Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có thông báo về phiên đấu giá 3,2 triệu cổ phần của CTCP Sơn Tổng Hợp Hà Nội do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) nắm giữ với giá khởi điểm 24.296 đồng/cp. Phiên đấu giá dự kiến tổ chức vào ngày 5/12 tại HNX.
Để không “vỡ kế hoạch”
Sơn Tổng Hợp Hà Nội được biết đến là doanh nghiệp (DN) sở hữu thương hiệu Sơn Đại Bàng, được cổ phần hóa (CPH) từ ngày 1/1/2006, hiện có vốn điều lệ hơn 120 tỷ đồng, trong đó Vinachem là cổ đông lớn nắm giữ hơn 3,2 triệu cổ phần, tương ứng 27% vốn.
Ngoài Vinachem, Sơn Tổng Hợp Hà Nội còn có 1 cổ đông lớn khác là công ty TNHH Quản lý đầu tư HAP Việt Nam, sở hữu 30,76% vốn điều lệ tại ngày 30/9.
Theo kế hoạch, lộ trình thoái vốn tại các DN thuộc Vinachem giai đoạn 2017-2020 lần lượt là thoái vốn tại 15 DN năm 2018, 14 DN năm 2019 và 4 DN năm 2020.
Tuy nhiên, trong năm 2018, Vinachem gần như không có hoạt động thoái vốn nào, nên áp lực buộc phải nỗ lực thực hiện thoái vốn rất lớn trong thời gian còn lại của giai đoạn 2017-2020 để không “vỡ kế hoạch”.
Kể từ đầu năm 2019 tới nay, Vinachem đã ráo riết thực hiện khá nhiều đợt thoái vốn tại Cao su Sao Vàng (mã: SRC), Cao su Đà Nẵng (mã: DRC), Phân bón miền Nam (mã: SFG), Tư vấn Đầu tư và Xây dựng mỏ (Incodemic), Công nghiệp Hóa chất Đà Nẵng (mã: DCI) và Bột giặt NET (mã: NET)…
Phần lớn các DN được đưa ra đấu giá nằm trong nhóm mà Vinachem dự kiến chỉ còn sở hữu 36% sau thoái vốn. Riêng tại Incodemic, Vinachem sẽ thực hiện thoái hết vốn.
Không chỉ Vinachem, Tổng công ty Phát điện 3-CTCP (Genco 3 – mã: PGV) mới đây cũng đã thông qua phương án thoái vốn tại CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (mã: VSH), dự kiến sẽ được bán đấu giá trong quý IV/2019.
Tính tới cuối năm 2018, Genco 3 đang sở hữu hơn 63 triệu cổ phiếu của VSH, tương đương 30,55% vốn. Bên cạnh Vĩnh Sơn – Sông Hinh, Genco 3 cũng đang thực hiện công tác chuyển nhượng vốn góp tại 2 công ty khác là CTCP Điện Việt Lào và CTCP Nhiệt điện Nhơn Trạch (mã: NT2).
Trong khi đó, để tái cơ cấu lại hoạt động DN, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã thoái vốn tại nhiều DN kinh doanh kém hiệu quả. Trong đó, thoái sạch vốn tại CTCP KCN Tín Nghĩa, CTCP Hợp tác lao động với nước ngoài, CTCP Vận tải biển Hải Âu. Đồng thời dự kiến giảm tỷ lệ sở hữu tại CTCP Vận tải biển Việt Nam (từ 51% xuống 49%) và CTCP Vận tải biển Vinaship (từ 51% xuống 36%).
Thị trường chờ đợi những đợt thoái vốn lớn dịp cuối năm |
Còn nhiều băn khoăn
Từ đầu năm 2019 tới nay, công tác CPH, thoái vốn DN nhà nước đang khá chậm và có phần nào không đáp ứng được kỳ vọng của thị trường. Vì vậy, việc các DN đẩy mạnh thoái vốn theo lộ trình được xem là tín hiệu đáng mừng.
Thế nhưng, việc các DN để đến thời hạn gần chót mới thực hiện không chỉ gây áp lực cho chính DN mà còn khiến các nhà đầu tư băn khoăn. Bởi, điểm chung của các đợt thoái vốn đều là các DN có tình hình kinh doanh không mấy nổi bật nhưng sở hữu những khu “đất vàng”.
Có thể lấy ví dụ trường hợp của Sơn Tổng Hợp Hà Nội: trong khi kết quả kinh doanh ngày càng suy giảm qua từng năm, nhưng điểm sáng của DN này là đang sở hữu những lô đất rộng với tổng diện tích lên tới 46.550,28 m2.
Trong đó, có gần 22.506 m2 đất tại huyện Thanh Trì, bao gồm 5.055,9 m2 đất là trụ sở làm việc – là đất thuê 50 năm, trả tiền hàng năm; 12.547 m2 đất làm nhà xưởng sản xuất và 4.688,6 m2 đất làm nhà kho.
Sơn Tổng Hợp Hà Nội còn có 3.556 m2 đất tại quận Đống Đa (Hà Nội) với 2.509 m2 là đất xây dựng văn phòng với hình thức thuê đất và trả tiền hàng năm, thời hạn thuê là 50 năm và 1.047,38 m2 là đất thuê ngắn hạn cho đến khi Nhà nước thu hồi bàn giao theo quy định.
Chưa hết, DN này còn sở hữu 20.488 m2 đất tại Hưng Yên, là trụ sở làm việc, nhà xưởng sản xuất và nhà kho theo hình thức thuê đất trả tiền hàng năm có thời hạn thuê là 50 năm.
Thực tế, các đợt thoái vốn vừa qua đều chỉ thu hút các nhà đầu tư tổ chức, bởi đây là nhóm nhà đầu tư sẽ quan tâm hơn đến DN có tỷ lệ bán vốn lớn, có những tài sản giá trị nhưng chưa khai thác tốt như đất đai, hoặc DN sản xuất mà đối tác có thể kết hợp hoàn thiện chuỗi giá trị của họ.
Thoái vốn nhà nước tại các DN nhà nước hay các DN nhà nước thoái vốn tại các công ty con dù chậm nhưng vẫn được đánh giá là “đặc sản” của Việt Nam bởi tiềm năng của các nguồn hàng này đối với dòng vốn trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, ngoài yếu tố liên quan đến DN thì thực tế điều kiện thị trường trong khoảng hơn 1 năm qua cũng không thực sự thuận lợi.
Tính đến hết quý III/2019, mặc dù vẫn tăng trưởng về mặt điểm số nhưng giá trị giao dịch trên 2 sàn Tp.HCM (HoSE) và HNX giảm lần lượt 35% và 50% so với cùng kỳ. Đây có thể coi là nguyên nhân chính khiến việc CPH, thoái vốn diễn ra chậm hơn so với giai đoạn 2017 – 2018 do khó thu hút được sự quan tâm của dòng tiền.
Linh Đan