HDBank vừa quyết định giảm "room" ngoại xuống 21,5%. |
Không như một số ngành khác, tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài (room) tại các ngân hàng thương mại cổ phần tối đa chỉ được 30%. Vì vậy, muốn tìm được đối tác chiến lược, thời gian qua, các ngân hàng phải cân nhắc khi thị trường thuận lợi và tìm được nhà đầu tư có cùng chung quan điểm trong kinh doanh sẽ mở room để hỗ trợ ngân hàng phát triển và đạt được mức giá chào bán có lợi nhất cho cổ đông.
Ngân hàng khoá room ngoại
HDBank vừa công bố nghị quyết về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của nhà đầu tư ngoại từ 30% xuống 21,5%, nhằm để dành cho kế hoạch hợp tác với các đối tác chiến lược trong thời gian tới. Thay vào đó HDBank quyết định triển khai phát hành 160 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế và sẽ được tính vào vốn tự có cấp 2 của ngân hàng.
Đặc biệt, số trái phiếu này có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông. Đây có thể là lý do HDBank quyết định giảm room ngoại, để chuẩn bị trong trường hợp trái chủ (Bondholder) muốn chuyển thành cổ đông của ngân hàng.
VPBank cũng quyết định giảm room cho khối ngoại từ 22,77% xuống 15%. Room ngoại còn lại của VPBank dự kiến dùng để chào bán cho nhà đầu tư khác muốn đầu tư khi thị trường tài chính thực sự quay lại ổn định, từ đó có thể có cơ hội tạo ra thặng dư vốn trực tiếp cho ngân hàng.
Hội đồng quản trị Techcombank cũng vừa chấp thuận và phê duyệt việc nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng này lên mức hơn 22,5% vốn điều lệ, tăng nhẹ so với trước. Mục đích của việc nâng giới hạn để người lao động nước ngoài được mua 439.000 cổ phiếu TCB thông qua giao dịch nhận chuyển nhượng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường. Như vậy hiện room ngoại của Techcombank khóa ở mức hơn 22,5%, thấp hơn gần 7,5% so với mức quy định.
Có thể thấy, hiện nay tỷ lệ room ngoại của nhiều ngân hàng vẫn còn nhiều so với chỉ tiêu được giao. Tuy nhiên, trong năm nay các ngân hàng này vẫn chưa có ý định bán bớt. Chẳng hạn, tỷ lệ room ngoại tại VIB là 20,5%, MBB là 22,99%, LPB là 9,99%,…
Chia sẻ về lý do để dành room ngoại, đại diện một ngân hàng TMCP ở Hà Nội cho biết, ngân hàng có thể chọn dùng phần room còn lại để phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài khi điều kiện thuận lợi điều này sẽ mang về thặng dư tốt cho nhà băng.
“Khi cấp bách cần tăng vốn, nếu room này được giữ lại để bán cho đối tác chiến lược, cả ngân hàng và tất cả cổ đông đều được lợi. Hoặc trong thời điểm nào đó khi thị trường thuận lợi, nếu ngân hàng tìm được nhà đầu tư chiến lược, có thể đóng góp về công nghệ, quản trị, chiến lược phát triển ngân hàng thì sẽ giúp ngân hàng minh bạch hơn quản trị điều hành, phát triển hơn về mặt công nghệ, khách hàng, sản phẩm...”, vị đại diện này cho hay.
Mở toang room ngoại sẽ rủi ro cho ngân hàng
Xung quanh câu chuyện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước dự kiến bỏ quyền tự định đoạt tỷ lệ sở hữu cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài (room vốn ngoại) của các doanh nghiệp đại chúng, nhiều chuyên gia và các ngân hàng cho rằng quy định mới này sẽ dẫn đến nhiều rủi ro cho ngân hàng.
Một trong những rủi ro là tình trạng "núp bóng", tức đối tác nước ngoài mua gom cổ phiếu và chia nhỏ ra để cho nhiều cá nhân đứng tên nhằm lách quy định khai báo thông tin và cơ quan quản lý cũng không nắm được nhà đầu tư ngoại ẩn danh là ai. Do vậy cũng không phải không có lý do khi thời gian qua cơ quan quản lý chỉ cho phép room ngoại tối đa tại ngân hàng 30% trong khi tại nhiều doanh nghiệp là 49%.
Giải trình về quy định tước quyền định đoạt room vốn ngoại của doanh nghiệp, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, trong quá trình thực hiện quy định cũ, một số công ty thường xuyên thay đổi room ngoại, ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông (không thể bán cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài), không bình đẳng giữa các công ty, ảnh hưởng đến tính minh bạch, tính thanh khoản của cổ phiếu…
Thực tế, thời gian qua room ngoại đã được các ngân hàng “đóng, mở” rất tốt trong tìm kiếm đối tác chiến lược có thể hỗ trợ về chiến lược, quản trị, vốn, giúp triển khai các chiến lược dài hạn của ngân hàng.
Có thể nói, ngân hàng là ngành đặc thù, các quy định pháp luật hiện hành cũng chỉ đưa ra các tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài tối đa không vượt qua một tỷ lệ nhất định, chứ không quy định tỷ lệ này là cố định. Theo đó, các ngân hàng thương mại có quyền quyết định tỷ lệ nhất định trong mức room ngoại tối đa được Nhà nước quy định.
Trong văn bản góp ý vừa gửi Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị bổ sung nội dung "thực hiện theo quy định tại pháp luật đó và điều lệ của công ty", tức là vẫn giữ quyền của doanh nghiệp. Các công ty có quyền quyết định một tỷ lệ khác nằm trong tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, việc điều lệ quy định cụ thể tỷ lệ sở hữu nước ngoài cũng là cơ sở để doanh nghiệp cân nhắc được việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với mục tiêu lựa chọn cổ đông chiến lược, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư theo chiến lược...
Thanh Hoa