Tại họp báo chuyên đề về tình hình tài chính, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2018; kết quả tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (CPH) DNNN năm 2019 ngày 10/12, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), cho biết trong năm 2019 có 9 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH, nhưng chỉ có 3 DN thuộc danh mục các DN CPH. Số lượng các DN CPH mới đạt gần 30% kế hoạch.
Hai đầu tàu chậm trễ
Thống kê của Cục Tài chính DN cho thấy hai địa phương đầu tàu là Hà Nội và Tp.HCM chiếm gần 60% số lượng các DN CPH. Tuy nhiên, tiến độ CPH của các DN còn chậm, nhiều dự án vẫn “án binh bất động”.
Cụ thể, theo kế hoạch, Hà Nội CPH 13 DN, trong đó có 4 tổng công ty (TCT), chiếm 14% kế hoạch; Tp.HCM CPH 38 DN, trong đó có 11 TCT, chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN CPH 6 DN, trong đó có 3 tập đoàn và 9 TCT; Bộ Công Thương CPH 4 DN, trong đó có 3 TCT; Bộ Xây dựng CPH 2 TCT.
Không chỉ CPH chậm, thoái vốn theo kế hoạch giai đoạn 2017 – 2020 cũng mới đạt 7,8% kế hoạch. Riêng trong năm 2019 có 13 DN thuộc danh mục ban hành thực hiện thoái vốn với giá trị 896 tỷ đồng, thu về 1.839 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2017-2019, thoái vốn nhà nước tại 92 đơn vị với giá trị 4.704 tỷ đồng, thu về 8.964 tỷ đồng (kế hoạch thoái khoảng 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại các DN).
Trong đó, những đơn vị còn nhiều DN phải thực hiện thoái vốn với giá trị lớn là: Bộ Công Thương (thoái vốn tại TCT Máy động lực và Máy nông nghiệp, Tập đoàn Xăng dầu), Bộ GTVT (thoái 30,4% vốn nhà nước đầu tư tại TCT Cảng hàng không Việt Nam - CTCP và 35,16% vốn nhà nước đầu tư tại TCT Hàng không Việt Nam - CTCP), Bộ Xây dựng còn phải thoái vốn tại 8/11 TCT cổ phần; Tp. Hà Nội còn phải thoái vốn tại 31/34 DN.
Ông Đặng Quyết Tiến cho biết nguyên nhân dẫn đến tiến độ CPH, thoái vốn, phê duyệt phương án cơ cấu lại chậm, không đạt được theo kế hoạch đã đề ra là: chậm quyết toán bàn giao sang CTCP; chậm bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC, chưa đảm bảo kế hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Việc chậm CPH cũng còn do những DN phải CPH đều là những DN lớn, nhiều tài sản như Agribank, TKV… nên việc CPH không thể nhanh như các DN nhỏ, mà phải mất rất nhiều thời gian để xử lý đất đai, kiểm đếm tài sản. Đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do UBND địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các DN phải điều chỉnh tiến độ CPH.
Ngoài ra, theo lãnh đạo Cục Tài chính DN, vẫn còn nguyên nhân chủ quan là do một số Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, TCT nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN. Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu DN, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của DN, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong CPH và thoái vốn nhà nước.
Trong một cuộc tọa đàm mới đây, ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, cũng cho rằng CPH chậm có vấn đề tế nhị nhưng không thể không nói tới, đó là những người đứng đầu DN sợ mất chỗ. Cần phải xác định bên cạnh yếu tố về thể chế, bên cạnh yếu tố về thị trường thì vai trò của cá nhân cũng rất quan trọng trong tiến trình CPH.
Từ đầu năm đến nay cả nước mới CPH được 9 DN |
Tâm lý sợ mất chỗ
“Tôi cho là tâm lý sợ mất chỗ, mất quyền lợi cũng phần nào do cơ chế. Nếu như chúng ta có những cơ chế rõ ràng hơn đối với những người giữ trọng trách ở các tập đoàn, TCT sau khi CPH cho thật cụ thể thì anh em sẽ yên tâm hơn. Còn các quy định hiện nay về thời gian CPH đều đã rõ ràng. Trong Chỉ thị số 01 Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức để chậm công tác CPH”, ông Long nói.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng với những DN làm ăn minh bạch, phát triển thì không sợ CPH, thậm chí còn muốn CPH nhanh. Ông Phạm Đức Trung, Trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), dẫn câu chuyện về Vinamilk sau khi CPH đã “ăn nên làm ra” và khẳng định sợ mất chỗ chỉ có ở một bộ phận rất nhỏ và có lẽ ở bộ phận cán bộ có trình độ, năng lực còn hạn chế nên còn e ngại là sau khi chuyển thành CTCP sẽ không được bầu lại.
Theo chuyên gia này, cần thực hiện nghiêm các chế tài xử lý không chỉ người đứng đầu của DN mà cả người đứng đầu cơ quan chủ sở hữu trong việc không hoàn thành tiến độ CPH.
Ông Trung phân tích: việc không bán được cổ phần cũng như việc CPH chậm có nhiều lý do nhưng phải nhìn nhận một yếu tố khách quan từ thị trường, khả năng hấp thụ của thị trường đối với việc bán cổ phần nhà nước. Hiệu quả của DNNN trước khi CPH chưa đủ sức để hút các nhà đầu tư.
Chia sẻ thêm, ông Đặng Quyết Tiến cho hay Chỉ thị 01 của Chính phủ đã nêu rõ việc gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thúc đẩy CPH. Thời gian vừa qua, việc triển khai chậm cũng có phần trách nhiệm của lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố, cũng như các cơ quan và đặc biệt là các DN.
“Tất nhiên, có những nguyên nhân khách quan và chủ quan, tới đây trong quá trình sơ kết, rà soát lại thì các DN, bộ ngành sẽ phải kiểm điểm đánh giá lại và báo cáo Chính phủ để thực hiện đúng theo Chỉ thị 01”, ông Tiến cho hay.
Huyền Anh
Bà Phan Vân Hà - Công ty thẩm định giá IVC Việt Nam Phương pháp định giá cũng là một nguyên nhân làm chậm quá trình CPH. Chẳng hạn, Agribank có hàng nghìn phòng giao dịch ở cả hải đảo, biên giới. Nếu áp dụng phương pháp tài sản thì phải tính hết toàn bộ tài sản của ngân hàng này trên cả nước. Trong khi đó, Agribank là định chế tài chính, mà theo thông lệ quốc tế, phương pháp định giá đối với một định chế tài chính là theo phương pháp chiết khấu dòng tiền. Nếu buộc áp dụng phương pháp tài sản thì rất khó thực hiện được và không biết bao giờ mới xong. Do đó, IVC Việt Nam đã phải từ chối tư vấn định giá cho ngân hàng này. Ông Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN Nhà nước đang trong quá trình hoàn thiện, điều chỉnh về cơ chế pháp lý, cùng với đó là một loạt vấn đề như định giá DN, quản trị DN, quản trị của cơ quan Chính phủ trong các DN nhà nước... và các khác biệt trong thông lệ kế toán. Việc chậm lại là để đảm bảo hiệu quả, tiến độ tốt hơn. Ngoài ra, xác định giá trị DN có thể gặp nhiều vướng mắc, nhưng đang trong quá trình tiếp cận thị trường, sao cho đủ và đúng. PGs.Ts. Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế Trong suốt thời gian dài vừa qua, chúng ta đã nghe đến nhiều trường hợp càng để lâu càng mất vốn hoặc càng để lâu càng lỗ. Không ít lần các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành lên tiếng về những dự án như Nhà máy Bột Giấy Phương Nam, công ty Gang thép Thái Nguyên… bán nhiều lần không ai mua hoặc không bán được do còn vướng mắc, tồn đọng chưa giải quyết được. Những trường hợp như thế này nếu không xử lý dứt điểm khó khăn, vướng mắc để thoái càng nhanh càng tốt thì chắc chắn bất lợi và thiệt hại sẽ càng nhiều hơn nếu kéo dài thời gian thoái vốn. |