Chia sẻ với phóng viên VnBusiness về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW cho rằng, Luật Đất đai 2024 mở ra một môi trường cạnh tranh mới công khai, minh bạch và lành mạnh trong thị trường bất động sản.
Đặc biệt, việc cho phép Việt Kiều được hưởng đầy đủ quyền lợi về đất đai ở trong nước sẽ mở rộng “sân chơi” cho nhiều cá nhân hơn, và như vậy thị trường BĐS sẽ trở nên hấp dẫn hơn, thu hút thêm được nhiều nhà đầu tư với dòng vốn từ nước ngoài.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW. |
- Theo ông quy định mới này đã thực sự gỡ “nút thắt” để hút nguồn vốn đầu tư từ lượng lớn người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài?
Tôi cho rằng, các quy định mới trong Luật Đất đai 2024, đặc biệt là về việc mở rộng quyền lợi cho người gốc Việt định cư ở nước ngoài nhưng không có quốc tịch Việt Nam được hưởng quyền lợi về đất đai và nhà ở tương đương với công dân trong nước và người Việt định cư ở nước ngoài còn quốc tịch Việt Nam, là một bước tiến quan trọng, thể hiện bước đột phá, chính sách cởi mở của Việt Nam trong việc thu hút nguồn vốn từ bên ngoài và gắn kết cộng đồng kiều bào với Tổ quốc.
Điều này thúc đẩy, khẳng định quyền lợi cho kiều bào, không chỉ giúp tăng cường kết nối giữa kiều bào và đất nước, mà còn mở ra nhiều cơ hội đầu tư cho người Việt ở nước ngoài, mang lại nguồn vốn lớn và thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.
Các quy định như Điều 28, cho phép người gốc Việt định cư ở nước ngoài có quyền mua, thuê nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà, giúp kiều bào dễ dàng hơn trong việc tham gia các giao dịch bất động sản tại Việt Nam.
Những quy định mới này có thể sẽ giúp gỡ “nút thắt” trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư từ lượng lớn người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài. Khi kiều bào thấy rằng quyền lợi của họ được bảo đảm và dễ dàng thực hiện các giao dịch đất đai, họ sẽ có động lực mạnh mẽ hơn để đầu tư vào quê hương.
Để đảm bảo các quy định mới trong Luật Đất đai 2024 được triển khai hiệu quả và mang lại lợi ích tối đa cho kiều bào cũng như đất nước, việc thực hiện và giám sát cần được chú trọng và thực hiện nghiêm túc.
Cần có những văn bản hướng dẫn, Nghị định, thông tư chi tiết, đồng bộ từ các cơ quan chức năng để tránh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Công tác giám sát cũng cần được tăng cường để đảm bảo quyền lợi của kiều bào được thực hiện đúng đắn và công bằng.
- Theo ông, liệu việc Luật Đất đai có hiệu lực thi hành sớm hơn (từ 01/8/2024) thay vì 01/01/2025 thì có kịp ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành và có đảm bảo các nội dung yêu cầu không?
Việc đưa hiệu lực Luật Đất đai sớm hơn so với dự kiến là nỗ lực rất lớn của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, trong việc nhanh chóng đưa các chính sách mới, có đột phá từ nghị trường Quốc hội đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, vấn đề dư luận đang quan tâm lúc này là việc “dồn dập” xây dựng và ban hành các văn dưới luật để hướng dẫn thì nội dung có đảm bảo được chất lượng và đúng với tinh thần của các luật không. Trong quá khứ cũng từng có bài học về việc một số Luật đã ban hành, nhưng những nghị định, thông tư, quyết định ban hành rất chậm, hoặc được ban hành nhưng có “tuổi thọ” chỉ vài tháng do những sai sót, chồng chéo, không thể hiện đúng tinh thần nội dung của luật, nên buộc phải tạm dừng, hủy, hoặc thay đổi.
Với quỹ thời gian ít ỏi còn lại, để đảm bảo được chất lượng các nội dung yêu cầu, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương phải tập trung mọi nguồn lực, để bảo đảm các văn bản hướng dẫn phản ánh đúng với tinh thần và nội dung các điều luật, quy định chi tiết, cụ thể để tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện.
Đặc biệt, Chính phủ cần chỉ đạo sát sao công tác ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành của các Bộ, Ngành, địa phương, không để xảy ra các vướng mắc do thiếu hoặc chậm ban hành văn bản cụ thể hóa tạo ra khoảng trống pháp lý. Hơn nữa, Chính phủ phải có sự chuẩn bị rất đồng bộ từ các văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật Đất đai này để cùng nhau triển khai, thực hiện. Chính phủ cũng đã cam kết về hiệu quả của việc điều chỉnh hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp của các Luật, xử lý các vấn đề phát sinh sau khi triển khai thi hành Luật.
Tôi tin là sự quyết tâm này sẽ đảm bảo chất lượng và tiến độ của các văn bản hướng dẫn thi hành trong thời gian ngắn.
- Khi Luật chính thức được thông qua, sẽ có tác động như thế nào đến thị trường BĐS trong nước, thưa ông?
Luật Đất đai 2024 mở ra một môi trường cạnh tranh mới công khai, minh bạch và lành mạnh trong thị trường bất động sản. Việc bỏ khung giá đất trong Luật Đất đai 2024 và cập nhật bảng giá đất hàng năm sẽ đảm bảo một hàng rào pháp lý bảo vệ bất động sản tránh khỏi những hiện tượng như sốt ảo. Giá đất sẽ luôn được bám sát theo tình hình thực tế của từng địa phương, phản ánh đúng thị trường.
Thị trường BĐS sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư với dòng vốn từ nước ngoài, khi Luật đất đai 2024 có hiệu lực. |
Thị trường bất động sản sẽ được ổn định, sẽ không có những trường hợp “thổi giá”, tăng giá vô cớ, tạo nên “cơn sốt ảo” làm nhiễu động thị trường. Việc định giá đất theo thị trường có khả năng khiến bất động sản tăng lên khiến đây không phải là một điểm có lợi cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, mức tăng này sẽ phản ánh đúng giá trị thị trường, bất động sản sẽ được định giá chính xác với giá trị của nó.
Việc cho phép Việt Kiều được hưởng đầy đủ quyền lợi về đất đai ở trong nước cũng tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh trong thị trường bất động sản. Đối tượng được sở hữu quyền sử dụng đất đã trở nên đa dạng hơn, mở rộng “sân chơi” cho nhiều cá nhân hơn, và như vậy thị trường BĐS sẽ trở nên hấp dẫn hơn, thu hút thêm được nhiều nhà đầu tư với dòng vốn từ nước ngoài. Đây cũng chính là một biện pháp nhằm thúc đẩy kinh tế nước nhà, tạo ra nguồn thu lớn kéo theo sự phát triển của những ngành nghề liên quan.
- Với kinh nghiệm của mình, theo ông cần phải làm gì để người Việt Nam ở nước ngoài tham gia nhiều hơn vào thị trường bất động sản trong nước?
Trước hết, cần tăng cường thông tin và hỗ trợ pháp lý bằng cách tạo ra các kênh thông tin chính thức, dễ tiếp cận và bằng nhiều ngôn ngữ để Việt kiều có thể nắm bắt các quy định mới của Luật Đất đai 2024. Các trung tâm tư vấn pháp lý miễn phí hoặc chi phí thấp ở các đại sứ quán, lãnh sự quán cũng nên được thành lập để hỗ trợ Việt kiều trong quá trình mua bán và sở hữu bất động sản.
Bên cạnh đó, đơn giản hóa thủ tục hành chính bằng cách giảm bớt các thủ tục và rút ngắn quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Việt kiều. Việc ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai các dịch vụ công trực tuyến cũng sẽ giúp Việt kiều thực hiện các thủ tục một cách nhanh chóng và thuận tiện. Xây dựng niềm tin và sự minh bạch trong giao dịch bất động sản. Đảm bảo tính minh bạch, công khai trong các giao dịch bất động sản để tránh tình trạng lừa đảo, gian lận, đồng thời thiết lập cơ chế bảo vệ quyền lợi của Việt kiều trong trường hợp có tranh chấp.
Ngoài ra, khuyến khích đầu tư và phát triển thông qua các chính sách ưu đãi về thuế, lãi suất vay vốn cũng như cung cấp các gói hỗ trợ tài chính hoặc bảo lãnh cho Việt kiều có nhu cầu vay vốn mua nhà, đầu tư bất động sản. Lắng nghe và phản hồi ý kiến từ cộng đồng Việt kiều thông qua các diễn đàn, hội thảo để họ có thể bày tỏ ý kiến, đề xuất và nguyện vọng của mình...Điều này không chỉ giúp tận dụng tối đa lợi ích từ dòng kiều hối mà còn gắn kết cộng đồng Việt kiều với quê hương, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế nước nhà.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hồng Hương thực hiện
Luật Đất đai sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, sớm 5 tháng so với quyết nghị của Quốc hội. Dư luận đánh giá cao Luật Đất đai 2024, bởi thể hiện nội dung chặt chẽ, đáp ứng cơ bản mong muốn, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đặc biệt, Luật Đất đai 2024 có nhiều điều khoản nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, như mở rộng quyền sử dụng đất không chỉ với công dân Việt Nam, mà cả người Việt định cư ở nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào ta ở nước ngoài có cơ hội sở hữu, đầu tư nhà ở, bất động sản trong nước. |