Quý I/2018, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, chỉ số Vn-Index trở thành chỉ số tăng trưởng mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên, bất chấp diễn biến của thị trường lúc đó, các mã cổ phiếu thuộc nhóm ngành phân bón lại đồng loạt lao dốc.
Đầu năm "đen tối"
Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm 2017, cổ phiếu DCM của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau) ghi nhận mức giá 13.600 đồng/cp, tăng trưởng hơn 33,3%.
Tiếp tục đà tăng trưởng của năm 2017, tháng 1/2018, cổ phiếu này tiếp tục tăng lên 14.500 đồng/cp (phiên 30/1), tương đương 6,6% chỉ trong một tháng.
Tuy nhiên, ngay sau đó, cổ phiếu này đã có quãng thời gian dài lao dốc, đến phiên 28/5, cổ phiếu này chỉ còn 9.960 đồng/cp, giảm 31,3% trong vòng 4 tháng .
Diễn biến tương tự DCM, cổ phiếu của "người anh em" Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí-CTCP (mã: DPM) "tạm biệt" năm 2017 tại mốc giá 21.500 đồng/cp, và cũng có chuỗi ngày tăng giá ấn tượng trong tháng 1/2018 lên 26.100 đồng/cp (phiên 29/1).
Sau đó, DPM cũng có chuỗi ngày lao dốc, tính tới phiên giao dịch ngày 28/5, cổ phiếu này đã mất tới gần 36,8%, giao dịch tại mốc giá 16.500 đồng/cp. Thậm chí, có những tuần giao dịch không có nổi một phiên tăng giá.
Một doanh nghiệp phân bón khác không thể không nhắc tới là CTCP Phân bón Bình Điền (mã: BFC), một trong những doanh nghiệp sản xuất phân NPK chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường hiện nay. BFC là doanh nghiệp có những bước tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững nhất trong số các doanh nghiệp phân bón niêm yết trên sàn hiện nay.
Kể từ khi niêm yết tháng 10/2015, do doanh thu và lợi nhuận của BFC luôn được duy trì ổn định năm sau cao hơn năm trước, giá cổ phiếu BFC tăng không ngừng, liên tiếp tạo định mới. Từ vùng giá 16.000 đồng/cp lúc mới niêm yết, đạt đỉnh 37.000 đồng/cp hồi tháng 9/2016 rồi 43.000 đồng tháng 8/2017.
Kết thúc năm 2017, cổ phiếu BFC ghi nhận tại mức giá 33.650 đồng/cp và tiếp tục tăng trưởng trong tháng 1/2018. Đã có lúc thị giá cổ phiếu này lên tới 36.000 đồng/cp.
Cũng giống như DCM và DPM, ngay khi kết thúc tháng 1, cổ phiếu BFC bắt đầu bước vào chuỗi ngày giảm giá. Tính đến phiên giao dịch ngày 28/5, BFC chỉ còn 29.000 đồng/cp, giảm 19,4% so với mức đỉnh của tháng 1 và 32,5% so với đỉnh của năm 2017.
Một cái tên khác là CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (mã: LAF) đã có năm 2017 rực rỡ và đóng cửa phiên cuối năm tại vùng giá 14.400 đồng/cp. Không giống DPM, DCM, BFC, cổ phiếu LAS bắt đầu lao dốc ngay khi bước vào năm 2018.
Tính đến phiên 28/5, cổ phiếu LAS đã giảm hơn 20%, chỉ còn 11.500 đồng/cp, chỉ trong 5 tháng đầu năm.
DCM đã trải qua 6 phiên tăng giá liên tiếp, đã cứu cổ phiếu này không rơi khỏi mệnh giá |
Giữa năm khởi sắc
Không lao dốc , nhưng cổ phiếu VAF của CTCP Phân lân nung chảy Văn Điển lại có những giao dịch lạ khi liên tiếp tăng trần rồi lại giảm sàn từ đầu năm đến nay, cổ phiếu này chỉ giao dịch xung quang khoảng giá 10.000-11.000 đồng/cp.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện từ đầu năm, tuần qua, cổ phiếu phân bón đã có sự "chuyển mình" mạnh mẽ.
Chỉ tính riêng trong phiên ngày 7/6, nhóm cổ phiếu này đã khiên nhà đầu tư bất ngờ khi DCM, DPM, LAS, BFC… đều đồng loạt bứt phá, trong đó DCM được kéo lên mức giá trần, DPM tăng 5,85%…_
Trước đó, DCM đã trải qua 6 phiên tăng giá liên tiếp, đã cứu cổ phiếu này không rơi khỏi mệnh giá, hiện đang giao dịch tại mức giá 11.550 đồng/cp (phiên 11/6).
Về kết quả kinh doanh, kết thúc quý I/2018, Đạm Cà Mau ghi nhận 1.315 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, lợi nhuận sau thuế tương ứng 259,5 tỷ đồng, lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt 457 đồng. So với kế hoạch, ba tháng đầu năm, công ty đã thực hiện được gần 40% chi tiêu lãi ròng cả năm.
"Người anh em" DPM cũng phục hồi khá mạnh, chốt phiên giao dịch ngày 11/6, cổ phiếu này giao dịch tại mức giá 19.050 đồng/cp. Mới đây, DPM đã có thông báo nới room ngoại lên 100%, trong khi chỉ tiêu lãi năm 2018 chỉ đặt mức 342 tỷ đồng.
Năm 2018 cũng là năm hai doanh nghiệp này chính thức được thoái vốn nhà nước, Tập đoàn Dầu khí (PVN) sẽ giảm tỷ lệ sở hữu về 51% vốn điều lệ và vẫn được áp dụng chính sách trợ giá, đảm bảo mức sinh lời 12% dù thị trường biến động.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/6, cổ phiếu VAF đã tăng trần lên 11.000 đồng/cp, tăng 6,8% trong tuần qua; SFG ghi nhận mức giá 12.600 đồng/cp, tăng gần 6,4% từ cuối tháng 5 đến nay; LAS cũng ghi nhận mức tăng trưởng 7,2% từ cuối tháng 5 đến nay.
Nhiều ý kiến cho rằng đà tăng của nhóm cổ phiếu này đến từ thông tin sau gần 3 năm để các doanh nghiệp sản xuất phân bón chờ đợi thay đổi chính sách, đến nay, Bộ Tài chính chính thức đưa mặt hàng này vào diện chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Theo Bộ Tài chính, tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thuế, phân bón được chuyển sang đối tượng chịu thuế VAT, với thuế suất 5%.
Theo phương án này, doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được khấu trừ thuế VAT đầu vào, doanh nghiệp đầu tư sản xuất phân bón trong nước có thể giảm giá thành sản xuất phân bón, đảm bảo an ninh nông nghiệp, tăng tính cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu, _tạo cơ hội hồi phục mạnh mẽ cho ngành phân bón trong nước.
Linh Đan