Năm 2017 được đánh giá là năm thành công với các doanh nghiệp (DN) cao su tự nhiên, khi giá cao su liên tục tăng mạnh và đạt đỉnh 331 Yên Nhật/kg hồi tháng 4/2017, bình quân cả năm tăng 36% so với năm 2016. Hầu hết các DN kinh doanh “vàng trắng” đều hồ hởi báo lãi.
Tuy nhiên, trái ngược với diễn biến tích cực năm 2017, quý I/2018, giá mủ cao su trên thị trường thế giới lại liên tục giảm mạnh. So với đầu năm 2017, giá mặt hàng này hiện đã giảm 44%.
Kế hoạch kinh doanh dè dặt
Trước rủi ro giá bán đầu ra sụt giảm, hầu hết các DN trong ngành cao su tự nhiên đều khá dè dặt với kế hoạch đặt ra cho năm 2018, dựa trên mức giá bán cao su khoảng 36 triệu đồng/tấn, giảm 10% so với mức bình quân 40 triệu đồng/tấn của năm 2017.
Năm 2017, CTCP Cao su Phước Hòa (mã: PHR) đạt doanh thu 1.653 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 411.9 tỷ đồng, tăng trưởng gần gấp đôi so với năm 2016, giá bán bình quân đạt 40,39 triệu đồng/tấn, tăng 30,97% so với 2016.
Đến năm 2018, công ty đặt mục tiêu sản lượng tiêu thụ tăng trưởng 10,8%, nhưng giá bán bình quân chỉ 37,01 triệu đồng/tấn, giảm 8,4% so với năm 2017.
Lý giải về nguyên nhân khiến PHR đặt mục tiêu giá bán thấp hơn so với năm 2017, ban lãnh đạo PHR cho biết giá bán cao su thương phẩm hiện nay dao động ở mức 35-36 triệu đồng/tấn, có thể tăng nhẹ trong thời gian tới nhưng chỉ biến động trong biên độ hẹp.
Năm 2018, PHR đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.605 tỷ đồng, chỉ tăng 1,5% so với năm trước, tuy nhiên mục tiêu lãi trước thuế đạt 400 tỷ đồng kỳ vọng thu nhập từ thanh lý cây cao su, khu công nghiệp, gỗ… bù đắp cho lợi nhuận bán mủ sụt giảm.
Tương tự, năm 2018, CTCP Cao su Đồng Phú (mã: DPR) cũng đặt mục tiêu giá bán cao su bình quân chỉ 36,56 triệu đồng/tấn, giảm 8,4% so với năm 2017 (39,9 triệu đồng/tấn). Theo đó, chỉ tiêu doanh thu tiêu thụ giảm còn 731,7 tỷ đồng, tương đương 12,5%; lãi gộp giảm 25,3% về 189,6 tỷ đồng.
Đây là một kế hoạch kinh doanh khá thận trọng trước những thành tựu đạt được trong năm 2017 của DPR với biên lợi nhuận gộp đạt 30,8% so với 25,2% của năm 2016, lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 287,3 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2016, vượt 50% kế hoạch.
Cũng đặt mức giá bình quân 36,5 triệu đồng/tấn, mục tiêu doanh thu của CTCP Cao su Tây Ninh (mã: TRC) năm 2018 đạt 498 tỷ đồng, giảm 1% so với năm 2017; lợi nhuận trước thuế đạt 113 tỷ đồng, giảm 31,5% so với năm 2017.
Đồng thời, TRC giảm sản lượng sản xuất xuống 8.700 tấn, sản lượng chế biến xuống 12.700 tấn; năng suất giảm xuống còn 1,96 tấn/ha/năm.
cổ phiếu cao su chỉ thích hợp cho đầu tư dài hạn |
Có nên kỳ vọng?
Kết quả kinh doanh 2 tháng đầu năm của nhóm ngành cao su cũng mang một màu ảm đảm khi doanh thu, lợi nhuận đều sụt giảm so với cùng kỳ.
Theo báo cáo của DPR, 2 tháng đầu năm, giá bán bình quân của DPR đạt 36,6 triệu đồng/tấn, giảm 25% so với cùng kỳ, doanh thu giảm 2% về 112 tỷ đồng, lãi gộp giảm 24,7% về 47,4 tỷ đồng.
Chưa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2018, nhưng kết quả kinh doanh những tháng đầu năm của CTCP Cao su Hòa Bình (mã: HRC) cũng không mấy khả quan khi ước tính doanh thu quý I đạt 18,3 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lãi sau thuế chỉ đạt 1,35 tỷ đồng, giảm 20,5% so với cùng kỳ.
Trên thị trường chứng khoán, kể từ đầu năm 2018 đến nay, nhóm cổ phiếu ngành cao su không nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư. Thậm chí còn được xếp vào nhóm cổ phiếu “xe lu” do mức tăng giá chậm chạp, thanh khoản “èo uột”.
Mức tăng giá của nhóm cổ phiếu này chỉ dao động 1-5%, trong khi các nhóm ngành cổ phiếu khác đạt mức tăng trưởng hàng chục phần trăm như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán…
Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/4, cổ phiếu PHR đóng cửa tại mức giá 44.950 đồng/cổ phiếu, tăng 3,7% so với hồi đầu năm. Cổ phiếu DPR đóng cửa tại mức giá 39.500 đồng/cổ phiếu, tăng 1,28% so với đầu năm. Cổ phiếu HRC giao dịch tại mức giá 24.700 đồng/cổ phiếu, giảm 27,3% với mức giá 34.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm; TRC cũng giảm 2,77% khi đóng cửa tại mức giá 28.000 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, tại báo cáo chiến lược năm 2018 công ty Chứng khoán Rồng Việt có những đánh giá khá tiêu cực cho ngành cao su trong ngắn hạn nhưng tích cực với triển vọng dài hạn.
Nhận định về thị trường cao su trong dài hạn, công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng cho rằng giá cao su có thể hồi phục nhẹ nhờ những thông tin tích cực đến từ thị trường khu vực, điển hình như: Chính phủ Thái Lan lên kế hoạch phát hành trái phiếu nhằm huy động 30 triệu Baht; cắt giảm 1-3,3 triệu tấn cao su dư thừa.
Tuy vậy, theo đánh giá của Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), xét trên tổng thể, kỳ vọng tăng trưởng mạnh của giá cao su vẫn chưa cao trước khả năng tiếp diễn tình trạng dư cung trên toàn cầu.
Hơn nữa, mặc dù các DN cao su còn có nguồn thu đáng kể từ thanh lý vườn cây, thu nhập tài chính, nhưng nếu giá cao su không sớm phục hồi, khả năng sụt giảm về doanh thu, lợi nhuận là rất có thể xảy ra.
Linh Đan