Theo chia sẻ của chị Minh Khuê, một nhà đầu tư nhỏ lẻ, mùa cổ tức là lúc chị có hứng thú với đầu tư nhất. Tâm lý của các nhà đầu tư chờ cổ tức, đặc biệt là cổ tức tiền mặt như chị Khuê là soi kế hoạch trả cổ tức của doanh nghiệp, đón đầu thông tin để mua vào và chờ ngày chốt lãi ngay sau khi được chốt quyền nhận cổ tức.
Hiện đã có nhiều doanh nghiệp công bố thông tin về việc trả cổ tức bằng tiền mặt lớn hơn mong đợi rất nhiều. Mới đây nhất là Tổng công ty Việt Thắng – CTCP (mã: TVT) vừa thực hiện chốt quyền trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2018 với tỷ lệ 100% (1 cổ phiếu nhận được 10.000 đồng).
Cổ tức tiền mặt vẫn… tức
Trên thị trường chứng khoán, hầu hết các nhà đầu tư cá nhân không phải là cổ đông chiến lược của doanh nghiệp thì việc được nhận cổ tức không chỉ mang lại ý nghĩa về mặt lợi nhuận tài chính đơn thuần, mà còn là một sự cam kết của doanh nghiệp đối với quyền lợi của các cổ đông nhỏ, vốn cũng là những chủ sở hữu.
Theo anh Minh Đức, một nhà đầu tư nhỏ lẻ, anh thường xuyên online tìm thông tin cổ tức từ doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp trả cổ tức tiền mặt để đón đầu thông tin mua cổ phiếu. Không chỉ anh Đức, chị Khuê mà nhiều nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán cũng có tâm lý tương tự.
Thậm chí, có những nhà đầu tư không cần đón đầu mà sau khi tin tức được công bố mới mua vào cổ phiếu, có trường hợp chỉ mua vào trước ngày chốt quyền để chờ “ăn cổ tức” rồi bán ra.
Chiến lược rõ ràng là vậy. Nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng hiểu hết về khoản cổ tức tiền mặt được nhận. Nhiều người cho rằng chỉ khi chốt quyền nhận cổ tức xong là bán ra thì đương nhiên sẽ được lãi khoản cổ tức được chia theo lượng cổ phiếu nắm giữ.
Tuy nhiên, đây chính là một trong những hiểu lầm nghiêm trọng của các nhà đầu tư đối với khoản lợi tức mà doanh nghiệp “tri ân” cổ đông.
Thực tế, cả cổ tức tiền mặt và cổ phiếu đều khiến giá cổ phiếu bị giảm trừ tương đương với tỷ lệ cổ tức được chia vào ngày chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức.
Có thể ví dụ như CTCP Chứng khoán SHS mới đây vừa chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15% trên mệnh giá, tương đương một cổ phiếu sẽ nhận được 1.500 đồng cổ tức. Trước đó, cổ phiếu SHS đang giao dịch tại mức giá 11.700 đồng/cp đã điều chỉnh giảm về 10.200 đồng/cp.
Nếu nhà đầu tư nắm giữ 10.000 cổ phiếu với giá vốn là 11.700 đồng/cp, tương đương số tiền phải bỏ ra là 117 triệu đồng và được nhận 15 triệu đồng tiền cổ tức. Nếu nhà đầu tư bán ra sau phiên giao dịch không hưởng quyền tại mức giá 10.400 đồng/ cp (khi SHS tăng giá) thì nhà đầu tư chỉ được lãi 2 triệu đồng chứ không bao gồm 15 triệu đồng cổ tức đã được nhận.
Đã có nhà đầu tư bức xúc cho rằng “cổ tức tiền mặt không khác gì cổ tức cổ phiếu, cả hai đều bị trừ giá thị trường, thậm chí khoản cổ tức tiền mặt còn phải chịu thuế thu nhập cá nhân 5%. Vậy tiền của nhà đầu tư đi đâu, như thế ai gọi là chia cổ tức?”.
Cũng theo nhà đầu tư trên, bản chất của việc mua vào cổ phiếu của nhà đầu tư nhỏ lẻ rõ ràng không vì mục đích mong đợi hưởng lợi từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà chính là trông chờ giá cổ phiếu lên cao.
Không phải nhà đầu tư nào cũng hiểu hết về cổ tức tiền mặt |
Hiểu sao cho đúng?
Theo một chuyên gia chứng khoán, việc chia cổ tức bằng tiền mặt dù giá thị trường bị trừ đi, song nếu những nhà đầu tư dài hạn am hiểu về triển vọng và khả năng duy trì tỷ suất ROE của doanh nghiệp thì họ sẽ mua vào cổ phiếu, dẫn đến giá thị trường sẽ tăng lên thêm tương ứng trong tương lai.
Trong khi cổ tức bằng cổ phiếu không khác gì nghiệp vụ chia tách và doanh nghiệp không phải chi tiền, hay nói cách khác là “in giấy, thu tiền”.
Mặc dù vậy, cổ tức tiền mặt làm giảm vốn hóa công ty (do một phần lợi ích kinh tế đã được chuyển giao cho cổ đông) trong khi cổ tức bằng cổ phiếu không thay đổi vốn hóa công ty.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng việc giảm trừ cổ tức vào thị giá cổ phiếu cũng là một cách để doanh nghiệp tránh tình trạng nhà đầu tư ồ ạt bán sau khi nhận cổ tức khiến giá cổ phiếu lao dốc.
Đặc biệt, để đảm bảo nguyên tắc giá trị tài sản qua đêm của nhà đầu tư không thay đổi thì giá cổ phiếu phải được điều chỉnh.
Thông thường, những doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt đều là những doanh nghiệp có đà tăng trưởng tốt, dòng tiền ổn định phù hợp với nắm giữ dài hạn.
“Bạn cứ mua và nắm giữ cổ phiếu đó đủ 10 năm và nhận đủ cổ tức 10%/năm, bạn sẽ hoàn vốn và sau 10 năm đó bạn nhìn lại thị giá của cổ phiếu mình đã mua bạn sẽ thấy tiền ở đâu”, một môi giới chứng khoán chia sẻ.
Cổ phiếu TDC của CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương là một ví dụ điển hình cho chiến lược này bởi từ năm 2012 tới nay, doanh nghiệp đều đặn trả cổ tức tiền mặt hơn 10% và từ đó tới nay, thị giá cổ phiếu này vẫn duy trì quanh vùng giá 10.000 đồng/cp.
Song, ở thời đại tăng trưởng như hiện nay, các cá nhân ngày càng quan trọng việc tăng giá cổ phiếu nhờ lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng hơn là thu nhập vỏn vẹn từ cổ tức.
Nhiều người nhấn mạnh việc những doanh nghiệp sinh lời ROIC cao hơn 30% đều đặn trong nhiều năm như Vinamilk (VNM). Hòa Phát (HPG), MWG (Thế giới di động), Vàng bạc Phú Nhuận (PNJ)…thì nên giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư thay vì chi trả cổ tức.
Linh Đan