Sau gần 2 năm triển khai thị trường chứng khoán phái sinh với sản phẩm đầu tiên là Hợp đồng tương lai (HĐTL) chỉ số VN30 đạt được nhiều kết quả tích cực, có phần vượt kỳ vọng của thị trường.
Việc đưa vào giao dịch HĐTL trái phiếu chính phủ (TPCP) vào 4/7 tới là bước cụ thể hóa đề án xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chờ ngày khai mở
Mẫu Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm đã chính thức được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chấp thuận từ ngày 30/7/2018.
Trên cơ sở đó, Sở GDCK Hà Nội (HNX) đã công bố mẫu Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm tới các thành viên thị trường trên website của Sở cũng như tại các chương trình đào tạo về sản phẩm mới.
Theo ông Dương Văn Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), triển khai sản phẩm phái sinh mới là nhằm đa dạng hóa sản phẩm phái sinh, thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư tổ chức, tăng tính hấp dẫn và thanh khoản, hướng tới phát triển thị trường chứng khoán phái sinh an toàn, bền vững.
Cũng theo ông Thanh, các công tác chuẩn bị của thị trường để sản phẩm HĐTL TPCP đi vào giao dịch đã được hoàn tất. Cơ quan quản lý đã ban hành hệ thống chính sách pháp lý đồng bộ, hạ tầng kỹ thuật của thị trường được đầu tư hoàn chỉnh.
Trước đó, lãnh đạo của HNX cho biết, trong vòng 5 năm trở lại đây, thị trường TPCP có tốc độ tăng trưởng trung bình 15%/năm. Thanh khoản thị trường tính theo giá trị giao dịch bình quân phiên tăng 48%/năm, đạt 10.000 tỷ đồng trong năm 2018.
Trong số các kỳ hạn TPCP thì kỳ hạn 5 năm là kỳ hạn trái phiếu được phát hành với tỷ trọng lớn và thanh khoản tương đối tốt trên thị trường giao ngay.
Do đó, khi đưa sản phẩm hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 5 năm vào giao dịch, thị trường vốn chắc chắn sẽ có thêm một kênh đầu tư mới đáp ứng nhu cầu phòng vệ rủi ro cho cả bên bán và bên mua.
Hiện nay, đối với các nhà đầu tư nắm giữ khối lượng lớn TPCP như các NHTM, việc giá trị trái phiếu biến động 1-2% cũng gây ảnh hưởng lớn đến giá trị danh mục đầu tư của các ngân hàng. Nếu được linh hoạt chọn bán hoặc mua hợp đồng tương lai, các ngân hàng sẽ có nhiều cơ hội để cân bằng tài chính và giảm thiểu các tác động thị trường.
HĐTL TPCP có cơ chế giao dịch giống với HĐTL chỉ số VN30, trước khi đáo hạn, tại bất kỳ thời điểm nào trong phiên giao dịch, nhà đầu tư có thể mở và đóng vị thế nhằm hưởng chênh lệch giá (lỗ, lãi vị thế) hoặc mở vị thế và xác định lỗ, lãi vị thế dựa theo giá thanh toán cuối ngày do VSD xác định.
Vừa qua, thị trường chứng khoán cũng đón một sản phẩm mới là chứng quyền có bảo đảm với 10 mã chứng quyền đầu tiên, tổng khối lượng niêm yết đạt 21,9 triệu chứng quyền đã thu hút được nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư.
Về HĐTL TPCP, do đây là một sản phẩm phái sinh nên có sự thu hút đối với các nhà đầu tư chưa cao.
Ngoài ra, nhiều người vẫn còn băn khoăn về sản phẩm mới này bởi hiện nay mới có 7 ngân hàng thương mại được cấp phép tham gia thị trường chứng khoán phái sinh; do đó nhà đầu tư chủ lực giao dịch sản phẩm HĐTL TPCP có thể là các ngân hàng.
Một sản phẩm mới đưa ra thị trường sẽ không dễ được hấp thụ tốt một cách nhanh chóng |
Cân đo lực cầu
Với khẩu vị đầu tư tương tự nhau, việc chủ yếu các ngân hàng giao dịch với nhau được nhìn nhận sẽ khó đảm bảo tính đa dạng trong hoạt động của thị trường, nhiều khả năng chỉ diễn ra một chiều.
Đó là khi lãi suất tăng thì ngân hàng nào cũng muốn mua vào HĐTL TPCP để phòng vệ rủi ro cho danh mục đầu tư TPCP mà họ đang nắm giữ (hiện giá trị danh mục TPCP mà khối ngân hàng thương mại sở hữu vào khoảng 800.000 – 900.000 tỷ đồng). Vậy ai bán ra để họ mua?
Đặc biệt, các giao dịch này sẽ ở quy mô khá lớn và có tính dài hạn hơn so với giao dịch để tìm kiếm lợi nhuận trong ngày nên có nhiều ý kiến cho rằng tình hình giao dịch của sản phẩm HĐTL TPCP sẽ chưa được sôi động như HĐTL chỉ số VN30.
Mặt khác, trên thị trường cơ sở, hiện nhà đầu tư ngoại nắm giữ lượng TPCP không đáng kể, nên cũng khó phát sinh nhu cầu giao dịch HĐTL TPCP để phòng vệ.
Tuy nhiên, hiện các ngân hàng đang trong tâm thế sẵn sàng tham gia ngay khi HĐTL TPCP được đưa vào giao dịch. “Vạn sự khởi đầu nan, chúng ta không thể kỳ vọng mọi thứ đều thuận lợi khi triển khai sản phẩm mới này”, vị này cho biết.
Đồng quan điểm, Giám đốc một công ty chứng khoán cho biết một sản phẩm mới đưa ra thị trường sẽ không dễ được hấp thụ tốt một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, điều quan trọng là sau khi sản phẩm được đưa vào giao dịch, các cơ quan quản lý và tổ chức vận hành thị trường liên tục cải tiến sản phẩm, cũng như cách thức giao dịch.
Mặt khác, một chuyên gia đến từ Nhật Bản cho rằng thay vì chỉ nhấn mạnh khuyến khích giao dịch chứng khoán phái sinh để phòng ngừa rủi ro, cơ quan quản lý tại Việt Nam nên tạo hành lang pháp lý để cho phép các quỹ đầu tư được rót vốn vào thị trường chứng khoán phái sinh, đồng thời tạo cơ chế khuyến khích các công ty chứng khoán nắm giữ lượng lớn TPCP để đa dạng hóa khẩu vị quản trị tài chính, quản trị rủi ro và tạo thanh khoản sôi động trên thị trường.
Linh Đan