Ông Nguyễn Xuân Thành – Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright
“Câu chuyện tăng lãi suất của Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng mạnh đến kinh tế thế giới. Việc Fed nâng lãi suất USD lên 2% là chắc chắn, lộ trình tăng lãi suất sẽ diễn ra theo đà phục hồi tăng trưởng kinh tế Mỹ. Có thể cuối năm nay hoặc đầu năm sau, Fed sẽ tăng lãi suất đầu tiên trong cả chuỗi tăng lãi suất diễn ra từ từ, kéo dài suốt 2016, dẫn đến sức ép vào dòng vốn chứng khoán, dòng vốn gián tiếp sẽ được điều chỉnh để chảy ngược về Hoa Kỳ”, ông Thành nói.
Nhìn vào sự tăng trưởng chung của khu vực, ông Thành đánh giá: “Dù vẫn có sức ép của quá trình hồi phục kinh tế toàn cầu, kinh tế châu Á đã có sự phát triển mạnh hơn so với toàn cầu. Những tín hiệu tích cực đến từ Việt Nam Trung Quốc và Ấn Độ, nhờ sự thúc đẩy của dịch vụ, hỗ trợ chuyên môn. Các nước sẽ đợi Hoa Kỳ tăng lãi xuất để tăng lãi suất.
Sự trỗi dậy rất mạnh từ các dự án công nghiệp khai thác, nông nghiệp, công nghiệp chế biến của Việt Nam là một tín hiệu tốt cho năm 2016. Nhưng về phía tiêu dùng, có hai đặc điểm khác các năm trước, dù tăng trưởng đầu tư nhưng đóng góp không mạnh bằng tiêu dùng của dân cư trong nền kinh tế, ông Thành nói.
“Trong khi chúng ta đang tái cấu trúc, cán cân kinh tế các năm trước đang cân bằng thì bây giờ lại thâm hụt. Cán cân thâm hụt xuất nhập khẩu, kể cả ngân sách nhà nước, tác động giảm giá thực phẩm, giá dầu, giá nguyên vật liệu kim loại. Vừa rồi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, ngay lập tức Việt Nam phá giá theo, nhưng phá giá rất ít so với đồng USD, kể cả Philippines, Indonesia…chưa đến 5%. Đáng lẽ để tương quan với các nước ASEAN, chúng ta phải phá giá mạnh hơn. Cứ mỗi lần tỷ giá căng thẳng chúng ta đều dùng ngoại tệ để can thiệp. Nếu Fed quyết định tăng lãi suất buộc ngân hàng sẽ điều chỉnh tỷ giá mạnh hơn”, ông Thành phân tích.
Thời gian qua Việt Nam có tăng trưởng tín dụng rất cao, 19% trong bối cảnh lạm phát dưới 1%. So sánh tương quan các biến số vĩ mô thì Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất châu Á. Câu hỏi thú vị đặt ra là tín dụng đi vào đâu?
Ông Thành cho biết: “Trong các báo cáo chính thức và không chính thức, tín dụng cho nông nghiệp tăng 11%, công nghiệp chỉ tăng 6%, xây dựng tăng 19%, trong khi các tín dụng khác như bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng tăng 38,2%. Những tín dụng khác cho các cá nhân thực ra cũng là cho bất động sản. Về mặt trung và dài hạn, tỷ trọng cho vay bất động sản ở Việt Nam là mức thấp so với nền kinh tế đang phát triển nhanh. Nếu tính khả năng tiếp cận của tầng lớp trung lưu với mua nhà thì tỷ trọng tín dụng phải cao hơn bây giờ. Con số 38% thể hiện nhiều tin tốt đối với bất động sản”.
Kết luận về sức khỏe tài chính của Việt Nam năm 2016, ông Thành cho biết: “Kỳ vọng 2016, ý kiến của riêng tôi là nửa đầu năm 2016 sẽ không thay đổi lớn về chính sách. Nhưng áp lực tỷ giá khi Fed tăng lãi suất sẽ khiến cho Việt Nam phải thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa đôi chút vào giữa năm 2016. Triển vọng tăng trưởng cũng không hơn gì mấy so với 2015”.
Huyền Trang