Đây là chia sẻ của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về vấn đề làm thế nào để tạo động lực tăng trưởng mới cho đất nước trong giai đoạn đại dịch COVID-19 đang hoành hành.
Thưa bà, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến căng thẳng, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần tìm động lực tăng trưởng mới. Bà có chung quan điểm này, cũng như làm thế nào để tìm được động lực mới?
Tôi đồng tình với việc tìm động lực tăng trưởng mới trong giai đoạn tới. Điều này có mấy lý do sau. Giai đoạn tới, Việt Nam mong muốn năm 2030 thoát ra khỏi nước thu nhập trung bình thấp để vươn lên trở thành nước thu nhập trung bình cao, tiền đề 15 năm sau trở thành nước thu nhập cao. Như vậy, đòi hỏi có sự tăng trưởng vượt bậc, có sự nỗ lực lớn, phải có những đầu tàu phát triển vượt trội. Nếu cứ tăng trưởng bình bình, không tạo đột phá thì rất khó để tạo bước ngoặt.
Thứ hai, tăng trưởng bất cứ đâu, nước nào cũng vậy phải có đầu tầu, đất nước chúng ta đã thoát khỏi ngưỡng nghèo nên cần có chiến lược lớn hơn, suy nghĩ lớn hơn.
Thời gian dài, chúng ta theo hướng "cào bằng", thậm chí có những tỉnh có quy mô kinh tế lớn, dân số lớn song vẫn phụ thuộc vào ngân sách, vẫn xin và được hưởng ngân sách. Trong khi nhiều địa phương không phải không có điều kiện, nhưng vẫn ỷ lại vào "bầu sữa chung".
Đơn cử, TP.HCM là đầu tàu, là trung tâm vùng động lực phát triển của kinh tế Việt Nam ai cũng biết và cũng là địa phương có số thu ngân sách lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, ai cũng biết hạ tầng kinh tế kỹ thuật và hạ tầng của TP.HCM hiện đã xuống cấp rất nhanh, không đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ hiện nay cũng như mục tiêu tương lai.
Vai trò của TP.HCM hiện nay cần được nâng lên cao hơn nữa trong nhiệm vụ mới của đất nước. Chính vì vậy, cần nguồn lực lớn để đầu tư vào địa phương này, để TP.HCM đi trước cả nước, dẫn dắt sự phát triển của cả vùng.
Về vấn đề của TP.HCM, mới đây trong buổi làm việc với đoàn đại biểu cấp cao của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, TP đã đề xuất điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP giai đoạn 2022 - 2025 từ 18% lên 23%, bà nghĩ sao về vấn đề này?
Với tôi, tỷ lệ để lại ngân sách 23% số thu cho TP.HCM hiện nay vẫn thấp. Tuy nhiên, điều chỉnh là yêu cầu tất yếu khách quan, nếu TP.HCM không tăng trưởng, tạo đột phá thì cả nước cũng không vượt lên được.
Tôi nghĩ đây là lẽ công bằng trong phát triển, bởi vẫn còn nhiều tỉnh phải dựa vào ngân sách trung ương và số tỉnh, thành phố có nộp vào ngân sách trung ương còn ít hơn so với số tỉnh dựa vào ngân sách. Nếu một đất nước có quá nhiều tỉnh phải dựa vào ngân sách trung ương thì lấy đâu ra được nguồn ngân sách. Chúng ta lấy đâu ra động lực phát triển của các địa phương dám đứng lên, hay là tiếp tục bào mòn các địa phương khác phát triển tốt hơn.
Tất nhiên, TP.HCM sẽ có những tính toán của mình trong phát triển, bản thân thành phố cũng cần tìm cho mình hướng đi, động lực để phát triển riêng. Trong đó, giải quyết những vấn đề lớn như tham nhũng, thất thoát lãng phí lĩnh vực công, môi trường, vấn đề ngập lụt...
Sắp tới, khi TP.HCM được tăng ngân sách để lại, các địa phương khác sẽ phải rút đi, vậy TP.HCM cần phải làm sao tính toán, đầu tư có hiệu quả nhất. Hơn nữa cũng chỉ ra cho các tỉnh thấy được điển hình của sự chủ động, hiệu quả mà TP.HCM đã nắm bắt cơ hội.
Rõ ràng, đã đến lúc cần đánh giá lại hiệu quả của việc chi ngân sách cho các địa phương, về những gì đã thực hiện được, hiệu quả ra sao, thưa bà?
Đúng vậy! Thực tế, nhiều địa phương không quá khó khăn nhưng vẫn bám vào ngân sách, xin ngân sách chứ chưa chủ động được. Lãnh đạo vẫn thăng tiến, các công trình tượng đài vẫn được xây dựng. Chúng ta có cơ chế xin cho nhưng cơ chế tạo sức ép, đánh giá hiệu quả sử dụng dường như chưa thực chất, đi đến cùng nên xin ngân sách coi như một đặc lợi mà tỉnh nào cũng muốn.
Chúng ta cần cương quyết cắt các dự án đầu tư nhưng không có hiệu quả kinh tế. Đất nước đang bước sang giai đoạn mới cần ưu tiên cho phát triển, đừng nhân danh các công trình tượng đài, quảng trường, trụ sở... biểu tượng là văn hóa là lịch sử để tô vẽ đầu tư mà thiếu hiệu quả.
Bên cạnh khuyến khích cho các tỉnh làm tốt thì cần tạo sức ép cho lãnh đạo địa phương phụ thuộc ngân sách, không thể để chuyện phụ thuộc ngân sách mãi như hiện nay được.
Thực ra, sự hỗ trợ chỉ nên thực hiện ở những nơi đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, nơi điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thiên tai, dịch bệnh nặng nề hoặc cho đối tượng khó khăn... Ngân sách hỗ trợ cho dân sinh chứ không phải cho bộ mặt của địa phương.
Từ kinh nghiêm các nước thế giới trong câu chuyện này, bà thấy rằng họ đã tìm động lực tăng trưởng mới như thế nào? Có điều gì để chúng ta học được?
Nước nào cũng vậy, họ đều có trung tâm hay vùng động lực phát triển. Ví dụ như Thượng Hải, Thâm Quyến của Trung Quốc khác xa một trời một vực các tỉnh phía Tây của nước này. Nguyên lý chung, họ đầu tư vào nơi sinh ra hiệu quả kinh tế gấp đôi, gấp 3 thậm chí hàng chục, hàng trăm lần thì vẫn hơn là đầu tư vào nơi bỏ vào được một đồng, lấy ra được 1 đồng, thậm chí 2 đồng thôi.
Mỗi giai đoạn phát triển, chúng ta cần phải tập trung vào những nơi sinh ra hiệu quả để đầu tư, từ đó mới lan tỏa sự phát triển. Chúng ta cào bằng quá nhiều năm, đến nay cơ bản đất nước không còn nghèo như xưa, dân số đa phần đã không còn đói ăn, vậy phải nghĩ nhiệm vụ mới quốc gia là làm giàu, trả lời câu hỏi tập trung tiền vào đâu để làm giàu.
Bên cạnh đó, chính sách cán bộ, tiền lương cũng không thể cào bằng, khiến triệt tiêu động lực, triệt tiêu những cố gắng và khuyến khích những người an phận, địa phương cam chịu khó khăn của tự nhiên.
Xin cảm ơn bà!
Nhật Linh (thực hiện)