Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), diễn biến thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh tháng 10 có nhiều dấu hiệu tích cực về cả giá trị giao dịch lẫn cơ cấu nhà đầu tư (NĐT). Theo đó, xu thế dịch chuyển đang ngày càng rõ nét giữa các NĐT cá nhân và NĐT tổ chức.
Tín hiệu tích cực
Trong tháng 10, giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tăng nhẹ so với tháng 9, khối lượng giao dịch bình quân đạt 64.446 hợp đồng, tăng 13,71%. Trong đó, phiên có khối lượng giao dịch cao nhất là 100.946 hợp đồng vào ngày 2/10.
Khối lượng mở (OI) không biến động nhiều so với tháng 9, đạt 20.641 hợp đồng vào ngày giao dịch cuối cùng của tháng 10, tăng 3,99% so với thời điểm cuối tháng 9. Trong đó, phiên giao dịch ngày 3/10 có khối lượng OI cao nhất đạt 24.174 hợp đồng, tăng 5,1% mức cao nhất của tháng 9.
Về giao dịch hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ, trong tháng 10 chỉ có 1 hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ được giao dịch, bằng 2,38% so với tháng trước. Khối lượng OI cuối tháng 10 đạt 11 hợp đồng, tăng 10% so với thời điểm cuối kỳ trước.
Đáng chú ý, tỷ trọng giao dịch của NĐT cá nhân trong nước tháng 10 tiếp tục giảm so với tháng 9, chiếm 87,86% khối lượng giao dịch toàn thị trường (tháng 9 vẫn ghi nhận 89,03%).
Ngược lại, tỷ trọng giao dịch của NĐT tổ chức trong nước tiếp tục tăng, đạt 11,37% tổng giá trị giao dịch, trong đó tỷ trọng giao dịch tự doanh của công ty chứng khoán chỉ chiếm một phần nhỏ (1,33%), phần còn lại là của các tổ chức khác.
Khối lượng giao dịch của NĐT nước ngoài trong tháng 10 tăng gấp 1,6 lần so với tháng trước, đạt 22.836 hợp đồng, chiếm 0,62% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường.
Đáng chú ý, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh vẫn tiếp tục tăng lên. Tại thời điểm cuối tháng 10, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh đạt 86.967 tài khoản, tăng 3,55% so với tháng trước.
Điều này thể hiện được chứng khoán phái sinh đã dần chinh phục được các NĐT “có nghề” trên TTCK. Trước đó, vào đầu năm 2019, hoạt động giao dịch của các NĐT cá nhân trong nước vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu lên tới 99% khối lượng giao dịch.
Nguyên nhân khiến NĐT tổ chức ít tham gia thị trường phái sinh là do điều lệ hoạt động của các tổ chức cũng như quy định pháp lý hạn chế một số hoạt động đầu tư. Về phía các NĐT nước ngoài là lo ngại rủi ro phát sinh trong quá trình kiểm soát tài khoản giao dịch.
Lượng giao dịch của các NĐT cá nhân đang giảm dần trên thị trường phái sinh |
Đẩy mạnh sự đa dạng
Thực tế, sau hơn 2 năm chính thức đi vào hoạt động, TTCK phái sinh đã được công chúng đón nhận và có bước leo dốc ấn tượng.
Sự dịch chuyển giữa cơ cấu các NĐT trong tháng 10 đã chứng minh vai trò là công cụ phòng ngừa rủi ro, góp phần tích cực vào việc giữ chân dòng vốn trên thị trường cơ sở, đồng thời thu hút sự quan tâm của các NĐT trong nước cũng như nước ngoài của thị trường phái sinh.
Tuy nhiên, sự dịch chuyển này vẫn chưa được xem là bứt phá, cần mở rộng sự tham gia của các NĐT tổ chức cả trong nước và nước ngoài, bởi phái sinh vốn là mảng thị trường đầy tiềm năng phát triển.
Định hướng của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là đề xuất Chính phủ, Quốc hội ban hành hệ thống giải pháp mang tính tiếp sức, khuyến khích, chẳng hạn về thuế, phí nhằm phát triển NĐT tổ chức.
Các công cụ thuế, phí cần giúp NĐT cá nhân nhận diện rõ nét rằng họ đầu tư qua quỹ thì được hưởng các ưu đãi lớn về thuế, phí so với khi đầu tư trực tiếp. Đây là kinh nghiệm mà nhiều thị trường quốc tế đã áp dụng thành công.
Mục tiêu phát triển TTCK trong giai đoạn tới đang nhận được khá nhiều sự quan tâm từ các nhà điều hành cũng như các NĐT. Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, các đại biểu đã đưa ra nhiều đề xuất, giải pháp nhằm “làm lớn” TTCK.
Dẫn số liệu về vốn hóa của TTCK, một đại biểu Quốc hội cho biết tính đến thời điểm hiện tại, vốn hóa thị trường đạt 5,6 triệu tỷ đồng, so với GDP của năm 2018 là đạt trên 100% GDP, trong khi dư nợ tín dụng đạt tới khoảng 7,8 triệu tỷ đồng, tương đương 130% GDP.
Từ thực trạng trên, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhìn nhận Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia có tỷ trọng tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu, trái phiếu trên GDP thấp hơn tổng giá trị tín dụng ngân hàng.
Điều này cho thấy quy mô đóng góp của TTCK vào tài trợ vốn cho nền kinh tế còn hạn chế. Để TTCK trở thành kênh cung ứng vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế cần minh bạch hóa thị trường, cải thiện trong công tác quản lý, trong đó có cả thị trường phái sinh.
Linh Đan