GS. TS Chử Đức Trình nói rằng, cơ hội của Việt Nam để phát triển trong lĩnh vực bán dẫn rất lớn, nhất là từ những thay đổi địa chính trị trong thời gian qua, hưởng lợi từ việc chuỗi giá trị bán dẫn đang dần dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á. Để tận dụng tốt cơ hội này, đòi hỏi cần có sự chuẩn bị kỹ càng để tận dụng tốt làn sóng đầu tư, đồng thời khẳng định vai trò của Việt Nam trong chuỗi công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Thời gian qua đã có hàng loạt 'đại bàng' trong giới công nghiệp bán dẫn tìm đến Việt Nam đầu tư. Rõ ràng, cơ hội của Việt Nam để phát triển trong lĩnh vực này rất lớn, thưa ông?
Đúng thế! Trước tiên, chúng ta cần phải hiểu công nghiệp bán dẫn bao gồm tất cả những gì liên quan đến bán dẫn, từ chế tạo, thiết kế đến vật liệu, đóng gói, và liên quan đến rất nhiều chuỗi công nghiệp khác nhau. Mỗi nền kinh tế trên thế giới thường chỉ làm chủ được một công đoạn. Đơn cử như Mỹ làm chủ công đoạn thiết kế tổng thể, trong khi Đài Loan (Trung Quốc) có thế mạnh về sản xuất.
Việt Nam cũng đã tham gia vào thị trường bán dẫn ở một góc độ nào đó. Chúng ta thấy “gã khổng lồ” công nghệ Intel đã đặt tại Việt Nam một trong những cơ sở lớn nhất của họ về lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip. Chúng ta cũng có các doanh nghiệp trong nước như Viettel, FPT, Vingroup… đã bắt đầu tham vào các chuỗi cung ứng IC (Integrated Circuit - mạch tích hợp), AI (Artificial Intelligence – trí tuệ nhân tạo) toàn cầu.
Cơ hội của Việt Nam để phát triển trong lĩnh vực bán dẫn cực kỳ nhiều, đặc biệt là cơ hội từ những thay đổi địa chính trị trong thời gian qua, hưởng lợi từ việc chuỗi giá trị bán dẫn đang dần dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á. Hậu đại dịch COVID-19 và giãn cách xã hội cũng làm tăng nhu cầu về chất bán dẫn do sự phụ thuộc ngày càng cao vào các thiết bị điện tử. Tuy nhiên, như nhiều chuyên gia cũng đã phân tích, cơ hội của chúng ta chỉ có một vài năm thôi và chúng ta phải cố gắng tận dụng.
Theo tôi, chúng ta không phải tạo một hệ sinh thái bán dẫn của riêng Việt Nam nhưng chúng ta cần tham gia chặt chẽ vào chuỗi bán dẫn toàn cầu, và trở thành một mắt xích quan trọng nào đó.
Vậy theo ông, trước cơ hội lớn nhưng cũng cấp bách như vậy, chúng ta cần phải làm gì?
Như tôi đã nói, trong thời gian tới Việt Nam có cơ hội tham gia chặt chẽ vào chuỗi công nghiệp bán dẫn toàn cầu nhưng để làm được điều đó chúng ta phải rất cố gắng để trở thành một mắt xích tin cậy trong các chuỗi giá trị này.
Tức là chúng ta phải tập trung vào một việc, tất nhiên chúng ta không từ chối các việc khác nhưng phải tìm ra cái gì sẽ trở thành thế mạnh của Việt Nam. Khi nói đến bán dẫn Việt Nam thì người ta nói đến cái đấy. Giống như khi nói đến công nghiệp điện tử của Việt Nam thì người ta nói đến điện thoại, vì “đại bản doanh” của Samsung đặt tại Việt Nam và họ xuất khẩu ra phần lớn thế giới.
Để làm được điều đó chúng ta phải chuẩn bị chính sách "dài hơi", làm sao để thu hút, đáp ứng đúng mong muốn của doanh nghiệp. Tức là chúng ta phải tìm hiểu về doanh nghiệp trước, sau đó mới tạo ra hạ tầng về chính sách, cơ sở vật chất, nhân lực, giao thông…
Thông thường, khi doanh nghiệp "đại bàng" đến đây "làm tổ", bao giờ họ cũng kéo theo các doanh nghiệp vệ tinh. Khi Samsung xây dựng nhà máy nhiều tỷ USD tại Việt Nam đã thu hút rất nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan đến cùng để sản xuất các sản phẩm đầu vào cho Samsung.
Khi chúng ta thu hút được doanh nghiệp lớn thì sẽ thu hút được cả một hệ sinh thái của doanh nghiệp đó. Làm được điều này tôi tin là chúng ta sẽ thành công với mục tiêu của mình.
GS. TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. |
Ông có nhấn mạnh về việc Việt Nam phải cố gắng để trở thành một "mắt xích" quan trọng trong chuỗi công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
Việt Nam đang nổi lên là một đất nước tham gia rất chặt vào mảng đóng gói bán dẫn và chúng ta nên nhấn mạnh điểm này để tập trung thu hút. Chúng ta hay bàn rằng đóng gói là một công đoạn rẻ tiền nhưng thực ra không phải vậy. Đó cũng là một trong những câu chuyện cực kỳ phức tạp trong sản xuất chip chứ không hề đơn giản.
Chúng ta cần làm sao để cứ nói đến đóng gói là người ta có thể nghĩ ngay tới Việt Nam, giống như cứ nói đến sản xuất là nghĩ tới Đài Loan. Làm được như vậy chúng ta sẽ thu hút được các doanh nghiệp lớn đến đầu tư nhà máy đóng gói tại Việt Nam, từ đó kéo theo những vệ tinh của các doanh nghiệp này, tạo ra cơ hội việc làm rất tốt cho các nhân lực từ chất lượng cao đến lao động phổ thông.
Ngoài ra, chúng ta cũng đang bắt đầu tham gia vào mảng thiết kế nhưng chưa nhiều, vẫn còn rất giới hạn. Chúng ta chưa làm chủ được công nghệ mà chủ yếu chỉ tham gia vào khâu outsourcing (gia công), hoặc chúng ta làm chủ thiết kế một số chip đơn giản, không đáng kể, không thể nói đó là điểm mạnh của chúng ta trên thế giới.
Trong quá trình tiếp xúc với các nhà đầu tư, ông nhận thấy họ quan tâm đến vấn đề gì và cần có giải pháp hỗ trợ như thế nào, thưa ông?
Trong các doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào Việt Nam, có doanh nghiệp quan tâm đến đất đai, có doanh nghiệp cần hỗ trợ về nhân lực, có doanh nghiệp quan tâm đến thuế tối thiểu toàn cầu. Tuy nhiên cũng có những doanh nghiệp làm 'outsourcing' nên không quan tâm đến những khía cạnh đó.
Doanh nghiệp nhỏ thì quan tâm đến hỗ trợ của Nhà nước cả về thể chế và tài chính, trong khi các doanh nghiệp lớn như Samsung, Apple rất chủ động trong chi phí đầu tư nên họ quan tâm đến thể chế nhiều hơn. Vậy chúng ta phải chuẩn bị các kịch bản khác nhau, giải quyết nhiều vấn đề khác nhau như thuế tối thiểu toàn cầu, chính sách đất đai, cam kết của các trường đại học về đào tạo nhân lực…
Chúng ta phải làm việc với các tập đoàn, tổ chức các diễn đàn để thu hút sự chú ý, quan tâm đóng góp ý kiến từ họ. Các đơn vị xây dựng chính sách của quốc gia phải vào cuộc. Với vai trò là đơn vị nghiên cứu và trường đại học, chúng tôi cũng sẵn sàng tham gia vào công cuộc này.
Vậy còn vai trò của doanh nghiệp trong nước ra sao thưa ông?
Tôi muốn nhắc lại câu chuyện từ đầu những năm 2000, khi ấy chúng ta còn đang bàn cách để làm chủ công nghiệp điện tử. Bây giờ chúng ta đã thành công, nhưng hoá ra không phải doanh nghiệp Việt Nam thành công mà là doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam.
Dự kiến trong năm nay kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử của Việt Nam sẽ đạt 135 tỷ USD, chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu. Chúng ta được nhận định có tiềm năng trở thành nền kinh tế xuất khẩu hàng hoá công nghệ cao lớn thứ 4 trên thế giới sau Trung Quốc, Đài Loan và Đức. Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế rằng bộ phận đóng góp chủ yếu cho kết quả trên là các doanh nghiệp FDI. Cho đến giờ này miếng bánh xuất khẩu linh kiện điện tử vẫn không có bóng dáng doanh nghiệp Việt Nam mà gần như 100% là doanh nghiệp FDI. Như vậy là trong thời gian vừa qua chúng ta đã tận dụng được FDI vào Việt Nam nhưng chưa tận dụng được cơ hội đó để doanh nghiệp của chúng ta lớn.
Thời gian tới Việt Nam phải nghiên cứu, rút ra được bài học từ câu chuyện này. Chúng ta vẫn cố gắng thu hút FDI nhưng phải làm sao để các doanh nghiệp Việt có thể đồng hành cùng doanh nghiệp nước ngoài.
Rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài muốn tìm các doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam để thắng cùng họ mà không được. Đơn cử, cách đây một tuần tôi làm việc với một công ty chuyên sản xuất router (thiết bị định tuyến) của Đài Loan. Họ xuất khẩu giá trị một 1 tỷ USD/năm nhưng họ chẳng có doanh nghiệp nào của Việt Nam đồng hành. Thời gian tới chúng ta phải tập trung phát triển vấn đề này và nó ở trong tầm tay của chúng ta. Chúng ta làm được, chúng ta có vị thế nhưng thời gian qua chúng ta lại bỏ quên.
Xin cảm ơn ông!
Đỗ Kiều thực hiện