Cổ đông của CTCP Dầu khí Đông Đô (PVC Đông Đô – mã: PFL) vừa nhận được thông báo về việc lùi ngày trả cổ tức thêm một năm nữa đến ngày 29/6/2020. Đây là lần thứ 10, PVC Đông Đô “khất” việc thanh toán cổ tức năm 2010.
Như vậy, cổ đông của công ty sẽ phải chờ tròn 10 năm để nhận số cổ tức này, chưa kể khả năng tiếp tục “delay” là có thể xảy ra.
Cổ đông mòn mỏi
Năm 2010, PVC Đông Đô ghi nhận gần 153 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, trong đó lợi nhuận chia cho các đối tác theo hợp đồng ủy thác đầu tư là 71,8 tỷ đồng, còn lại 80,9 tỷ đồng là lợi nhuận của công ty. ĐHCĐ thường niên năm 2011, các cổ đông đã thông qua mức chi trả cổ tức năm 2010 bằng tiền mặt tỷ lệ 11%.
Công ty đã tiến hành chi trả cổ tức đợt một năm 2010 với tỷ lệ 5%, đợt 2 với tỷ lệ 6% đã được hẹn đến năm 2020 như vừa thông báo. Danh sách cổ đông nhận cổ tức đã được chốt vào ngày 9/1/2012.
Không những liên tục lùi ngày trả cổ tức, mà sau 3 năm kinh doanh thua lỗ liên tiếp (2012-2013- 2014), PVC Đông Đô đã bị hủy niêm yết bắt buộc trên HNX từ 24/4/2015. Sau đó hơn một tháng, công ty đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM và đến nay, giá cổ phiếu PFL đang rơi vào vùng đáy với mức 800 đồng/cp.
Một trong những kỷ lục về số lần hoãn và thời gian chi trả cổ tức kéo dài phải kể đến CTCP Sông Đà 9.06 (mã: S96) với việc hoãn thời gian trả cổ tức bằng tiền năm 2010 tới 31/12/2021 thay vì chi trả vào ngày 31/12/2018 như thông báo trước đó, đánh dấu lần thay đổi thứ 9 về thời hạn trả cổ tức.
Trong khi dó, danh sách cổ đông nhận cổ tức đã được chốt vào ngày 1/7/2011 với tỷ lệ thanh toán 20% bằng tiền mặt. Cổ phiếu S96 đã bị hủy niêm yết trên HNX và đang giao dịch trên UPCoM với giá 400 đồng/ cp nhưng hầu như không có thanh khoản.
Một cổ phiếu họ Sông Đà khác cũng có kỷ lục kéo dài thời gian chi trả cổ tức là CTCP Simco Sông Đà (mã: SDA) mới đây thông báo phải đến 14/12/2021 mới trả cổ tức năm 2011 và năm 2013.
Tương tự, CTCP Khoáng sản Á Cường (mã: ACM) cũng vừa thông báo thay đổi lần thứ 7 về việc lùi thời gian trả cổ tức đợt 1/2015 cho cổ đông. Theo thông báo trước đó, ngày 28/6/2019, cổ đông của Á Cường sẽ nhận được số cổ tức bằng tiền tỷ lệ 2,5%, danh sách cổ đông đã được chốt ngày 20/6 và “hứa” thanh toán vào ngày 30/6/2021.
Trước đó, CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Sông Đà (Sudico) cũng đã có 4 lần xin “khất” cổ tức năm 2016, 2017 và theo công bố mới nhất, Sudico dự kiến sẽ chi trả vào ngày 30/9/2019 với tỷ lệ 10% bằng tiền mặt.
Các công ty lùi ngày cổ tức còn có thể kể đến như CTCP Đầu tư xây dựng và công nghệ Tiến Trung (mã: TTZ) lùi ngày chi trả cổ tức 2016 từ 31/12/2018 như thông báo trước đó đến ngày 31/12/2019.
Đáng chú ý, hầu hết những đơn vị chậm, hoãn thời gian chi trả cổ tức đều là các doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền và đều đã thực hiện chốt danh sách cổ đông.
Lý do chung mà các doanh nghiệp đưa ra đều là đến từ việc thu hồi vốn, công nợ và thoái vốn tại các dự án của công ty chưa được theo kế hoạch đề ra… nên công ty chưa cân đối đủ nguồn tiền để thanh toán.
Chậm trả cổ tức khiến cổ đông nghi ngờ về khả năng hoạt động của doanh nghiệp |
Thiệt hại nhãn tiền
Thực tế, trong những mùa ĐHĐCĐ thường niên, không chỉ cổ đông mà các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán phần lớn đều muốn được chia cổ tức bằng tiền. Ngoài giải quyết được tâm lý của cổ đông, cổ tức tiền mặt cũng là một thước đo cho sự an toàn của doanh nghiệp trong mắt các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, từ những diễn biến thực tế trên, một chuyên gia chứng khoán cho rằng khi công ty đã báo cáo lợi nhuận và kế hoạch chia cổ tức cho các cổ đông nhưng cuối cùng lại xin nợ thì giống như cho cổ đông ăn “bánh vẽ”.
Nhà đầu tư sẽ thiệt hại không nhỏ với sự chậm trễ này, ít nhất là bằng khoản tiền lãi thu được khi gửi tiền được chia vào ngân hàng. Chậm nhận cổ tức còn đồng nghĩa với việc nhà đầu tư đã mất đi cơ hội tái đầu tư vào một kênh khác.
Nhà đầu tư sẽ phải chịu thiệt hại kép nếu doanh nghiệp hủy chốt danh sách cổ đông và tiến hành chốt lại bởi thị giá cổ phiếu đã được điều chỉnh ngay sau khi danh sách cổ đông được chốt, nếu tiến hành chốt danh sách lại thì giá cổ phiếu sẽ tiếp tục bị điều chỉnh thêm lần nữa.
Ngoài ra, việc lùi thời hạn thanh toán ra xa thời gian chốt cổ tức của doanh nghiệp ít nhiều khiến cổ đông hoài nghi về khả năng quản trị của các doanh nghiệp.
Lãnh đạo Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam cho rằng nhà đầu tư hoàn toàn có thể khởi kiện doanh nghiệp trì hoãn quá lâu việc chi trả cổ tức, bởi cổ tức có thể được xem là một khoản nợ phải trả.
Cổ đông có thể thông cảm khi doanh nghiệp gặp khó khăn trong ngắn hạn và lùi ngày trả cổ tức 1 – 2 lần. Nhưng nếu cứ hứa quá nhiều lần từ năm này qua năm khác thì có thể cho rằng đó là hành vi cố tình.
Thực tế, có quá nhiều trường hợp doanh nghiệp thông báo chia cổ tức cao để đẩy giá cổ phiếu tăng lên nhằm thu lợi cá nhân, ảnh hưởng xấu đến tính minh bạch của thị trường chứng khoán.
Do đó, bài toán đảm bảo, cân bằng quyền lợi cho cổ đông sẽ là bài toán khó giải không kém gì bài toán kinh doanh đối với các lãnh đạo doanh nghiệp. Có nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan chức năng cũng cần có chế tài mạnh tay nhằm củng cố niềm tin của những người kinh doanh cổ phiếu.
Linh Đan