt được mức tăng trưởng trên", ông Diệp chia sẻ đây cũng là lý do trong năm 2021, MoMo nhận được vốn từ hai quỹ đầu tư mạo hiểm lớn đến từ Mỹ và Nhật Bản.
Tuy vậy, chia sẻ về hành trình trở thành "kỳ lân công nghệ", ông Nguyễn Bá Diệp cho rằng đó là một quá trình cũng khá gian nan. Năm 2007 khi mới bắt đầu khởi nghiệp, không ai tin là MoMo có thể làm được, thời điểm đó Quỹ đầu tư nước ngoài đã nhìn ra được xu hướng phát triển nên đầu tư dòng tiền đầu tiên vào MoMo.
Ông Diệp cho biết, ngay sau khi nhận dòng vốn đầu tiên, MoMo đã được Quỹ đầu tư cho đi đến các nước có mô hình tương tự để học hỏi phát triển mô hình kinh doanh, mô hình công nghệ. Việc tận dụng mô hình nước ngoài và dùng trí tuệ của người Việt để phát triển kinh doanh là điều quá tuyệt vời.
Có thể thấy MoMo đã mất hành trình 15 năm để trở thành kỳ lân. Đến nay, MoMo đã bước qua giai đoạn non trẻ, chuyển sang giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, ở giai đoạn phát triển, doanh nghiệp vẫn cần nguồn vốn lớn. Do vậy, ông Diệp kiến nghị Nhà nước có cơ chế để các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo có thể IPO (chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng), từ đó giúp huy động vốn từ nội địa thay vì phải gọi vốn từ các quỹ nước ngoài.
Dưới góc nhìn của một quỹ đầu tư trong nước, ông Trần Hữu Đức, Giám đốc điều hành Quỹ VIISA cho biết trong những thời khắc khó khăn nhất, các Startup mong muốn nhận được sự chia sẻ, thấu hiểu của cơ quan quản lý, người tiêu dùng. Có Startup hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ đào tạo ngoại ngữ, trước dịch đã đầu tư hơn 30 trung tâm. Sau dịch COVID-19 xảy ra, Startup này đã chuyển sang phương thức dạy online. "Tuy vậy, khi dịch bệnh dần được kiểm soát, nhiều người lại trách móc rằng sao trung tâm không chuyển sang đào tạo trực tiếp mà lại trực tuyến, nói chung là rất nhiều khó khăn", ông Đức nói.
Tìm cách 'chăm bẵm' Startup lớn mạnh
Vì vậy, ông Đức cho rằng cần phải tạo ra một môi trường thân thiện hỗ trợ phát triển vì DN khởi nghiệp giống như đứa trẻ mới sinh cần được chăm bẵm, chiều chuộng. "Chúng ta cần phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để các Stratup trong nước phát triển, tránh tình trạng quay sang trái Startup gặp phải vấn đề pháp lý, quay sang phải gặp sự cạnh tranh gay gắt từ Startup ngoại, nhìn đằng trước thì vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn".
Đại diện Quỹ VIISA chia sẻ, khởi nghiệp là một hành trình dài, trung bình một Startup để trở thành kỳ lân phải mất hơn 8 năm. Thời gian qua, hoạt động khởi nghiệp của Việt Nam đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ Chính phủ, bộ ngành. Song các DN khởi nghiệp cũng mong muốn những hỗ trợ này được tập trung, dễ tiếp cận chứ không nên dàn trải.
Đơn cử, ông Đức dẫn chứng trong đại dịch COVID-19, để hỗ trợ các Startup đang trên đà phát triển nhưng gặp khó khăn về nguồn vốn, Indonesia đã thành lập Quỹ của Chính phủ để hỗ trợ vốn cho các Startup sắp trở thành kỳ lân. Đây là sự hỗ trợ rất cần thiết, bởi một DN đã mất mấy năm để khởi nghiệp, sắp thành công thì phải phá sản do thiếu vốn thì rất đáng tiếc.
Vì vậy, để nguồn hỗ trợ hiệu quả, tập trung, đại diện Quỹ VIISA kiến nghị Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể dành một nguồn vốn hỗ trợ cho Startup.
Hay về câu chuyện pháp lý, hiện nay vẫn đang xảy ra tình trạng một Startup phải đi nhiều nơi để xin cấp phép. Ví dụ, một DN muốn kinh doanh sàn dịch vụ tài chính nên phải xin giấy phép thương mại điện tử, nhưng tới Bộ Công Thương thì biết đây là sản phẩm tài chính nên phải xin giấy phép từ Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính. Do vậy cần có cơ chế một cửa để Startup được hỗ trợ, tránh phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính.
Theo ông Nguyễn Võ Hưng, Trưởng ban Chính sách đổi mới sáng tạo (Viện Chiến lược và Chính sách khoa học và công nghệ), song hành với hoạt động đổi mới sáng tạo là tình trạng không có một quy định nào hiện hành để điều chỉnh nó, chưa nói đến các chuyện về kinh tế số… khi có nhiều vấn đề chưa từng có thì sẽ đặt ra vấn đề sandbox (khung pháp lý thử nghiệm). Dẫn tới, khi áp nguyên tắc chỉ xử lý theo quy định hiện hành thì khi đưa một thứ mới ra, có thể gặp phải tình trạng đến cơ quan này người ta sẽ chỉ tới cơ quan khác, đi một vòng như thế là mất vài năm và những thứ mới ấy sẽ không ra được thị trường.
Vậy nên, ông Hưng thẳng thắn cho rằng, cần có một quy định căn cơ hơn, tức là quy định về ứng xử với những thứ chưa từng có thì trình tự xử lý như thế nào để nhanh, thay vì phải xây dựng một luật mới thì khoảng 10 năm. Làm được điều này sẽ tạo điều kiện cho hoạt động đổi mới sáng tạo phát triển.
Ông Vũ Quốc Huy Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều cơ chế, ưu đãi cho Startup, tuy nhiên cần cụ thể các ưu đãi này trên thực tế hơn nữa. Theo đó, NIC sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các cơ chế chính sách vượt trội, khung pháp lý thử nghiệm (sandbox) nhằm khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo trên phạm vi cả nước, đảm bảo sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Ông Lê Duy Bình Giám đốc Công ty Economia Việt Nam Cách tiếp cận về sandbox của chúng ta hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc cho thí điểm những cơ chế mà các nước trên thế giới đã thực hiện. Cách tiệm cận này khác với các cách thức của các chính sách về sandbox của một số nước. Ví dụ như chính sách về sandbox của Đức, của Anh, của một số quốc gia khác ở châu Âu. Theo đó, những sandbox policy được đặt ra là để khuyến khích những cái sáng tạo mới, để khuyến khích làm những điều mới: thử và sai - đây là vấn đề mà các quốc gia khuyến khích. Trong khi đó, sandbox mà Việt Nam thí điểm hiện nay là thí điểm, thử những vấn đề đã có, cách thức tiếp cận của chúng ta chỉ dừng lại ở mục đích là để đưa vào thị trường. Như vậy, chúng ta sẽ không thể khuyến khích được sáng tạo những sản phẩm, dịch vụ, công nghệ mới. Ông Nguyễn Hiếu Linh Giám đốc quốc gia Quỹ eWTP Trong thời điểm COVID-19, những buồn vui, trăn trở của Quỹ đầu tư cũng giống với người sáng lập Startup. Thời gian qua, hoạt động đầu tư vào đổi mới sáng tạo cũng gặp khó khăn khi phải làm việc qua qua môi trường trực tuyến, điều này cũng ảnh hưởng tới quyết định đầu tư. Tuy nhiên, hoạt động đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn đang rất phát triển thể hiện qua việc đón dòng vốn đầu tư khủng trong năm 2021. Vì vậy, việc có những cơ chế, ưu đãi để hỗ trợ Startup phát triển là rất cần thiết. |
Nhật Linh