Tại buổi họp báo chuyên đề về kết quả thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (CPH DNNN) 6 tháng đầu năm chiều 5/8, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), cho biết tính đến thời điểm hiện nay, CPH mới đạt 28% kế hoạch Thủ tướng giao.
Chậm vì thiếu trách nhiệm
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho thấy, hết quý II/2019, đã có 35/127 DN CPH thuộc danh mục phải CPH theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN. Như vậy, tiến độ này chưa đạt được kế hoạch đề ra, số lượng DN còn phải CPH là 92/127 DN, chiếm 72% kế hoạch.
Về kế hoạch thoái vốn trong năm 2019 sẽ thực hiện tại 62 DN. Tuy nhiên, tính đến hết quý II mới có 9 DN thuộc danh mục ban hành theo Quyết định 1232 thực hiện thoái vốn với giá trị 759 tỷ đồng, thu về 1.657 tỷ đồng, trong đó Bộ Xây dựng thoái vốn tại Tổng công ty Viglacera với giá trị sổ sách 690 tỷ đồng, thu về 1.587 tỷ đồng.
Lũy kế từ năm 2017 đến hết quý II/2019, thoái vốn nhà nước tại 88 đơn vị với giá trị 4.549 tỷ đồng, thu về 8.765 tỷ đồng.
Ông Tiến đánh giá, việc hoàn thành kế hoạch CPH theo kế hoạch đến năm 2020 đang trở thành nhiệm vụ quá nặng nề mà “nếu không có biện pháp quyết liệt thì không hoàn thành được”.
Thông tin về nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ này, ngoài một số yếu tố khách quan như vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước CPH làm kéo dài thời gian thực hiện, ông Tiến cho rằng một số bộ ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo.
“Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu DN, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của DN, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong CPH và thoái vốn nhà nước”, ông Tiến nói.
Trong nhiều giải pháp thúc đẩy tiến trình CPH đã và đang được tiến hành, các chuyên gia nhìn nhận việc gắn CPH với đăng ký niêm yết giao dịch trên thị trường chứng khoán là một giải pháp hữu hiệu.
Thực tế thời gian qua có nhiều DNNN sau CPH “khất lần” với niêm yết dù đã có quy định rõ ràng và đã có không ít DN bị xử phạt vì vi phạm.
Tiến trình CPH DNNN có nguy cơ chậm dần đều |
Xử lý doanh nghiệp “khất lần” lên sàn
Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, ngày 15/8/2017, Bộ Tài chính đã công khai danh sách 747 DN CPH chưa đăng ký giao dịch niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, đến hết quý II/2019 vẫn còn 622 DN chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đồng thời, Bộ Tài chính đã tiếp tục rà soát, bổ sung 158 DN vào danh sách các DN CPH bắt buộc phải thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Như vậy, đến nay còn 780 DN CPH phải thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Để xử lý vấn đề này, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc chỉ chấp nhận phương án CPH nếu DNNN đó đảm bảo giải quyết được hết mọi ách tắc, vướng mắc. Điều này có nghĩa là cần dứt khoát với phương châm thà tắc thì tắc ngay từ khâu chấp nhận phương án CPH của DNNN đó và xây dựng cơ chế để xử lý với các vấn đề vướng mắc như vậy. Còn một khi phương án CPH đã được thông qua thì không chấp nhận tình trạng chậm trễ niêm yết, sợ minh bạch dù vì bất cứ lý do gì, đồng thời làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm những cá nhân ở những DNNN đã CPH mà không niêm yết theo đúng lộ trình cho phép.
Theo bà Lê Thị Thu Hà, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán chứng khoán thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, một trong các giải pháp thị trường khác là cần tính đến việc kéo dài thời gian công bố thông tin, nâng cao tiêu chuẩn công bố thông tin (theo tiêu chuẩn của các công ty đại chúng) và chủ động công bố thông tin bằng tiếng Anh – tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài có thể dễ tiếp cận.
Việc các DNNN nhận thức được lợi ích của việc đưa cổ phiếu lên niêm yết cũng như xác định mục tiêu cao nhất của CPH là tạo ra sự thay đổi trong cơ chế quản trị, điều hành DN và tăng cường hiệu quả hoạt động của DN sau CPH sẽ là những yếu tố quan trọng để CPH thành công.
Ông Đặng Quyết Tiến khẳng định, tới đây, các tập đoàn, tổng công ty sẽ công bố công khai các đơn vị chậm niêm yết CPH gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Bộ Tài chính đã giao trách nhiệm cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và cơ quan này cũng đã xử phạt 20 đơn vị chậm niêm yết.
“Các đơn vị công bố không có báo cáo đầy đủ nguyên nhân tại sao không niêm yết trên sàn chứng khoán sẽ tiến hành xử phạt, đúng ngày giờ, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ vào xử lý”, ông Tiến nhấn mạnh.
Thanh Hoa