Tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài đang là nút thắt lớn trong quá trình nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam |
Theo quy định hiện hành, tỷ lệ sở hữu nước ngoài của công ty đại chúng tham gia các ngành kinh doanh không có điều kiện ở mức 49%, nhưng tỷ lệ này có thể được nới lỏng lên mức 100% sau khi được đại hội cổ đông thông qua và trình lên cơ quan quản lý phê duyệt.
Tuy nhiên, tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật Chứng khoán sửa đổi đang được lấy ý kiến đã tự động áp dụng sở hữu nước ngoài 100% cho các công ty đại chúng, trừ khi các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc luật chuyên ngành có các quy định cụ thể thấp hơn. Một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện vẫn có giới hạn chặt chẽ hơn, như ngành ngân hàng có sở hữu nước ngoài ở mức 30%.
Ông Đinh Quang Hinh cũng dự báo trong kịch bản lạc quan, nếu các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán sửa đổi kịp có hiệu lực trong nửa đầu năm 2021, cùng với việc hoàn thành triển khai hệ thống giao dịch chứng khoán mới, Việt Nam có thể được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi của MSCI trong kỳ đánh giá thị trường thường niên vào tháng 5/2021.
Sau đó, Việt Nam có thể được thông báo nâng hạng lên thị trường mới nổi trong kỳ đánh giá lại thị trường thường niên của MSCI vào tháng 5/2022, và việc nâng hạng sẽ chính thức có hiệu lực một năm sau đó vào tháng 6/2023.
Với kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong 2 đến 3 năm tới, một số công ty chứng khoán ước tính Việt Nam có thể hút dòng vốn ngoại lên tới 1,4 tỷ USD đến 1,9 tỷ USD nhờ được nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Trong đó, khoảng 779 đến 1.039 triệu USD sẽ đến từ các quỹ ETF mô phỏng theo chỉ số thị trường mới nổi của MSCI và chỉ số thị trường mới nổi của FTSE; và 670 đến 891 triệu USD từ các quỹ đầu tư chủ động đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các thị trường mới nổi.
N.L