Tại Hội nghị giao ban Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp về tình hình thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa (CPH), thoái vốn cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) 6 tháng năm 2019 ngày 8/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đặt câu hỏi: “Còn 796 DN đã CPH mà không niêm yết trên sàn chứng khoán. Tại sao như vậy, đã CPH thì phải công khai, minh bạch chứ?”.
Tiến độ rất chậm
Báo cáo tại hội nghị, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Nguyễn Hồng Long cho biết, 6 tháng đã thoái vốn tại 30 DNNN với giá trị sổ sách 2.700 tỷ đồng, thu về gần 5.000 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2016 đến nay đã thoái vốn nhà nước tại 88 DN với giá trị sổ sách 4.800 tỷ đồng, thu về hơn 9.000 tỷ đồng.
Tổng số thu từ CPH, thoái vốn 6 tháng đầu năm 2019 là 5.500 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2016 đến nay, tổng số thu từ CPH, thoái vốn đạt hơn 218.000 tỷ đồng, gấp 2,8 lần số thu từ CPH, thoái vốn giai đoạn 2011 – 2015.
Đánh giá về công tác này trong 6 tháng qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ – Trưởng Ban chỉ đạo, cho rằng mặc dù công tác CPH, thoái vốn đã có nhiều thay đổi tích cực về chất nhưng vẫn rất chậm.
Cụ thể, cả nước mới hoàn thành CPH 35 DNNN trên tổng số 127 DN đã được phê duyệt, trong đó riêng Hà Nội còn 13 DNNN và Tp.HCM là 36 DNNN chưa được CPH.
Tiến độ thoái vốn nhà nước tại DN cũng chậm so với kế hoạch đề ra từng năm khi quyết định của Thủ tướng Chính phủ phải hoàn thành thoái vốn tại 405 DN từ 2016 – 2020 nhưng tới nay chỉ được 88 DN (chiếm 21,8%).
Phó Thủ tướng cho biết nhiều DNNN có quy mô lớn, sở hữu đất đai ở nhiều tỉnh, thành như Vinafood 1, Agribank…, nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất, giá trị DN… mất nhiều thời gian.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng cho rằng Nhà nước đã ban hành nhiều quy định chặt chẽ hơn trong CPH, bảo đảm chặt chẽ, minh bạch nên thời gian thực hiện cũng lâu hơn. Ví dụ, việc đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán DN có quy mô vốn nhà nước từ 1.700 tỷ đồng trở lên cũng khiến quá trình CPH kéo dài thêm 6 – 12 tháng.
Đặc biệt, theo Phó Thủ tướng, lãnh đạo các DNNN còn đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong xử lý công việc, nên thời gian triển khai chậm.
“Tinh thần cẩn trọng là đúng và từ năm 2016 tới nay chưa phát hiện sai phạm nghiêm trọng nào trong CPH, thoái vốn. Thủ tướng và Chính phủ muốn chúng ta phải làm đúng nhưng phải làm nhanh. Đúng mà chậm, ách tắc trì trệ là không được mà phải nhanh hơn. Yêu cầu là khó nhưng phải làm chứ không còn cách nào khác cả. Cứ tròn vo, đẩy công văn xin ý kiến vòng quanh là không được”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Còn nhiều DN đã CPH nhưng chưa đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán |
Nhiều “ông lớn” không lên sàn
Báo cáo của Ban chỉ đạo cũng cho thấy, đến nay còn 796 DN đã CPH nhưng chưa thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán. Trong số này có 148 công ty đại chúng có từ 100 cổ đông trở lên buộc phải niêm yết trên sàn chứng khoán theo Luật Chứng khoán nhưng vẫn chưa thực hiện.
Đáng chú ý, các DN bị “bêu tên” chủ yếu là các công ty con của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trực thuộc các bộ, ngành và các DN thuộc quyền quản lý của các UBND cấp tỉnh.
Có thể điểm danh một số DN chây ỳ lên sàn như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Bộ Công Thương) có 5 công ty là CTCP Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Thừa Thiên – Huế, CTCP Thương mại và Dịch vụ Petrolimex Đà Nẵng, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex, CTCP Nhiên liệu bay Petrolimex, CTCP Tư vấn xây dựng Petrolimex…
Ngoài ra, hàng loạt cái tên “cộm cán” khác như CTCP Vật tư và XNK Hóa chất (thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam), 14 công ty thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, 5 công ty thuộc Tổng công ty (TCT) Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, 8 công ty thuộc TCT Thép Việt Nam, 7 công ty thuộc TCT Công nghiệp Xi măng Việt Nam, 11 công ty thuộc TCT Đầu tư và Phát triển nhà và đô thị…
Lý do các DNNN sau CPH không niêm yết trên sàn chứng khoán, theo ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, là nhiều DN có nợ đọng quá lớn. Ủy ban Chứng khoán đã đi kiểm tra các DN này, đã xử phạt nhưng chỉ có 24 DN chịu nộp phạt.
Để gây sức ép buộc các DN sau CPH phải lên sàn chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán không cho phép DN đã cổ phần tăng vốn nếu không niêm yết công khai trên sàn.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Ủy ban Chứng khoán cá thể hóa cá nhân vi phạm để báo cáo Thủ tướng có biện pháp xử lý kịp thời.
Thanh Hoa