Theo thống kê của các cơ quan chức năng, lũy kế đến nay có tổng cộng 780 doanh nghiệp (DN) thuộc danh sách phải thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán sau cổ phần hóa (CPH) nhưng chưa chấp hành. Trong gần 2 năm từ tháng 8/2017 đến tháng 6/2019 chỉ có 125 DN thực hiện niêm yết theo đúng quy định.
Về lý thuyết, các DN khi niêm yết trên sàn sẽ có được những lợi ích như minh bạch thông tin, nâng cao năng lực quản trị, gia tăng thanh khoản và dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các kênh huy động vốn. Vậy, tại sao vẫn còn quá nhiều DN “trốn sàn”?
Hàng trăm lý do
Có hàng trăm lý do được các DN đưa ra để trì hoãn lên sàn như kinh doanh thua lỗ nhiều năm, chưa nắm được các quy định, không đủ số cổ đông hoặc không đủ vốn điều lệ cần thiết…, hay những lý do như đang hoàn tất hồ sơ quyết toán, đang bàn giao về các cơ quan quản lý vốn nhà nước, đang hoàn thiện hồ sơ lưu ký, đang hoàn tất thủ tục lên sàn…
Tuy nhiên, mọi thứ chỉ là đang và những công đoạn này kéo dài từ năm này sang năm khác, thậm chí có DN kéo dài hàng chục năm. Đáng chú ý, có trường hợp cho rằng việc niêm yết chưa mang lại nhiều lợi ích cho cổ đông nên chưa thực hiện.
Ngoài ra, các DN “ngại” lên sàn là do lo sợ sẽ bị các công ty nước ngoài mua lại và chi phối dẫn đến mục tiêu sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm không được như trước.
Có thể kể đến như ngành dệt may với quy mô tới hơn 6.000 DN, năng lực sản xuất trị giá vài chục tỷ USD/ năm nhưng số lượng DN đang niêm yết chỉ chiếm chưa đến 1% dù có DN đã CPH cách đây hàng thập kỷ.
Theo lãnh đạo một DN dệt may, khi niêm yết trên sàn, các nhà đầu tư nước ngoài, với tiềm lực tài chính dồi dào, sẽ sẵn sàng bỏ ra những khoản tiền lớn để mua số lượng lớn cổ phiếu của công ty, từ đó chiếm dần quyền chi phối, thay đổi chiến lược kinh doanh.
Bên cạnh đó, do đặc thù kinh doanh phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu, DN ngành dệt may không chỉ lo bị thâu tóm mà còn lo cổ phiếu bết bát, giá trị DN sụt giảm.
Câu chuyện “khi nào lên sàn” cũng được các cổ đông của khối ngân hàng quan tâm bên cạnh cổ tức tại mỗi kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên.
Những làn sóng đổ bộ lên sàn thời gian qua đã thỏa mãn phần nào kỳ vọng của nhà đầu tư, nhưng vẫn còn không ít ngân hàng trì hoãn niêm yết và “trấn an” cổ đông với nhiều lý do như thị trường chưa thuận lợi, nội lực chưa đủ tốt…
Một trong những nhà băng liên tiếp “lỗi hẹn” với cổ đông phải kể đến Ngân hàng TMCP Phương Đông (mã: OCB). Tuy nhiên, theo lãnh đạo của OCB, chưa niêm yết chưa hẳn đã bất lợi bởi vì giá trị thực của ngân hàng sẽ phải do thị trường đánh giá ở giai đoạn ngân hàng đã khẳng định được vị thế, nếu lên sàn mà giá cổ phiếu “như mớ rau” thì không có ý nghĩa.
Việc chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán không chỉ làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, làm chậm đổi mới công tác quản trị DN mà còn khiến các cổ đông bị thiệt hại, bởi khi DN hoạt động trong “vùng tối” sẽ tạo điều kiện cho nhiều hoạt động không minh bạch khác.
Nhiều ý kiến cho rằng DN “ngại” lên sàn là vì muốn “om” miếng bánh lợi ích |
Cần loại thuốc đặc trị
“Căn bệnh” của các DN ngày càng nặng, nhưng đến nay chỉ có “đơn thuốc” duy nhất là chế tài xử phạt hành chính từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng. Thậm chí, ngay cả khi có án phạt thì DN cũng tiếp tục chây ỳ.
Theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, mới chỉ có 24 trong tổng số 148 DN chấp hành nộp phạt, số còn lại lấy lý do đang kiểm toán, xác định lại giá trị DN để trì hoãn. Ngay cả khi chấp hành, tiền thi hành quyết định xử phạt cũng chỉ như muối bỏ bể cho nên chưa tạo được tính răn đe.
Thực tế, trên thị trường đã xuất hiện những trường hợp bị xử phạt hết năm này qua năm khác vẫn bỏ mặc kế hoạch lên sàn. Ví dụ như trường hợp của CTCP Sơn Tổng hợp Hà Nội – đơn vị sở hữu thương hiệu Sơn Đại Bàng, vừa mới bị xử phạt 350 triệu đồng vì đã có hành vi vi phạm hành chính không đăng ký giao dịch chứng khoán.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Sơn Tổng hợp Hà Nội bị xử phạt vì lỗi tương tự, bởi tính từ thời điểm CPH đến nay, DN này đã chây ỳ vai trò của một công ty đại chúng hơn 13 năm.
Để tài sản nhà nước được đảm bảo, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư đồng thời giúp việc niêm yết trở thành một kênh gọi vốn đầu tư hiệu quả cho không chỉ DN nhà nước mà ngay cả khối tư nhân, trên cơ sở rà soát kỹ các DN chưa đưa cổ phiếu lên sàn, Bộ Tài chính sẽ điểm danh cụ thể, trình Chính phủ công bố công khai, gắn với đề xuất xử lý trách nhiệm người đứng đầu.
Bộ Tài chính cũng sẽ đôn đốc cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước có trách nhiệm thúc đẩy DN đưa cổ phiếu lên sàn, đồng thời chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan này cũng như của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, UBND các tỉnh, thành phố trong việc DN chậm niêm yết…
Các cơ quan quản lý cần tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xác minh rõ ràng sai phạm của DN, trên cơ sở đó áp dụng chế tài xử phạt mạnh tay mới có thể tìm ra liều thuốc đặc trị căn bệnh “trốn sàn”.
Linh Đan