Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Trung ương về Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (DN), từ năm 2016 đến nay, mặc dù công tác cổ phần hóa (CPH), thoái vốn đã có nhiều thay đổi tích cực về chất nhưng tiến độ vẫn rất chậm.
Cụ thể, đến nay mới CPH được 35/127 DN nhà nước (DNNN), đạt 27,5%; hoàn thành thoái vốn được 88/405 DN, đạt 21,8% so với kế hoạch đặt ra cho cả giai đoạn 2016 – 2020.
Những lý do không mới
Trước đó, báo cáo của Bộ Tài chính còn khẳng định CPH là giải pháp quan trọng trong sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại DNNN, kết quả công tác CPH, thoái vốn đã có tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN.
Thế nhưng, nhìn vào những con số được Ban Chỉ đạo đưa ra có thể thấy số lượng DNNN chưa CPH vẫn chiếm tới hơn 72% dù được đánh giá là có những tác động rất tốt cho nền kinh tế.
Đáng chú ý, câu chuyện chậm CPH, CPH nhỏ giọt không biết bao nhiêu lần được đưa ra tại cuộc họp của các bộ, ngành nhằm đưa ra các kế hoạch, giải pháp, thúc giục, thậm chí “dọa” sẽ xử phạt nhưng mọi việc vẫn trong “mớ bòng bong” với đủ loại lý do quá quen thuộc.
Có thể kể đến như: Nhà nước ban hành nhiều quy định chặt chẽ hơn trong CPH để đảm bảo tính chặt chẽ minh bạch dẫn đến mất nhiều thời gian hơn, hay CPH làm sao không gây thất thoát tài sản, một số bộ, ngành địa phương gặp vướng mắc trong triển khai thực hiện xác định giá trị sử dụng đất, giá trị DN.
Dưới góc nhìn của các cơ quan chức năng, ngoài các nguyên nhân khách quan, việc chậm trễ còn đến từ việc nhiều đơn vị chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu DN, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thúc 93 DN phải sớm CPH và hạn chót là cuối năm 2020. Có rất nhiều “ông lớn” xuất hiện trong danh sách này như Agribank, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV – công ty mẹ), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (công ty mẹ), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (công ty mẹ)…
Vì thế, tiếp tục có những nhận định, dự báo được đưa ra là quyết định này sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam hấp dẫn hơn, thu hút được dòng vốn của nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, thị trường sẽ có nguồn hàng phong phú…
Công tác CPH được kỳ vọng sẽ có thêm nguồn cung cho thị trường chứng khoán |
Cần sự “thông thoáng”
Tuy nhiên, nếu xem xét danh sách 93 DN trong danh sách nói trên sẽ thấy có rất nhiều DN lẽ ra đã phải CPH từ năm 2017 và 2018 theo Quyết định 991/2017 mà Thủ tướng đã ban hành.
Nguyên nhân được đưa ra tại các cuộc họp, văn bản là vậy, nhưng nhìn vào thực tế có thể thấy một trong những “lực cản” khiến công tác CPH chưa diễn ra đúng kế hoạch chính là do chưa có một chế tài đủ nặng để xử lý những cá nhân, tổ chức chây ỳ.
Rõ ràng, dù không tuân thủ đúng quyết định của Thủ tướng nhưng vẫn chưa có một người có trách nhiệm nào “bị sao”, mọi kế hoạch được thực hiện “nửa vời”.
Tại tọa đàm “CPH: Đúng pháp luật nhưng phải nhanh”, ông Phạm Đức Trung, Trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng cần thực hiện nghiêm các chế tài xử lý không chỉ người đứng đầu DN mà cả người đứng đầu cơ quan chủ sở hữu trong việc không hoàn thành tiến độ CPH.
Tuy nhiên, chế tài nặng có thể khiến các cấp, các ngành không thể chậm trễ nhưng DN vẫn hoàn toàn có thể viện đến nhiều lý do khác để không tiến hành CPH, điển hình như nguyên tắc “bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước”, hay những khó khăn trong quá trình định giá DN.
Vì vậy, trong nhiều trường hợp DNNN hay cổ phần của Nhà nước trong DN được định giá “trên trời” với điều kiện để mua cổ phần “khó nhằn”. Gần đây, có một phiên đấu giá cổ phần nhà nước đã phải hủy bỏ do không có nhà đầu tư nào tham dự.
Đó là phiên đấu giá trọn lô 44,2 triệu cổ phiếu VOC, tương đương với 36,3% vốn của Vocarimex do SCIC đang đại diện phần vốn nhà nước. Mức giá khởi điểm mà SCIC đưa ra cho lô cổ phần này là 22.300 đồng/cp, cao hơn 66% thị giá của VOC tại thời điểm này là 13.400 đồng/cp.
Trong tháng 8, HNX đã hủy 3 cuộc đấu giá do không có nhà đầu tư nào tham gia. Ngoài Vocarimex, phiên đấu giá bán phần vốn góp của TKV tại công ty Liên doanh Alumina (Campuchia – Việt Nam) và phiên chào bán cạnh tranh cổ phần TV4 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Đáng chú ý, mẫu số chung của các phiên đấu giá này là đều có mức giá khởi điểm cao “ngất ngưởng”.
Theo đó, để giải “bài toán lý do” nhằm giúp CPH, thoái vốn nhà nước sẽ đỡ bị vướng vào tình cảnh vừa phải làm nhanh vừa phải thu được nhiều tiền mà lại không bị thất thoát, ngoài chế tài thật nặng cần có những sửa đổi để các nguyên tắc không còn là lý do chính.
Có thể kể đến như: phân loại DNNN và vốn nhà nước phù hợp với từng mục tiêu cụ thể, ưu tiên thoái vốn bằng mọi giá tại các DN đang thua lỗ, bên bờ phá sản hay giảm giá và nới lỏng điều kiện áp dụng trong mỗi phiên đấu giá…
Linh Đan