Nếu không tính phiên giao dịch đột biến ngày 19/3, chỉ số Vn-Index từ đầu năm đến nay diễn biến trong biên độ từ 940 điểm đến dưới 1.000 điểm. Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực trong suốt quý II và quý III nhưng chỉ số vẫn không chinh phục trọn vẹn được “ngưỡng thiên đường” 1.000 điểm.
Tác động từ kết quả kinh doanh quý III
Tiếp nối đà 2 quý đầu năm, bức tranh lợi nhuận quý III đang được phác hoạ bằng các gam màu đa sắc giữa các nhóm ngành. Mặc dù chưa có báo cáo chính thức nhưng nhiều con số đã được hé lộ bởi lãnh đạo doanh nghiệp.
Mới đây, lãnh đạo Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans, mã: PVT) cho biết kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2019 với lợi nhuận trước thuế đạt 700 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận công ty mẹ ước đạt 670 tỷ đồng, vượt kế hoạch cả năm 2019.
Một đại diện khác trong ngành dầu khí là Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, mã: PVS) cũng thông tin ước tính đến hết 3 quý đầu năm 2019, PTSC vượt kế hoạch lợi nhuận ở mức hai con số. Trước đó, chỉ trong 6 tháng đầu năm, PTSC đã hoàn thành 93% kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2019 với 650 tỷ đồng.
Tổng doanh thu 9 tháng đầu năm của “ông lớn” Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV Gas, mã: GAS) ghi nhận 58.318,4 tỷ đồng, tăng 1% và thực hiện 91% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 8.760 tỷ đồng, vượt 14,6% kế hoạch năm nhưng giảm 4% so với cùng kỳ.
Theo tài liệu gửi tới giới phân tích trong chuyến tham quan Tổ hợp lọc dầu Long Sơn vừa qua, CTCP Fecon (mã: FCN) ước tính doanh thu 9 tháng năm 2019 của công ty đạt 1.843,4 tỷ đồng, tăng 8%; lợi nhuận sau thuế ước gần 151 tỷ đồng, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước.
Chưa công bố về kết quả kinh doanh 9 tháng nhưng nhìn vào những con số mà CTCP FPT (mã: FPT) đã đạt được trong 8 tháng vừa qua có thể đoán trước được tình hình kinh doanh khả quan của FPT.
Theo FPT, trong 8 tháng đầu năm 2019, doanh thu và lợi nhuận trước thuế công ty tăng trưởng 21,1% và 27,9% so với cùng kỳ, lần lượt đạt 17.032 tỷ đồng và 2.992 tỷ đồng, tương đương 104,2% và 110,9% kế hoạch lũy kế.
Lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ lần lượt đạt 2.495 tỷ đồng và 2.004 tỷ đồng, tăng 27,0% và 29,5% so cùng kỳ.
Tương tự, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã: PNJ) cũng cho biết 8 tháng đầu năm đạt 10.281 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế 710 tỷ đồng, tăng 12%.
Bên cạnh những sắc màu tươi sáng, nhóm thuỷ sản được dự báo có thể sẽ sụt giảm về lợi nhuận do các mặt hàng xuất khẩu giảm. Tuy nhiên, theo lãnh đạo CTCP Tập đoàn Sao Mai (mã: ASM), những biến động mang tính chu kỳ “tăng, chững lại và giảm”, nên qua giai đoạn khó khăn thì giá các mặt hàng sẽ sớm hồi phục.
Bên cạnh kết quả kinh doanh, dòng tiền khối ngoại cũng được cho là yếu tố có thể hỗ trợ thị trường trong quý tới. Trước đó, do những bất ổn của nền kinh tế thế giới, thị trường chứng khoán liên tiếp chứng kiến làn sóng “tháo chạy” của các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài.
Thị trường cuối năm có thể khởi sắc nhờ các thông tin tích cực |
Khối ngoại có thể mua ròng
Chỉ tính riêng trong tháng 8/2019, các NĐT nước ngoài đã bán ròng tổng giá trị lên tới hơn 1.600 tỷ đồng, ghi nhận tổng giá trị bán ròng lớn nhất kể từ đầu năm. Cùng với đó, dòng tiền RTFs cũng ghi nhận bị rút ròng mạnh nhất kể từ đầu năm, chủ yếu đến từ VFMVN30.
Trong tháng 9, dù đã có động thái mua ròng mạnh mẽ trong nửa đầu tháng nhưng hoạt động của khối ngoại trở nên tiêu cực trong nửa cuối tháng khi tiếp tục bán ròng, xóa sạch mọi cố gắng trong 2 tuần đầu tiên.
Liên quan đến động thái bán ròng của khối ngoại vừa qua, ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia phân tích tại Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam đang có nhiều thông tin theo hướng tiêu cực nên không loại trừ khả năng các quỹ ngoại đang có sự tính toán để cơ cấu lại danh mục, giảm bớt tỷ trọng tại những cổ phiếu có xu hướng rủi ro.
Theo ông Lân, nhiều khả năng là các quỹ ETF có khá ít thông tin bán ra của các quỹ đầu tư lớn, nếu có cũng chỉ tập trung tại những mã đã hết room. Do đó, việc khối ngoại bán ròng cũng không quá đáng lo ngại.
Các chuyên gia thậm chí còn cho rằng các NĐT nước ngoài có thể sẽ quay lại mua ròng trong quý IV/2019. Cơ sở của những nhận định này đến từ kinh tế vĩ mô tăng trưởng tích cực và khả năng duy trì VND ổn định đang được xem là điểm cộng để Việt Nam có sức hút với dòng tiền dài hạn của NĐT nước ngoài.
Chính phủ cũng đã báo cáo các chỉ số vĩ mô vào cuối năm và tiến hành đưa ra các chỉ tiêu tăng trưởng cao cho năm tiếp theo. Hơn nữa, Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ được Quốc hội thảo luận trong tháng 10 tới, hứa hẹn tạo ra một môi trường thuận lợi, minh bạch cho các NĐT.
Theo ông Matthew Smith, Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, mặc dù các vấn đề chiến tranh thương mại chưa chắc sẽ sớm được giải quyết nhưng dòng tiền chạy vào các thị trường mới nổi như Việt Nam có thể sẽ được cải thiện vào cuối năm nay khi các chính sách nới lỏng tiền tệ có hiệu lực.
Linh Đan