Giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số VN30 trong tháng 11/2019 giảm nhẹ so với tháng trước, khối lượng giao dịch bình quân đạt 61.005 hợp đồng, giảm 5,34%. Trong đó, phiên có khối lượng giao dịch cao nhất 96.114 hợp đồng vào ngày 25/11 cũng giảm 4,8% so với mức cao nhất của tháng trước.
Nỗ lực “gượng dậy”
Điểm qua diễn biến thị trường phái sinh tháng 11 cho thấy khối lượng mở (OI) cũng giảm 14,52% so với tháng 10 và đạt 17.643 hợp đồng vào ngày giao dịch cuối cùng của tháng 11, giảm 38,3% so với mức cao nhất của tháng 10.
Điểm sáng của thị trường phái sinh trong tháng qua là giao dịch hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ tăng trở lại với 10 hợp đồng được giao dịch, tăng gấp 10 lần so với tháng trước. Khối lượng OI hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ cuối tháng 11 đạt 11 hợp đồng, tương đương mức OI tháng 10.
Bên cạnh đó, trong tháng 11, tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư (NĐT) cá nhân trong nước tiếp tục giảm so với tháng trước, chiếm 85,69% khối lượng giao dịch toàn thị trường (so với 87,86% trong tháng 10).
Ngược lại, tỷ trọng giao dịch của NĐT tổ chức trong nước tiếp tục tăng, đạt 13,08%, trong đó tỷ trọng giao dịch tự doanh của công ty chứng khoán chỉ chiếm một phần nhỏ (2,08%), phần còn lại là của các tổ chức khác. Thị trường đang tiếp tục cho thấy xu thế dịch chuyển cơ cấu NĐT.
Số lượng tài khoản giao dịch phái sinh vẫn tiếp tục tăng lên. Tại thời điểm cuối tháng 11, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh đạt 89.795 tài khoản, tăng 3,25% so với tháng trước.
Trong những phiên giao dịch đầu tháng 12, thị trường chứng khoán cơ sở đã có phần bình tĩnh trở lại, tuy nhiên chỉ số VN30 vẫn chưa có dấu hiệu tạo đáy rõ ràng. Do đó, tâm lý thận trọng vẫn đè nặng trên thị trường phái sinh.
Các chuyên gia cho biết đà lan tỏa ngắn hạn và trung bình 10 phiên của nhóm cổ phiếu trụ đang có sự chuyển biến khả quan với những nhịp hồi phục, sự lan tỏa dừng giảm là một biểu hiện tốt cho thấy điểm cân bằng của thị trường đang ở rất gần, hoặc trong trường hợp xấu thì áp lực giảm sẽ không quá lớn như trước.
Tuy nhiên, sự lan tỏa trên toàn chỉ số VN30 vẫn còn kém nên khó có thể đòi hỏi sự lan tỏa có thể quay trở lại tích cực ngay. Nhóm ngân hàng đã kịp thời “giải cứu” thị trường bằng một nhịp hồi phục ấn tượng, nhưng chưa đủ để giúp nhóm này quay trở lại đà tăng.
Do đó, động lực đến từ những nhóm trụ khác như bất động sản là rất cần thiết, nhưng nhóm này chưa thu hút được dòng tiền mới tham gia.
Đà hồi phục của thị trường phái sinh đang vấp phải nhiều lực cản |
Vẫn còn nhiều lực cản
Thực tế, chỉ số Vn- Index được xem là chỉ số chứng khoán có diễn biến thuộc nhóm kém nhất trên thế giới ở thời điểm hiện tại. Trong khi đó, chỉ số giá vàng ghi nhận sự hồi phục cho thấy tâm lý e ngại rủi ro của giới đầu tư bắt đầu xuất hiện nhiều hơn.
Khối NĐT nước ngoài vẫn chưa dừng lại đà bán ròng, tiếp tục gây sức ép lên thị trường những phiên gần đây. Trong những phiên giao dịch đầu tháng 12, khối ngoại bán thêm gần 500 tỷ đồng, trước đó giá trị bán ròng tháng 11 là hơn 1.000 tỷ đồng.
Trong danh sách các mã bị bán ròng, ngoài những gương mặt cũ như VHM (Vinhomes), VNM (Vinamilk) mới xuất hiện thêm MSN (Masan).
Các chuyên gia nhận định nếu khối ngoại vẫn có động thái bán ròng thì khả năng hồi phục của thị trường tiếp tục gặp khó khăn. E ngại này càng có cơ sở khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung quay trở lại với những diến biến mới.
Thượng viện, Hạ viện và Tổng thống Mỹ Donald Trump thông qua đạo luật hỗ trợ người biểu tình tại Hồng Kông, trong đó yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ xem xét đặc quyền thuế quan của Hồng Kông một năm một lần và cấm bán vũ khí chống biểu tình cho Trung Quốc.
Về phía Trung Quốc, Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố sẽ có các biện pháp cứng rắn và cho rằng quyết định trên của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến khả năng ký kết thỏa thuận thương mại giữa hai nước.
Nhìn chung, sự nỗ lực của thị trường phái sinh đang gặp trở ngại khi nhiều NĐT nội đang có xu hướng mất niềm tin vào thị trường dù lực bán không quá lớn, đặc biệt là sức ép của khối ngoại vẫn hiện hữu. Đáng chú ý nhất là thị trường hiện đang thiếu nhóm cổ phiếu dẫn dắt cho sóng tăng.
Theo Chứng khoán HSC, với sự tiết cung ở bối cảnh hiện tại thì người mua là bên chủ động hơn, vấn đề chỉ là khi nào bên mua cảm thấy đủ thuận lợi để quay trở lại thị trường.
Do đó, chiến lược ưu tiên trong tuần này là canh mua (Long) trong các nhịp rung lắc, kịch bản xấu là các chỉ số kiểm chứng khu vực đáy cũ 870 – 872 điểm. Trong khi đó, chiến lược bán (Short) nên được cân nhắc áp dụng nếu giá gãy đáy cũ 870 điểm.
Linh Đan