Động thái này nhằm thúc đẩy việc niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán (TTCK) của các doanh nghiệp (DN), đồng thời thúc đẩy quá trình thoái vốn nhà nước của các DN nhà nước (DNNN) theo quy định.
Giá bao nhiêu là hợp lý?
Với những yếu tố thuận lợi như cổ tức mỗi năm đều đặn 20 – 30%, EPS thường đạt trên 3.000 đồng, hoạt động trong ngành chế biến thực phẩm – ngành cơ bản có tiềm năng…, tưởng như phiên thoái vốn 50% cổ phần (3,56 triệu cổ phiếu) nhà nước tại CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang (Sagimexco – mã: SGC) sẽ thành công rực rỡ, nhưng thực tế lại ngược hoàn toàn với kỳ vọng.
Hình thức bán số cổ phần này là đấu giá cả lô, với giá khởi điểm 111.700 đồng/cp, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư (NĐT) phải bỏ ra tối thiểu 398 tỷ đồng để nắm quyền chi phối DN.
Lý giải về nguyên nhân của việc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thất bại thoái vốn tại Sagimexco, bên cạnh lý do tỷ lệ sở hữu nước ngoài, giám đốc tư vấn tài chính một công ty chứng khoán nhận xét Sagimexco là DN tốt nhưng giá khởi điểm SCIC đưa ra ở mức cao so với trung bình thị trường và nhiều cổ phiếu khác, nên không dễ hấp dẫn NĐT.
Theo lãnh đạo SCIC, từ năm 2017 đến nay có hơn 40 DN được SCIC nhiều lần thoái vốn nhưng không thành công, thậm chí không có NĐT quan tâm.
Trong số này có 28 DN kinh doanh thua lỗ, lỗ lũy kế trên 3 năm, có nhiều trường hợp đáng ra phải xử lý theo hình thức giải thể, phá sản, hủy niêm yết trên sàn chứng khoán. Một số DN khi xác định giá trị để đem bán thì tổ chức xác định giá trị DN định giá cao gấp nhiều lần giá trị thực, nên không NĐT nào bỏ tiền ra mua.
Có ý kiến cho rằng đối với các DN đã niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán thì sẽ được thị trường định giá sát với thực tế sẽ thuận lợi hơn.
Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định 32/1018/NĐ-CP, giá khởi điểm vốn nhà nước đem bán tại các DN này không được thấp hơn giá tham chiếu. Giá tham chiếu là giá bình quân của 30 ngày giao dịch liên tiếp trên TTCK trước ngày công bố thông tin thực hiện bán cổ phần, chuyển nhượng vốn.
Tại một hội nghị của Bộ Tài chính, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN, cho biết: “Ví dụ giá giao dịch trên thị trường là 10 đồng, DN xác định 7 đồng là bất hợp lý. Do đó, giá khởi điểm là giá cần được so sánh với giá thị trường từ đó đưa ra quyết định, vì đây là vốn của Nhà nước, của nhân dân, không phải vốn cá nhân”.
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ xem xét bãi bỏ, bổ sung các quy định về giá thoái vốn |
Bãi bỏ nhiều quy định
Tuy nhiên, lãnh đạo SCIC cho rằng về lý thuyết là như vậy nhưng thực tế giá cổ phiếu trên TTCK lúc tăng, lúc giảm và xu thế giảm nhiều hơn tăng. Hơn nữa, có một thực trạng là khi có thông tin thoái vốn nhà nước tại DN, ngay lập tức giá cổ phiếu tăng liên tục, thậm chí tăng kịch trần liên tục, nhưng mỗi phiên chỉ có vài chục đến vài trăm cổ phiếu giao dịch. Nếu khi bán vốn nhà nước mà lấy giá tham chiếu các phiên đó thì không NĐT nào mua.
“SCIC cũng không dám bán dưới giá tham chiếu, vì nếu bán, chúng tôi không gánh nổi trách nhiệm”, lãnh đạo SCIC cho biết thêm.
Ngoài ra, Nghị định 32 còn quy định mức giá khởi điểm mà cơ quan đại diện phần vốn nhà nước quyết định tại ngày công bố thông tin cũng không được thấp hơn mức giá khởi điểm đã được quyết định và công bố trong phương án chuyển nhượng vốn đã được phê duyệt; giá tham chiếu của mã chứng khoán của CTCP đang giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán tại ngày công bố thông tin và ngày đấu giá, chuyển nhượng vốn.
Trước những khó khăn mà đơn vị thoái vốn có thể gặp phải do diễn biến giá cổ phiếu trên TTCK khó lường và luôn chuyển động từng ngày, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ xem xét bổ sung cũng như bãi bỏ một số quy định về xác định giá khởi điểm khi thực hiện xác định giá khởi điểm chuyển nhượng vốn tại CTCP đã niêm yết/đăng ký giao dịch trên TTCK.
Trong đó, xem xét bãi bỏ nội dung “trường hợp trong ngày mở cuộc đấu giá đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, ký hợp đồng chuyển nhượng vốn (đối với phương thức thỏa thuận) mà giá giao dịch cổ phiếu của CTCP tính theo giá sàn cao hơn giá thanh toán được xác định phù hợp với từng phương thức chuyển nhượng thì NĐT phải thanh toán tiền mua cổ phần cho DN nhà nước theo giá giao dịch là giá sàn của ngày mở cuộc đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, ký hợp đồng chuyển nhượng vốn (phương thức thỏa thuận)” tại Khoản 13 và Khoản 16 Điều 1 Nghị định 32/2018/NĐ-CP.
Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh việc sử dụng một mức giá khởi điểm để thực hiện chuyển nhượng vốn theo các phương thức quy định phải đảm bảo nguyên tắc thời gian tối đa không quá 6 tháng kể từ thời điểm chứng thư thẩm định giá có hiệu lực đến ngày giao dịch cuối; hoặc tính đến ngày công bố trúng giá chuyển nhượng vốn, ngày ký hợp đồng chuyển nhượng vốn.
Ngoài ra, đối với chuyện nhượng vốn tại các DN đã niêm yết, đăng ký giao dịch phải đảm bảo không thấp hơn: giá trị sổ sách của DN có vốn góp; giá tham chiếu bình quân 30 ngày liên tiếp trước ngày phê duyệt phương án chuyển nhượng vốn; giá tham chiếu của mã chứng khoán đang giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán tại ngày phê duyệt phương án chuyển nhượng vốn.
Đối với DN chưa niêm yết cần đảm bảo không thấp hơn giá trị ghi trên sổ sách kế toán của DN.
Linh Đan