Theo kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn 2017 – 2020 phải cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhưng tới nay mới thực hiện được 36 DN. Điều này đồng nghĩa với việc còn tới 92 DN sẽ phải thực hiện CPH trong năm nay.
Về thoái vốn, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch yêu cầu giai đoạn 2017 – 2020 phải thực hiện thoái khoảng 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại các DN. Song thực tế từ năm 2017 – 2019 mới thoái vốn nhà nước tại 92 đơn vị với giá trị 4.704 tỷ đồng, thu về 8.964 tỷ đồng, tương đương 7% kế hoạch.
Tín hiệu đầu năm
Mới đây, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã có những động thái đầu tiên cho năm 2020 khi liên tiếp đấu giá cổ phần sở hữu tại một số DN.
Cụ thể, ngày 14/1 vừa qua, tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), SCIC đã bán đấu giá toàn bộ số cổ phần sở hữu tại Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Thủy lợi Việt Nam – CTCP (HEC Corp, mã: HEJ).
Số lượng cổ phần chào bán là 2,156 triệu cổ phiếu, tương đương 49% vốn điều lệ tại HEC Corp với mức giá khởi điểm 26.700 đồng/cp. Kết quả là SCIC đã bán hết toàn bộ số cổ phiếu đăng ký cho 1 nhà đầu tư (NĐT) cá nhân với giá đấu thành công 86.100 đồng/cp, cao gấp 3,2 lần mức giá khởi điểm.
“Thừa thắng, xông lên”, SCIC tiếp tục đăng ký đấu giá công khai cả lô 45 triệu cổ phiếu HND, tương đương 9% vốn điều lệ của CTCP Nhiệt điện Hải Phòng mà đơn vị này sở hữu với mức giá khởi điểm không thấp hơn 26.000 đồng/cp. Số tiền dự kiến thu về sau thoái vốn là 1.170 tỷ đồng, thời gian đăng ký đấu giá và tổ chức đấu giá dự kiến diễn ra trong quý I/2020.
Thực tế, CPH, thoái vốn là giải pháp quan trọng trong sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại DNNN, nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN. Hầu hết các DNNN sau CPH đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên.
Theo Chứng khoán Yuanta Việt Nam, việc thoái vốn và CPH chậm chạp không chỉ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, sự phát triển của các DN mà cũng ảnh hưởng chung tới thị trường chứng khoán (TTCK).
Nếu lượng lớn các DNNN hoàn thiện CPH thì sẽ góp phần tăng trưởng quy mô TTCK (theo quy định sau 1 năm CPH, các DN này phải niêm yết trên sàn UPCoM).
Trong danh sách các DN cần CPH theo chủ trương của Chính phủ có một số công ty, tổng công ty và tập đoàn lớn. Vừa qua, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN đề xuất thoái 15% vốn tại Vietnam Airlines (mã: HVN) trong giai đoạn 2019 - 2020, đồng thời thực hiện tăng vốn trong giai đoạn 2019 - 2025 để giảm tỷ lệ vốn nhà nước xuống 51%.
Ngoài ra, một vài công ty lớn CPH các năm trước như Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã:BSR), PVOIL (mã: OIL) và PVPower (mã: POW) cũng có thể tiếp tục thoái vốn trong năm 2020. Bên cạnh đó, một số cái tên đáng chú ý khác là Agribank, MobiFone, VNPT…
Khả năng hoàn thành kế hoạch CPH và thoái vốn trong năm 2020 là rất thấp |
Khó hoàn thành
Thực tế, một trong những điều kiện để hoạt động CPH và thoái vốn DNNN thành công là điều kiện phát triển của TTCK. Bởi vậy, đồng hành cùng “sức ỳ” của công tác này trong năm 2019 là những “nốt trầm” của TTCK.
Với nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, TTCK năm 2020 chưa thể khẳng định hoàn toàn lạc quan, song sự quan tâm của Nhà nước để phát triển TTCK, đặc biệt thị trường trái phiếu, là một điều kiện cần và khá tích cực.
Luật Chứng khoán sửa đổi 2019 được Quốc hội thông qua, tuy phải cần một năm nữa mới có hiệu lực nhưng NĐT đặt kỳ vọng về một điểm hội tụ hàng hóa niêm yết có chất lượng, giao dich kỷ luật và công khai, minh bạch.
Ngoài ra, thị trường cũng đang còn để ngỏ cơ hội nâng hạng – được nhận định là một trong những yếu tố để NĐT kỳ vọng về sự tương lai tăng trưởng dài hạn.
Hiện, Bộ Tài chính đang tiến hành sửa đổi các điểm nghẽn trong 2 Nghị định 126/2017/NĐ- CP và 32/2018/NĐ-CP và đã gửi lên Chính phủ. Trong trường hợp tích cực, dự thảo có thể được ban hành và có hiệu lực ngay đầu năm 2020.
Do đó, Yuanta Việt Nam kỳ vọng sau khi 2 Nghị định sửa đổi này được ban hành sẽ tháo gỡ được các bất cập trong vấn đề CPH DNNN đang tồn tại sẽ đẩy nhanh tiến độ hơn so với 2 năm qua.
Trong đó, Nghị định 32 sẽ tháo gỡ nhiều nút thắt trong định giá. Chẳng hạn, lợi thế giá trị lịch sử, văn hoá tạm tính 1% sẽ được loại bỏ; lợi thế quyền sử dụng đất sẽ được tiếp cận sát với Luật Đất đai, giúp định giá DN sát với giá trị thực tế hơn.
Tuy nhiên, với khối lượng rất lớn DN phải CPH và thoái vốn đang dồn sang năm 2020, Yuanta Việt Nam lại đánh giá khả năng hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2017 - 2020 là điều khó có thể xảy ra.
Tương tự, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng kỳ vọng hoạt động thoái vốn và CPH sẽ diễn ra sôi động trong nửa cuối năm 2020, nhưng chỉ có thể diễn ra một vài thương vụ thoái vốn và CPH lớn.
Linh Đan