P/E của Vn-Index sẽ dao động quanh ngưỡng 16,7 lần |
Cũng theo bà Lam, cho đến khi Mỹ - Trung đạt được thỏa thuận thương mại cuối cùng thì thương chiến sẽ vẫn luôn là yếu tố rủi ro lớn nhất đối với thị trường chứng khoán toàn cầu.
Làn sóng rút vốn khỏi thị trường cổ phiếu để phân bổ tài sản vào trái phiếu cũng như trú ẩn vào vàng của nhà đầu tư quốc tế sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt là dòng tiền “nóng” hay tiền ETF.
Thực tế, bắt đầu từ quý III/2019, khi căng thẳng Mỹ - Trung lên nấc thang mới, các quỹ ETF đầu tư vào Việt Nam (FTSE, VanEck, VFMVN30) đã liên tục bị rút ròng, dẫn đến hiện tượng nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh trên sàn chứng khoán. Điều này có thể khiến chỉ số Vn-Index khó có khả năng tăng mạnh.
Cung tiền hạn hẹp và mức sinh lợi của các kênh đầu tư khác đang gia tăng. Trong khi lạm phát chung vẫn duy trì ở mức thấp, lạm phát lõi (lạm phát chung sau khi loại trừ tác động của một số mặt hàng chịu sự kiểm soát của Nhà nước) thực tế đã tiệm cận ngưỡng 2%, mức mục tiêu của Chính phủ.
Do đó, xác suất mở rộng cung tiền trong nửa cuối năm là rất thấp, thanh khoản trên thị trường cổ phiếu khó có thể quay lại mức cao như giai đoạn cuối năm 2017 đến đầu năm 2018.
Kỳ vọng vấn đề giới hạn sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài sẽ được giải tỏa một phần với sự ra đời của bộ chỉ số VN-Diamond. Đây là bộ chỉ số bao gồm các cổ phiếu không còn tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài. Các cổ phiếu được xem xét là những cổ phiếu có vốn hóa lớn và đáp ứng yêu cầu nhất định về mặt thanh khoản.
Bà Lam cho rằng, khi các quỹ chỉ số này vận hành sẽ là yếu tố hỗ trợ rất lớn cho thị trường khi khả năng phát hành cổ phiếu không có quyền biểu quyết (NVDR) khó có thể hiện thực hóa trước năm 2021.
N.L