Chỉ số Vn-Index khó đạt mốc 1.000 điểm trong năm 2019 |
Theo VDSC, đảm bảo kinh tế vĩ mô tăng trưởng ổn định vẫn đang là quyết sách được Chính phủ theo đuổi và ghi nhận thành công. Bất chấp bức tranh thương mại toàn cầu còn nhiều biến động, môi trường vĩ mô trong nước vẫn đảm bảo thuận lợi cho các doanh nghiệp nội địa hoạt động.
Do vậy, VDSC cho rằng sự chững lại trong ngắn hạn của thị trường chứng khoán sẽ là cơ hội để nhà đầu tư quan sát, tìm hiểu và tích lũy cổ phiếu thuộc các nhóm ngành không phụ thuộc vào biến động bất thường của thương mại toàn cầu.
Bức tranh thương mại toàn cầu trở nên u ám sau khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang. Bên cạnh nhân tố tích cực, các ngành hàng liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu cũng sẽ gặp nhiều thách thức. Những ngành liên quan tới xuất khẩu không chỉ được hưởng lợi mà còn phải đối mặt với nhiều khó khăn.
VDSC đánh giá quan điểm trung lập (so với quan điểm tích cực hồi đầu năm) đối với các ngành thuỷ sản, dệt may và dầu khí. Trong khi đó, làn sóng chuyển dịch cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc tới các nước châu Á khác đang diễn ra mạnh mẽ. Vì vậy, VDSC đưa ra quan điểm lạc quan trong ngắn và trung hạn đối với các nhóm ngành kho vận, vận tải/cảng biển và khu công nghiệp.
Về công tác thoái vốn hỗ trợ thị trường chứng khoán, VDSC cho biết tính đến quý II/2019, chỉ tiêu thoái vốn nhà nước mới chỉ đạt 20% kế hoạch số lượng doanh nghiệp phải thoái vốn.
Tuy nhiên, nhờ thương vụ Sabeco, tổng số tiền thu được đạt khoảng 220.000 tỷ đồng đã đáp ứng khoảng 88% tổng số tiền thu từ thoái vốn phục vụ chi đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020. Do vậy, có thể thấy động lực đẩy mạnh thoái vốn trong nửa cuối năm 2019 là không lớn.
Thay vào đó, áp lực hoàn thành kế hoạch sẽ rơi vào năm 2020 và một vài thương vụ lớn có thể diễn ra. Một số tên tuổi lớn đáng chú ý là MobiFone, Vinacafé, VNPT, VEAM, Petrolimex...
H.T