Đề án phát triển ngành công nghiệp ôtô và đề xuất hình thành gói tín dụng 100.000 tỷ đồng để phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đang được Bộ Công Thương thực hiện. Song, nhiều ý kiến cho rằng việc ưu đãi cho bất kỳ ngành sản xuất nào cũng đều có tác động đến các ngành khác. Ưu đãi cho một doanh nghiệp (DN) cũng có thể dẫn đến chèn ép một hoặc một số DN khác. Chưa kể, ưu đãi sẽ dẫn đến giảm thu ngân sách đối với một DN, từ đó có thể tạo sức ép phải tăng thuế và phí ở các DN khác và người tiêu dùng.
Ông đánh giá thế nào về đề án này?
Trên bình diện chung của toàn ngành cơ khí Việt Nam, ôtô chỉ là một ngành, ngoài ra còn có có kinh tế biển là ngành đóng tàu, chế tạo các công trình thủy lợi chống ngập mặn, nước biển dâng. Bên cạnh đó là những phân ngành sản phẩm cơ khí khác như máy nông nghiệp, chế biến, bảo quản cho các ngành nông nghiệp như thủy sản, hải sản, nông nghiệp gồm cây lúa, cây ăn quả, cây công nghiệp…; sản phẩm phục vụ cho các nhà máy điện, dầu khí…
Thế nhưng Đề án lại tách công nghiệp phụ trợ cho ngành ôtô. Vậy, tại sao chỉ có một mình ngành ôtô được hưởng?Phải chăng ôtô có nhiều tiềm năng phát triển hơn các ngành khác, nên mới có chủ trương này, thưa ông?
Ôtô không phải là “sân chơi” dễ dàng trong lĩnh vực cơ khí của Việt Nam. DN cơ khí Việt Nam muốn cung cấp được sản phẩm hỗ trợ cho ôtô trước hết phải đầu tư trang thiết bị khoa học công nghệ để sản xuất ra một sản phẩm đạt tiêu chuẩn, sau đó các hãng trong và ngoài nước tìm đến đặt hàng mới có được hợp đồng. Chứ không phải “vẽ” ra đề án là có đơn hàng.
Ngành ôtô không phải là trọng tâm CNHT của ngành cơ khí. Vì vậy, không nên nhấn mạnh, thậm chí đưa cả vào nghị định về CNHT của cơ khí cho ôtô.
Ông Đào Phan Long, Chủ tịch VAMI |
Theo ông, DN Việt có đủ khả năng để đưa ngành CNHT ô tô khởi sắc?
Theo báo cáo của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, tại thời điểm hiện nay, Việt Nam dành khoảng 40 tỷ USD/năm để nhập vật tư, thiết bị máy móc, xây dựng các công trình công nghiệp và các ngành kinh tế, sản phẩm phục vụ đời sống dân sinh... Tiềm năng của thị trường rất lớn.
Bản thân DN Việt từng làm ra những sản phẩm có giá trị cao như đã từng đóng rất nhiều tàu biển, lợi nhuận cao hơn hàng nghìn lần làm ốc vít.
Riêng với lĩnh vực ôtô, theo đánh giá, dung lượng thị trường Việt Nam ngày càng phát triển, nhu cầu của người dân về ôtô còn rất nhiều. Như vậy, thị trường cơ khí nội địa rất hấp dẫn so với nhiều nước khác trên thế giới.
Quan trọng là DN Việt phải có được nhiều đơn hàng để tham gia tại chính thị trường nội địa. Muốn vậy, ngành cơ khí cần có một chính sách ổn định của Nhà nước để bảo vệ thị trường trong nước.
Ông có thể đưa ra dẫn chứng cho vấn đề này?
Cách đây không lâu, Chính phủ ra một quyết định giao ngành cơ khí làm thủy công cho 2 nhà máy thủy điện Sơn La, Lai Châu và một số nhà máy thủy điện nhỏ hơn. Sau đó, các sản phẩm cơ khí thủy công do chính các DN Việt chế tạo được đánh giá rất tốt, giúp nhà máy thủy điện Sơn La về trước tiến độ kế hoạch 2 năm. Các nhà đầu tư nước ngoài không có cơ hội chèn ép và cạnh tranh trong lĩnh vực thủy công ở Việt Nam.
Việc lựa chọn sản phẩm CNHT cho ôtô là do DN quyết định |
Điều này cũng chứng minh CNHT ngành cơ khí không chỉ có riêng cho ôtô, mà còn là phát triển những công nghệ chế tạo cơ bản trong sản xuất cơ khí. Đó là chế tạo phôi, đúc, rèn, dập; sản xuất các cụm chi tiết thiết bị toàn bộ, khuôn mẫu để làm thành bộ phận CNHT của ngành cơ khí Việt Nam.
Đề xuất lập gói tín dụng 100.000 tỷ đồng liệu có mang lại khởi sắc cho ngành công nghiệp ôtô không, thưa ông?
Trong một chiếc ôtô có hàng nghìn chi tiết, bây giờ nói hỗ trợ cho ngành này thì phải chọn trong chiếc ôtô đó những chi tiết nào mà DN cơ khí Việt Nam được hãng ôtô nước ngoài đặt hàng thì mới có sản lượng lớn.
Thực tế, các hãng ôtô nước ngoài đã có bạn hàng làm CNHT cho họ từ trước, chắc gì họ đã nhường lại cho DN Việt Nam làm. Nhưng DN cơ khí Việt Nam có thể chọn làm những chi tiết cồng kềnh, vận tải logistics như vỏ xe, thùng xe, cabin, khung, gầm… để phấn đấu tham gia chuỗi sản phẩm của ôtô.
Nhìn từ Thái Lan phải mất tới 20 năm mới có được ngành CNHT ôtô như mong muốn. Do vậy, mấu chốt vấn đề của CNHT không bắt đầu từ tín dụng, các DN trong nước phải xây dựng có bài bản sản phẩm chứ không thể mong có được ngay trong “một sớm một chiều”.
Ví dụ, VinFast đầu tư dây chuyền dập vỏ xe, hay sản xuất động cơ cũng là cách làm nội địa hóa rất cơ bản. Vì vậy, việc lựa chọn sản phẩm CNHT cho ôtô là do DN quyết định.
Hoàng Hà