Theo thống kê tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tính đến hết tháng 11, số lượng cổ phần đấu giá xuống mức thấp nhất trong 6 năm trở lại đây với 199 triệu đơn vị, tỷ lệ thành công đạt 78%, thu về 3.774 tỷ đồng (cũng là mức thấp nhất 6 năm qua).
Tại Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HoSE), có 32 doanh nghiệp (DN) tiến hành đấu giá cổ phần thì 15 trường hợp phải hủy bỏ do hết hạn đăng ký không đủ điều kiện tổ chức. Tổng khối lượng bán được đạt 86,4 triệu cổ phần với giá trị 1.855 tỷ đồng.
Liên tiếp “ế hàng”
Trong tuần đầu tháng 12/2019, HoSE đã công bố hủy tổ chức phiên đấu giá bán vốn của CTCP Xuất nhập khẩu hóa chất miền Nam (Southchimex) do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) sở hữu do hết thời hạn đăng ký (16 giờ ngày 4/12/2019) mà không có nhà đầu tư (NĐT) đăng ký tham gia.
Trước đợt bán vốn không thành tại Southchimex, đợt bán vốn của Vinachem tại CTP Cao su Đà Nẵng (mã: DRC) hồi tháng 5/2019, CTCP Phân bón miền Nam (mã: SFG) hồi tháng 6/2019 cũng không có NĐT nào ngó ngàng.
Cùng với lý do trên, HNX đã thông báo hủy phiên đấu giá 51,4 triệu cổ phần, tương đương 11,42% vốn điều lệ của CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (mã: QTP) do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sở hữu.
Hình thức đấu giá được SCIC công bố là đấu giá cả lô, mỗi NĐT phải đăng ký mua toàn bộ số cổ phần chào bán với giá khởi điểm 23.800 đồng/cp, tương đương số tiền phải chi ra tối thiểu là 1.223 tỷ đồng.
Trước Nhiệt điện Quảng Ninh, một loạt thương vụ thoái vốn khác của SCIC cũng rơi vào tình trạng “ế tuyệt đối” như đợt bán vốn tại CTCP Cảng An Giang (mã: CAG) vào tháng 10/2019, CTCP Xuất nhập khẩu y tế Domesco (mã: DMC) tháng 8/2019 hay tại Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật (Vocarimex, mã: VOC) và CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang (mã: SGC) trong tháng 7/2019.
Vừa qua, SCIC đã phê duyệt phương án bán cổ phần tại Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 – CTCP (Cienco5). Theo đó, cơ quan quản lý vốn nhà nước này sẽ bán 17,5 triệu cổ phần, tương đương 40% vốn điều lệ của Cienco 5 với giá khởi điểm là 19.300 đồng/cp.
Phương thức bán cổ phần là bán đấu giá công khai cả lô cổ phần tại HNX. Tuy nhiên, với tình trạng kinh doanh “đi lùi” của Cienco 5, nhiều ý kiến cho rằng phiên đấu giá của SCIC khó có thể thành công.
Không chỉ SCIC và Vinachem, nhiều đợt thoái vốn của tập đoàn, tổng công ty khác cũng chung tình cảnh. Liên tiếp trong tháng 6 - 7/2019, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã 2 lần công bố đấu giá thoái phần vốn đang nắm giữ tại CTCP Tư vấn xây dựng điện 3 (mã: TV3) và CTCP Tư vấn xây dựng điện 4 (mã: TV4), nhưng số lượng đăng ký không đáng kể, hoặc không có NĐT tham dự.
Hàng loạt thương vụ thoái vốn rơi vào tình trạng “ế ẩm” |
Lý giải nguyên nhân
Thực tế, nhiều NĐT không mấy bất ngờ trước những thương vụ thoái vốn “ế ẩm” vừa qua, bởi mức giá “trên trời” được các nhà sở hữu đưa ra khó làm các NĐT muốn “dốc hầu bao”.
SCIC đưa ra mức giá khởi điểm 23.800 đồng cho mỗi cổ phần của Nhiệt điện Quảng Ninh, trong khi cổ phiếu QTP đang giao dịch trên sàn chứng khoán chỉ có giá 11.000 đồng/cp. Trong khi đó, những thông tin liên quan đến DN hầu hết là bất lợi như kinh doanh trồi sụt, lãnh đạo cũ bị khởi tố bắt giam...
Trước đó, SCIC cũng đã đưa ra giá khởi điểm cho mỗi cổ phiếu DMC lên đến 119.600 đồng/ cp, trong khi thị giá chỉ hơn 70.000 đồng/cp; hay giá khởi điểm bán vốn là 22.300 đồng/cp nhưng thị giá của cổ phiếu VOC chỉ hơn 14.000 đồng/cp.
Tính từ đầu năm đến hết tháng 11, SCIC mới chỉ có 2 thương vụ thành công là bán gần 10 triệu cổ phần của CTCP Dược phẩm Lâm Đồng (Ladophar, mã: LDP) thu về 77,3 tỷ đồng và bán 10,3 triệu cổ phần của In tổng hợp Cần Thơ thu về 211 tỷ đồng.
Tình trạng “hét giá” cao hơn nhiều so với thị giá trên thị trường cũng là nguyên nhân khiến các cuộc đấu giá của Vinachem, EVN vừa qua thất bại.
Thực tế, việc đưa ra mức giá cao cho mỗi cổ phần khi thoái vốn là điều không khó hiểu, bởi khi định giá DN để đảm bảo mang lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước ngoài lợi nhuận, dòng tiền, các tài sản của DN cũng được định giá lại theo giá thị trường, theo lợi thế mà DN có được từ sở hữu tài sản.
Trong khi thị giá thường phản ánh doanh thu, lợi nhuận và giá trị của những tài sản hoạt động nhiều hơn giá trị của những tài sản phi hoạt động hay hoạt động chưa hiệu quả. Vì vậy, những DN không phải tên tuổi lớn và hoạt động kinh doanh hiệu quả nhưng được định giá cao sẽ rất khó hấp dẫn các NĐT tài chính.
Trong khi đó, những DN nhận được sự quan tâm của thị trường thì Nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối, tỷ lệ thoái vốn nhà nước rất nhỏ nên cũng bị các NĐT “ngó lơ”.
Tuy nhiên, có một thực tế là không chỉ riêng năm 2019 mà tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn có xu hướng “thoái trào” từ nhiều năm nay. Dự kiến đến hết năm 2020, việc hoàn thành kế hoạch thoái vốn được phê duyệt là điều gần như không thể, nếu không có sự đột biến, đột phá.
Linh Đan