Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội (Vườn ươm) chính thức hoạt động từ tháng 1/2017. Hiện đã có 20 ý tưởng, dự án khởi nghiệp “tốt nghiệp” - hoàn thiện sản phẩm thương mại ra thị trường.
Đáng chú ý, đến nay có 7 dự án đã nhận được vốn đầu tư để phát triển sản phẩm rộng rãi tại thị trường trong nước. Trong đó phải kể đến những dự án nổi bật, như “mGreen - Giải pháp ứng dụng công nghệ 4.0 khuyến khích phân loại rác tại nguồn để bảo vệ môi trường”. Ứng dụng trang bị vật dụng đựng rác giúp người dân phân loại rác thải, khi đầy sẽ báo đơn vị thu gom chuyển đi. Ứng dụng đã được người dân sinh sống tại nhiều khu đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lựa chọn.
"Bà đỡ mát tay" các dự án khởi nghiệp Hà Nội (Ảnh Internet) |
Tiếp đó phải kể đến dự án “Vihago - Nền tảng kết nối giữa hành khách với phương tiện vận chuyển” đã lần thứ ba nhận vốn đầu tư nhiều tỷ đồng. Ra mắt từ tháng 8/2018, Vihago đã có trên 30.000 xe tham gia mạng lưới với 15.000 hành khách thường xuyên sử dụng; đặt kế hoạch đến hết năm 2020 phục vụ 45.000-60.000 lượt khách/ngày. Vihago dự kiến đạt doanh thu 47 tỷ đồng trong năm nay.
Một dự án khác là “Ứng dụng gọi xe chiều về - Net Loading” giúp kết nối những người có nhu cầu chuyển hàng liên tỉnh. Nhờ đó, chủ hàng có thể giảm chi phí vận chuyển đến 40%, chủ xe có thể tăng thêm 20% doanh thu, góp phần giảm lãng phí và các vấn đề khác về giao thông. Sau khi tham gia Vườn ươm, đến tháng 2/2019, Net Loading đã được nhà đầu tư “rót vốn” 1 tỷ đồng để phát triển. Hiện, ứng dụng này đã có lượng người tham gia tăng gấp đôi so với trước, với 6.000 xe trong cả nước, 4.000 đơn hàng/tháng...
Ông Vũ Tấn Cương, Trưởng ban Quản lý Vườn ươm cho biết, Hà Nội đặt mục tiêu mỗi khóa (mỗi năm một khóa ) sẽ có khoảng 3 dự án nhận được đầu tư, đến nay, sau 2 khóa đã có 7 dự án được các nhà đầu tư lựa chọn.
“Hà Nội đã từng bước khẳng định được vai trò tiên phong trong hỗ trợ dự án khởi nghiệp sáng tạo thông qua các hoạt động: Ươm tạo hỗ trợ phát triển hoàn thiện ý tưởng; đào tạo kỹ năng cơ bản về quản trị doanh nghiệp; hỗ trợ thu hút vốn đầu tư; hỗ trợ, chia sẻ không gian làm việc, kinh nghiệm, pháp lý...”, ông Vũ Tấn Cương khẳng định.
Trong khóa 3 năm 2019, Vườn ươm đã tiếp nhận 13 hồ sơ là ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Sau quá trình đánh giá, cuối tháng 5 vừa qua, Ban Quản lý Vườn ươm đã lựa chọn được 9 ý tưởng, dự án khởi nghiệp đủ điều kiện để tiếp nhận vào vòng 3. Nhiều dự án đã có sản phẩm được đưa vào thử nghiệm tại thị trường, trong đó có “Hệ thống thu nhận và truyền tải hình ảnh y khoa - Pacs” của Công ty TNHH Hệ thống thông minh Delta.
Đây là dự án số hóa dữ liệu hình ảnh chụp phim của bệnh nhân, giúp tiết kiệm chi phí đầu tư mua phim cho bệnh viện, giảm thiểu tác hại tới môi trường; giúp người bệnh tiết kiệm 15% chi phí khám chữa bệnh. Ông Nguyễn Linh, Giám đốc dự án cho biết, hiện ứng dụng Pacs đang được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La và Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu.
"Việc được lựa chọn vào Vườn ươm không chỉ đem lại lợi ích cho công ty và cá nhân được hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm về quản trị doanh nghiệp - vốn là những thứ mà các startup còn yếu, mà còn giúp các startup khẳng định thương hiệu, từ đó có thêm sự tin cậy và nhiều cơ hội để doanh nghiệp phát triển sản phẩm ra thị trường", ông Nguyễn Linh nhìn nhận.
Tuy nhiên, trong số các dự án này vẫn còn một số startup đã có ý tưởng tốt nhưng còn thiếu các kỹ năng như lập kế hoạch, thuyết trình, kêu gọi vốn đầu tư... Vì vậy, thời gian tới, Ban Quản lý Vườn ươm sẽ thực hiện các khóa đào tạo, tọa đàm với sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp thành danh, nhà đầu tư để chia sẻ, cố vấn... cho các ý tưởng, dự án; giúp các startup hoàn thiện và đưa ra thị trường hiệu quả.
Công Huyền (Theo HNM)