Mới đây, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, nếu dịch COVID-19 được kiểm soát trong tháng 9/2021, chuyển sang trạng thái bình thường mới từ quý IV thì tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt mức từ 3,5 - 4%.
'Đầu tàu' kinh tế bị tác động nặng
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, dự báo trên thấp hơn mục tiêu 6,5% trong năm nay nhưng để đạt được mức này cần sự nỗ lực rất lớn, đòi hỏi sự quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị và cả địa phương.
Bộ KH&ĐT dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay có thể đạt từ 3,5 - 4%/năm. |
Từ thực tế địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, kinh tế TP.HCM trong 8 tháng tăng trưởng chậm. Năm 2021, có thể địa phương không hoàn thành chỉ tiêu về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và thu ngân sách, ảnh hưởng tới cả kế hoạch phát triển của năm 2022, cũng như tới mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.
"Hiện, thu ngân sách của TP.HCM chỉ đạt 70% dự toán. Bình thường TP.HCM thu 1.400 tỷ đồng mỗi ngày, nhưng đến tháng 8, con số này chỉ còn khoảng 800 tỷ đồng và hiện tiếp tục xu hướng giảm", ông Hoan chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho biết, TP.HCM đang xây dựng và ban hành kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 từ nay tới cuối năm 2021 và năm 2022 nhằm "sống chung", thích ứng an toàn với COVID-19. Đồng thời, tổ chức rà soát lại kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2021- 2025 vì đến nay, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều có yếu tố bất lợi nên cần điều chỉnh. Theo đó, TP.HCM cần xây dựng các kịch bản phát triển để có giải pháp thích ứng cụ thể.
Lãnh đạo TP.HCM đã kiến nghị Bộ KH&ĐT báo cáo Chính phủ thành lập Tổ công tác đặc biệt về phục hồi kinh tế sau đại dịch. "Đây là quyết sách mang tính tổng hợp liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương", đại diện TP.HCM nhận định.
Tuy nhiên, lãnh đạo TP.HCM cũng cho rằng, phục hồi kinh tế cần nguồn lực lớn, nếu để một địa phương tự làm thì không giải quyết được. Nghiên cứu cho thấy, phục hồi kinh tế cần 8 tỷ USD và cần 6-9 tháng. Đồng thời, để nền kinh tế thật sự vận hành bình thường cần nguyên liệu, thiết bị, vật tư, nguồn nhân lực và nhiều điều kiện khác đảm bảo an toàn sản xuất.
"Bên cạnh những cải thiện phía trong doanh nghiệp thì bên ngoài cần sự hỗ trợ tác động rất từ phía Chính phủ, các địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn liên quan tới lưu thông, vận chuyển hàng hóa...", đại diện TP.HCM nhìn nhận.
Nền kinh tế không thể duy trì 'tắt - bật - tắt - bật'
Trong khi đó, đại diện tỉnh Đồng Nai cho biết, 8 tháng đầu năm 2021, kinh tế địa phương tăng trưởng chậm so với cùng kỳ năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ chỉ tăng 3,07%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,41%... Đáng lo ngại, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể cao.
Theo đó, tỉnh Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành có liên quan xem xét, hướng dẫn để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư ổn định sản xuất, kinh doanh.
Còn theo đại diện tỉnh Bình Dương, tính từ đầu năm đến hết tháng 6/2021, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh khá ổn định và đạt được những kết quả tích cực, kinh tế được phục hồi và tăng trưởng khá. Tuy nhiên sang tháng 7, đợt bùng phát thứ 4 của dịch COVID-19 diễn biến khá nhanh và ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của Bình Dương. Mặc dù đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị và được hỗ trợ tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong và ngoài tỉnh nhằm thực hiện các giải pháp phòng chống và khôi phục kinh tế - xã hội, nhưng những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh khó có thể tránh khói.
Theo đó, sự thiếu hụt về nguồn nguyên vật liệu, máy móc, phụ kiện nhập khẩu, chủ doanh nghiệp, chuyên gia, công nhân kỹ thuật nước ngoài chưa trở lại Việt Nam cùng sự thiếu hụt nguồn lao động tại chỗ đã và đang làm chậm quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Theo ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, áp lực kỳ vọng đối với Việt Nam từ các thị trường quốc tế là rất lớn. Vừa qua, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sang thăm Việt Nam cũng có nhấn mạnh: Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng cho thị trường Mỹ.
Các doanh nghiệp Mỹ cũng đã kiến nghị, Mỹ cần phải tăng cường hỗ trợ hơn nữa cho Việt Nam trong công tác chống dịch để đảm bảo duy trì an ninh kinh tế, an ninh chuỗi cung ứng cho nền kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, nếu trong mùa mua sắm như lễ Giáng sinh sắp tới, lượng hàng từ Việt Nam xuất sang các thị trường này thiếu hụt, không được như kế hoạch ban đầu. Nếu Việt Nam không đảm bảo được kỳ vọng của các thị trường trọng yếu như Mỹ, không đáp ứng kỳ vọng của các doanh nghiệp đứng đầu trong chuỗi cung ứng đang có hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, thì Chính phủ Mỹ cũng như các doanh nghiệp Mỹ, doanh nghiệp đa quốc gia khác cũng không thể duy trì mãi được, không thể hỗ trợ một thị trường không thấy hiệu quả. Do vậy, ông Thành cho rằng, Việt Nam bắt buộc phải tính đến chuyện tái mở cửa, không phải sắp tới mà phải có kế hoạch rõ ràng ngay từ bây giờ.
"Việc tắt - bật - tắt - bật nền kinh tế hiện nay không còn phù hợp nữa", đại diện Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN nhấn mạnh và cho rằng: Với đặc thù sản xuất kinh doanh, thị trường và doanh nghiệp cần sự ổn định, khả năng dễ đoán định.
"Ví dụ, doanh nghiệp được hoạt động trở lại với công suất 50%, doanh nghiệp sẽ căn cứ vào mức độ 50% để tính toán nhận đơn hàng và sản xuất như thế nào. Chứ không phải căn cứ vào mức độ dịch bệnh thay đổi liên tục, các doanh nghiệp sẽ không thể sản xuất được", ông Thành chia sẻ.
Lê Thúy