Sáng 21/9, Bộ Tư pháp và UBND TP Hà Nội đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo của Thủ đô”, nhằm đề xuất chính sách cho sửa đổi Luật Thủ đô. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu và Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đồng chủ trì hội thảo.
Hà Nội thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo (Ảnh minh họa: Int) |
Báo cáo tại Hội thảo, PGS-TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở KH&CN (KH&CN) Hà Nội cho biết, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định: Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển kinh tế - xã hội; phát huy hiệu quả nguồn lực trí tuệ con người, đẩy mạnh ứng dụng KH&CN và thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cùng với đó, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và các mô hình kinh tế mới gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động. Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, KH&CN, kết nối theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp trong vùng kinh tế và cả nước. Đồng thời, thu hút các tập đoàn đa quốc gia thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) đặt trụ sở tại Hà Nội.
Tổ công tác xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đề xuất chính sách: Huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực KH&CN, đổi mới sáng tạo. Mục tiêu nhằm xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm KH&CN, đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh việc xin ý kiến phản biện, kiến nghị và đề xuất đối với các cơ chế thuộc lĩnh vực KH&CN dự kiến đưa vào Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Hội thảo cũng đề cập đến các vấn đề chuyển đổi số với Thủ đô.
Cụ thể, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Bộ KH&ĐT) đề xuất một số ý kiến về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo cho Hà Nội. Trong đó, cơ chế, chính sách của Thủ đô là kết nối các cơ sở vật chất phục vụ đổi mới sáng tạo đang có của các bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, các tập đoàn… để hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo cho Hà Nội. Với mô hình này, TP Hà Nội ít phải đầu tư nhất mà tận dụng mô hình chia sẻ. Cùng với đó, kết nối các chương trình, dự án đổi mới sáng tạo đang có của các bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, các tập đoàn. Cần làm rõ có cần đặc thù về cơ chế, chính sách không, hay chỉ là đặc thù về xây dựng, triển khai các chương trình, dự án, hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo tại Hà Nội? Các cơ chế ưu đãi hiện hành có phải đang là vấn đề dẫn tới cần phải đề xuất biện pháp ưu đãi, hỗ trợ đặc thù của riêng Thủ đô?
Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đề xuất cách tiếp cận, đó là cần kết hợp giữa các xu thế quốc tế, trong nước và thế mạnh của Hà Nội để lựa chọn các lĩnh vực trọng điểm, có tác dụng lan tỏa cần hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo. Đây là cơ hội đưa tầm nhìn, định hướng chiến lược hỗ trợ đổi mới sáng tạo vào Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2022. Cùng đó, kết hợp với quá trình xây dựng Quy hoạch kinh tế - xã hội 2022 đang thực hiện, có thể đề xuất hình thành các khu đổi mới sáng tạo với cơ chế ưu đãi vượt trội, trong quy hoạch các khu đổi mới sáng tạo cần quy hoạch đồng bộ các chức năng…
Phương Lan