Dự báo đó tiếp tục là những rủi ro ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2019 – 2020, bên cạnh các bất ổn kinh tế và chính trị từ bên ngoài.
Tại tọa đàm "Kinh tế Việt Nam 2016-2018 và dự báo tăng trưởng 2019-2020" ngày 12/12, đánh giá về tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế giai đoạn vừa qua, Ts. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và Dự báo (Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – Xã hội Quốc gia), đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế được cải thiện, tuy nhiên động lực tăng trưởng kinh tế vẫn phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đóng góp của năng suất tổng hợp được cải thiện, song hiệu quả sử dụng vốn vẫn còn hạn chế và năng suất lao động chưa được cải thiện nhiều.
Phụ thuộc khối ngoại
Về môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp (DN), số DN đăng ký tăng nhưng cải thiện môi trường kinh doanh chưa đồng đều.
Ts. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển (Bộ KH&ĐT), chia sẻ nền kinh tế Việt Nam đang quá lệ thuộc vào khu vực FDI. Trong khi đó, DN tư nhân trong nước chưa khẳng định được vai trò dẫn dắt.
Nêu quan điểm có người nói rằng "DN tư nhân phá sản là đổ vỡ có tính sáng tạo" nhưng Ts. Lưu Bích Hồ cho rằng không phải như vậy. Thực tế, nhiều DN phá sản là do gặp phải quá nhiều khó khăn: "Nhiều xin – cho, áp đặt, bộ máy trên nóng dưới lạnh thì thử hỏi làm sao DN có thể phát triển?", Ts. Lưu Bích Hồ cho biết.
Bình luận về môi trường kinh doanh, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng trong thời gian qua, Chính phủ xây dựng Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 đều nhằm mục tiêu cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực của kinh tế đất nước. Tuy nhiên, thời gian qua, rõ ràng mục tiêu cao nhất là cắt bỏ hàng loạt điều kiện kinh doanh đã không thực hiện được mà chỉ bỏ được một vài điều kiện.
Điều kiện kinh doanh này được bỏ, điều kiện khác lại được lập ra, từ mục tiêu bãi bỏ phải chuyển sang đơn giản, sửa đổi… "Chúng ta đừng tự lừa dối lẫn nhau trong cắt giảm điều kiện kinh doanh khi mà bối cảnh "trên nóng dưới lạnh" ảnh hưởng lớn đến khả năng thực thi", bà Lan bức xúc.
Đánh giá về "sức khỏe" DN trong nước, bà Lan cho rằng thời gian qua, Việt Nam cũng có nhiều DN nội địa, song chủ yếu là tự thân phát triển hoặc hình thành và phân biệt rạch ròi giữa nhóm DN "đại gia" và nhóm DN nhỏ.
Điều đó dẫn tới nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc chủ yếu vào khu vực FDI, có nghĩa tăng trưởng kinh tế cũng đi liền với rủi ro. Theo bà Lan, khu vực FDI lớn nhưng họ không tập trung hoặc không chú trọng xây dựng mạng lưới, công nghiệp hỗ trợ cho Việt Nam. Lý do là Việt Nam nằm cạnh Trung Quốc – công xưởng của thế giới nên DN FDI dễ dàng mua được các sản phẩm thiết bị hỗ trợ giá rẻ, nếu sản xuất ở Việt Nam cũng không thể cạnh tranh được.
DN tư nhân cần được coi là trụ cột quan trọng để phát triển kinh tế |
Nhiều thách thức
Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, hiện cả Mỹ và Trung Quốc đang công khai xung đột thương mại với nhau nhưng tất cả cũng chỉ đến giới hạn nào đó, bởi họ vẫn là thị trường của nhau. Khi Trung Quốc và Mỹ bắt tay nhau, sẽ có thị trường khác để họ hy sinh và điều đó sẽ là các nước như Việt Nam.
"Cả Mỹ và Trung Quốc đều là thị trường lớn và ảnh hưởng lớn đến kinh tế Việt Nam, tuy nhiên về lâu dài và dễ tác động hơn là kinh tế Trung Quốc. Chúng ta cần xem xét và vạch đường hướng để đối phó với những diễn biến mới", bà Lan nói.
Đánh giá tác động của chiến tranh thương mại với dòng chuyển dịch đầu tư, ông Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Kinh tế thế giới (Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – Xã hội Quốc gia), cho biết hệ quả chiến tranh thương mại đi ngược với dự đoán xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm xuống. Thời điểm tháng 8 năm nay, nhiều người cho rằng đơn hàng từ Trung Quốc sang Mỹ sẽ giảm nhưng cuối tháng 9 – 10/2018, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ vẫn tăng.
Ông Thắng dẫn thông tin từ Hãng tin Bloomberg mới đây cho biết, 1/3 DN tại Trung Quốc dự tính sẽ chuyển khỏi Trung Quốc nhưng không dễ dàng, bởi sức hấp dẫn của thị trường hơn 1 tỷ dân là rất lớn. Hơn nữa, Trung Quốc là cơ sở sản xuất toàn cầu nên nếu rời bỏ nước này, các nhà đầu tư sẽ phải tính đến việc tăng chi phí sản xuất của DN.
Nhiều ý kiến dự đoán nếu DN rời khỏi Trung Quốc, Việt Nam sẽ là lựa chọn thay thế. Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng hiện nay lao động Việt Nam giá rẻ nhưng đi liền là năng suất thấp, nên không phải cứ rẻ mà hấp dẫn hơn Trung Quốc. Ngược lại, lương công nhân Trung Quốc cao hơn nhiều song năng suất lao động cao hơn.
Thực tế đã chứng minh FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam không nhiều và không đáng kể. Chiến tranh thương mại không giúp chuyển quá nhiều FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Cùng với đó, năm 2019 cũng là năm đánh dấu sự mở cửa sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có thể ký kết vào đầu năm, hay Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) hiện đang được đàm phán tích cực. Các FTA được kỳ vọng sẽ là động lực để hàng Việt xuất khẩu sang các thị trường lớn này.
Mặt khác, sức ép hàng hóa trong nước sẽ cạnh tranh khốc liệt hơn. Cùng với đó, việc tham gia nhiều FTA với các cam kết cắt giảm thuế quan sẽ là thách thức rất lớn đối với Việt Nam trong thu ngân sách thời gian tới.
Theo Ts. Đặng Đức Anh, để bù đắp hụt thu ngân sách, không loại trừ giải pháp điều chỉnh thuế, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của DN và người dân. Việc Chính phủ tiếp tục tiến trình tự do hóa thương mại và điều chỉnh giá dịch vụ công như giá điện, thuế bảo vệ môi trường, giá dịch vụ y tế tăng cũng sẽ ảnh hưởng tới ổn định kinh tế vĩ mô giai đoạn tới.
Ngoài ra, ông Đức Anh cũng chỉ ra những rủi ro tác động đến tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2019-2020 như tăng trưởng tín dụng và cung tiền ở mức cao, kéo dài tiềm ẩn rủi ro về nợ quốc gia và mất ổn định kinh tế vĩ mô; độ mở tài chính quốc gia cao hơn trình độ phát triển kinh tế; tỷ lệ nợ công cao và nghĩa vụ trả nợ lớn…
Lê Thúy
PGs.Ts. Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Chính phủ thời gian qua đã gây áp lực cải cách rất mạnh đối với các bộ ngành, địa phương, song vì lợi ích này, lợi ích kia mà các bộ ngành, địa phương vẫn chưa sẵn sàng hành động, không muốn "cởi trói" cho DN. Nay, trong tình thế chiến tranh thương mại trên thế giới, Việt Nam phải căng sức gấp đôi, thậm chí gấp bốn lần. Nên nhớ cuộc đấu này không chỉ là đối phó tình thế ngắn hạn do chiến tranh thương mại gây ra mà quan trọng không kém, thậm chí còn hơn là phải đẩy mạnh tái cơ cấu, cải cách trong nước. Ts. Đặng Đức Anh - Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – Xã hội Quốc gia Nếu tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút FDI, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế và thực hiện các FTA, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong giai đoạn 2019 – 2020 hoàn toàn có thể đạt trên 6,9%. Tuy nhiên, trong giai đoạn tới, cần tập trung vào ba trụ cột lớn là phát triển kinh tế tư nhân, cải cách thể chế và môi trường kinh doanh, khoa học công nghệ và nâng cao năng suất lao động. Bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia Kinh tế Nghị quyết 35 của Chính phủ được xem là cốt lõi, bản lề của cải cách khi xác định 10 nguyên tắc để xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho DN phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của DN nhỏ và vừa. Cần phải tập trung thực hiện các nguyên tắc này thay vì bãi bỏ vài điều kiện kinh doanh đơn lẻ như hiện nay. |