Trong 3 phiên giao dịch 14, 15 và 16/8 vừa qua, chỉ số VN30 liên tiếp biến động mạnh với biên độ lớn. Đặc biệt là phiên 15/8 kết thúc tăng hơn 10 điểm trong khi đầu phiên còn giảm 12,58 điểm – khiến mức biến động trong phiên lên đến gần 23 điểm.
Đáng chú ý, đây lại là phiên giao dịch cuối cùng đến ngày đáo hạn của hợp đồng tương lai VN30F1908, nên không ít nhà đầu tư nắm giữ vị thế mua (long) trên sàn phái sinh “bất ngờ” lãi lớn.
Cơ sở để nghi ngờ
Việc VN30 dao động với biên độ lớn trong phiên đáo hạn hợp đồng tương lai VN301908 khiến nhiều nhà đầu tư một lần nữa đặt nghi vấn về việc có thể có một dòng tiền lớn đang “lái” chỉ số, nhất là thời điểm cuối phiên.
Một nhà đầu tư mở vị thế mua hợp đồng VN301908 ở cuối phiên 14/8 có thể đạt mức lợi nhuận khoảng 1,3 triệu đồng/hợp đồng, trong khi vốn đầu tư khoảng 17- 18 triệu đồng/hợp đồng. Thậm chí, nếu các nhà đầu tư mở vị thế mua trong phiên sáng 15/8 – thời điểm chỉ số VN30 đang giảm tới hơn 12 điểm, còn ghi nhận mức lãi gấp đôi.
Nhận định của một số nhà đầu tư tại phiên giao dịch ngày 15/8 cho rằng có một dòng tiền lớn đã “đánh lên” chỉ số VN30 trên thị trường cơ sở để kiếm lời trên sàn phái sinh. Bởi những phiên trước đó, VN30 chỉ đi ngang với mức biến động từ 5-7 điểm/phiên.
Thống kê mức biến động của VN30 trong các phiên đáo hạn hợp đồng tương lai từ đầu năm đến nay cho thấy hầu hết đều có mức chênh lệch về chỉ số trong phiên lớn hơn 1%, chủ yếu được xác lập vào thời điểm cuối phiên.
Tham khảo ý kiến của các chuyên gia về nghi vấn của các nhà đầu tư trong thời gian qua được biết hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu cũng có thể được xem như một cổ phiếu, nên yếu tố “làm giá” là có khả năng xảy ra.
Chỉ số VN30 được chi phối bởi các cổ phiếu vốn hóa lớn như bộ 3 cổ phiếu “họ Vin”. Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng lớn nhất đến chỉ số phải kể đến SAB (Sabeco) có biên độ giao dịch không lớn và thường xuyên đứng ở vùng rủi ro. Do đó, nếu muốn “lái” chỉ số VN30 chỉ cần tập trung tác động vào các cổ phiếu này.
Còn nhớ, phiên giao dịch ngày 18/4 là ngày đáo hạn hợp đồng tương lai VN30F1M. Trong suốt phiên giao dịch, diễn biến của VN30F1M khá giằng co thể hiện tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư.
Đến phiên ATC, chỉ chưa đầy 15 phút, SAB bất ngờ lao dốc giảm 6,4%, tương đương 15.800 đồng, trong khi duy trì mức tham chiếu gần hết phiên khiến chỉ số VN30 giảm gần 1%, giúp phe nắm giữ vị thế bán (short) thu được lãi lớn khi chỉ số hợp đồng phái sinh VN30F1 giảm 6 điểm.
Nhà đầu tư nắm vị thế mua (long) bức xúc cho rằng khối lượng giao dịch của SAB quá nhỏ, trong khi tỷ trọng để tính trong các rổ chỉ số quá lớn. Lượng giao dịch cả phiên chỉ hơn 40.000 cổ phiếu, cuối phiên xả hơn 20.000 cổ phiếu kéo thị trường giảm “thảm hại”.
Đây không phải là lần đầu tiên có nghi ngờ về “đội lái” trên thị trường phái sinh, bởi các thị trường chứng khoán non trẻ rất dễ xuất hiện các nhóm đầu tư thao túng, trong khi thị trường phái sinh Việt Nam mới chính thức được giao dịch hơn 2 năm.
Để hạn chế hành vi “làm giá” các cổ phiếu trong VN30 cần có tính thanh khoản cao |
Không để thị trường “nghèo nàn”
Có một thực tế là khó có chuyện VN30 giảm mạnh mà hợp đồng tương lai giảm mạnh hoặc ngược lại. Điều này đồng nghĩa với việc nếu thị trường giảm thì phe “short” có lợi, còn thị trường tăng thì phe “long” có lợi trên thị trường phái sinh.
Tuy nhiên, một nhà đầu tư bình thường không thể đoán định được điều này, nên rất dễ nghi ngờ rằng có đội lái để làm cho thị trường tăng giảm nhằm có lợi cho mình.
Theo các chuyên gia, mấu chốt không phải là thị trường phái sinh mà là thành phần của các cổ phiếu trong rổ VN30. Từ câu chuyện của cổ phiếu SAB nói trên hoàn toàn có thể nhận thấy thực tế này.
Lý do là bởi nhóm này nắm nguồn lực về tài chính và dễ dàng thao túng việc tăng hay giảm của các mã cổ phiếu trong rổ có ảnh hưởng chỉ số Vn-Index và VN30.
Vì vậy, để làm giảm lo ngại “làm giá” trên thị trường phái sinh cũng như cơ sở, rổ chỉ số VN30 cần được thay đổi theo hướng có thêm nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn với tính thanh khoản cao tham gia để giảm sự ảnh hưởng của một vài cổ phiếu như hiện nay, đồng thời giúp VN30 vững vàng hơn.
Ngoài ra, trong một chia sẻ với báo chí, ông Phạm Tuyến, Giám đốc Môi giới của công ty chứng khoán KIS Việt Nam, cho biết sản phẩm của thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam hiện nay quá đơn điệu. Dù có thêm sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ nhưng giao dịch chủ yếu tập trung tại hợp đồng tương lai chỉ số VN30.
Do đó, thị trường cần thiết phải xây dựng sản phẩm phái sinh có tính linh hoạt, dựa trên rổ cổ phiếu lớn từ thị trường cơ sở, đồng thời cần tăng tỷ lệ ký quỹ khi giao dịch sản phẩm này, nhằm tránh những rủi ro cũng như tác động xấu.
Bên cạnh đó, các cơ quan thanh tra giám sát thị trường cũng như các Sở giao dịch chứng khoán cần tăng cường hơn nữa chức năng nhiệm vụ của mình để tìm kiếm những sai phạm trên thị trường. Ngoài ra, quá trình thoái vốn doanh nghiệp nhà nước phải tiếp tục được đẩy mạnh, cùng với đó Chính phủ cân nhắc, xem xét cho phép nhà đầu tư nước ngoài được gia tăng tỷ lệ sở hữu đối với một số nhóm cổ phiếu trên thị trường.
Linh Đan