Theo thông tin mới nhất từ UBCKNN, ngày 4/7 tới, sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ sẽ chính thức được giao dịch sau nhiều lần lỗi hẹn.
Sản phẩm này được các nhà đầu tư mong chờ đã lâu. Tại thời điểm chuẩn bị cho việc ra mắt thị trường chứng khoán phái sinh trước tháng 8/2017, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch triển khai cả hai sản phẩm là hợp đồng tương lai chỉ số VN30 và hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm.
Những kỷ lục mới
Theo thống kê của Sở GDCK Hà Nội (HNX) trong tháng 5, thị trường phái sinh có một mã sản phẩm là VN30F1902 đáo hạn ngày 16/5/2019 và HNX đã niêm yết bổ sung sản phẩm thay thế là VN30F1912 vào ngày 17/5/2019. Tại thời điểm cuối tháng 5 có 4 mã hợp đồng được giao dịch là VN30F1906, VN30F1907, VN30F1909, và VN30F1912.
Đặc biệt, khi chỉ số VN30 Index tiếp tục giảm điểm do tâm lý lo ngại của nhà đầu tư liên quan tới cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh lại tăng so với tháng 4, khối lượng giao dịch bình quân tăng 4,88%, đạt 84.672 hợp đồng/phiên.
Phiên giao dịch ngày 13/5 có khối lượng giao dịch thấp nhất trong tháng, cũng là mức thấp nhất từ đầu năm đến nay, đạt 52.355 hợp đồng, trong khi phiên giao dịch ngày 7/5 có khối lượng giao dịch cao nhất tháng, đạt 109.740 hợp đồng.
Bên cạnh đó, khối lượng mở (OI) toàn thị trường cũng gia tăng đột biến trong tháng 5 vừa qua. Tính đến cuối ngày 31/5/2019, khối lượng OI của toàn thị trường đạt 32.823 hợp đồng, tăng 54,34% so với tháng trước, trong đó, phiên giao dịch ngày 23/5/2019 có khối lượng mở OI đạt 39.854 hợp đồng, mức cao nhất từ khi khai trương thị trường đến nay.
OI trên thị trường phái sinh được hiểu là khối lượng hợp đồng đang còn lưu hành tại một thời điểm, chưa được thanh lý hoặc chưa được tất toán.
Không chỉ tăng về khối lượng giao dịch, số lượng tài khoản trên thị trường phái sinh cũng tăng mạnh, đạt 72.956 tài khoản vào cuối tháng 5, tăng hơn 4% so với tháng trước. Hoạt động giao dịch vẫn tập trung chủ yếu ở các nhà đầu tư cá nhân trong nước nhưng đã có sự dịch chuyển nhẹ, chỉ còn 91,9%.
Sự tham gia của nhà đầu tư tổ chức trong nước vẫn rất khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 0,28% khối lượng giao dịch toàn thị trường. Hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán tăng gấp đôi so với tháng 4, chiếm 2,18% khối lượng giao dịch toàn thị trường.
Khối lượng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 5 tăng nhẹ so với tháng 4, đạt 2.081 hợp đồng, chiếm 0,06% khối lượng giao dịch toàn thị trường. Tổ chức nước ngoài cũng bắt đầu giao dịch nhiều hơn trên thị trường chứng khoán phái sinh, với 992 hợp đồng được giao dịch, gấp 5 lần so với tháng 4.
Nhà đầu tư tổ chức là nút thắt quan trọng trên thị trường phái sinh |
Sản phẩm mới có tạo kỳ tích?
Sau hơn một năm rưỡi chính thức đi vào hoạt động, thị trường chứng khoán phái sinh đã phát huy hiệu quả 3 vai trò chính là phòng ngừa rủi ro, là công cụ đầu tư kiếm lời trong ngắn hạn và bình ổn, điều tiết thị trường cơ sở.
Tuy nhiên, điểm trừ làm giảm sức hấp dẫn của thị trường phái sinh trong suốt thời gian qua là không cho nhà đầu tư sự lựa chọn bởi chỉ có duy nhất một sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN30.
Trong khi đó, chỉ số này luôn phải đối mặt với những mối nghi ngờ về rủi ro bị "bóp méo", do lượng cổ phiếu trong rổ ít, có những cổ phiếu thanh khoản thấp.
Theo đó, hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ được coi là một công cụ phòng ngừa rủi ro về lãi suất, giúp đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường chứng khoán phái sinh.
Hợp đồng tương lai mới này chọn tài sản cơ sở là trái phiếu giả định kỳ hạn 5 năm lãi suất danh nghĩa 5%/năm, trả lãi định kỳ 12 tháng/ lần, trả gốc một lần khi đáo hạn và mệnh giá 100.000 đồng.
Trong tương lai, khi thị trường phát triển đến mức độ nhất định, các sản phẩm phái sinh sẽ còn đa dạng hơn, như phái sinh trên các chỉ số khác, trên cổ phiếu, quyền chọn…
Thời gian qua, với hấp lực và tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, nhiều công ty chứng khoán đã tung các chương trình ưu đãi phí giao dịch phái sinh và hướng đến giảm lãi suất vay ký quỹ (margin) để thu hút tối đa sự chú ý của các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, do bán khống chưa được phép trên thị trường cơ sở, tỷ lệ đòn bẩy lại cao nên chứng khoán phái sinh trở thành thỏi nam châm hút các nhà đầu tư cá nhân ngắn hạn tìm đến chủ yếu để đầu cơ thay vì một kênh phòng ngừa rủi ro.
Đây cũng là điểm đặc trưng của phái sinh tại hầu hết quốc gia trên thế giới và rủi ro "bốc hơi" tài sản chỉ trong một phiên giao dịch cũng không hiếm gặp.
Từ thực tế nói trên, nhiều chuyên gia cho rằng, để triển khai có hiệu quả bất cứ sản phẩm phái sinh nào, cũng cần phải giải được bài toán "hóc búa" là phát triển nhóm nhà đầu tư tổ chức.
Nếu nút thắt này không sớm có giải pháp tháo gỡ thì mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán phái sinh thành một kênh phòng vệ sẽ khó có thể thành hiện thực trong bối cảnh các nhà đầu tư cá nhân với khẩu vị ưa mạo hiểm, ngắn hạn đang chiếm áp đảo.
Linh Đan