Chuyên gia của TVSI cho rằng cần khoảng 5 năm để chứng khoán phái sinh thực sự sôi động |
Cũng theo ông Cường, tại Việt Nam trong giai đoạn đầu phát triển, thị trường chứng khoán phái sinh chưa hấp dẫn nhiều nhà đầu tư tổ chức bởi các lý do cơ bản như: quy mô thị trường hiện tại chưa đủ lớn; nhà đầu tư tổ chức cần nhiều thời gian hơn để hoàn thiện thủ tục pháp lý cũng như thành lập các quỹ đầu tư riêng về phái sinh.
Thực tế cho thấy, tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư tổ chức tăng lên rõ rệt từ quý II/2019 đến nay, nhưng nhà đầu tư cá nhân hiện vẫn chiếm tỷ trọng trên 90%, trong khi nhà đầu tư tổ chức, tự doanh của công ty chứng khoán và nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm gần 10%.
Chính thức đi vào hoạt động từ ngày 10/8/2017, thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận và thể hiện được vai trò là công cụ phòng ngừa rủi ro hiệu quả cũng như công cụ đầu tư hấp dẫn, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh hiện đạt khoảng 80.000 tài khoản, gần gấp đôi kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, khối lượng giao dịch bình quân tăng thấp hơn. Lý giải về điều này, ông Cường cho biết, giống như thị trường chứng khoán cơ sở, khối lượng giao dịch bình quân trên thị trường phái sinh không chỉ phụ thuộc vào số lượng tài khoản, mà còn phụ thuộc vào biến động thị trường chung, cũng như những thay đổi về mặt chính sách.
Chỉ số VN-Index thời gian qua đi ngang có thể là một nguyên nhân khiến bên bán trên thị trường phái sinh chưa thực sự tự tin trong việc tìm kiếm lợi nhuận.
N.L