Theo Tổng cục Thống kê, dịch COVID-19 đã khiến tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước, trong đó GDP quý III/2021 ước tính giảm 6,17%, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.
Sức chịu đựng của DN đã cạn
Lý giải nguyên nhân khiến GDP trong quý III/2021 giảm sâu, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê), cho biết đó là do dịch COVID-19 đã khiến chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa bị đứt gãy khá nặng. Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, đến nay sức chịu đựng của doanh nghiệp (DN) đã gần như cạn kiệt, chưa năm nào tỷ lệ DN thành lập mới thấp hơn DN ngừng hoạt động, giải thể như năm nay.
9 tháng đầu năm nay, DN dừng hoạt động lớn hơn DN thành lập mới - đây là hiện tượng chưa từng xảy ra nhiều năm nay. |
Kết quả khảo sát nhanh của Tổng cục Thống kê cho thấy, 94,3% DN gặp khó khăn nặng nề do dịch COVID-19, trong đó ở 19 tỉnh thành phía Nam thì có tới 98,9% DN gặp khó. Đứt gãy chuỗi sản xuất khiến nhiều tỉnh thành phía Nam tăng trưởng công nghiệp ở mức âm.
Cụ thể, 9 tháng đầu năm nay, tăng trưởng công nghiệp của TP.HCM giảm 13%, quý III giảm 47,3% so với cùng kỳ. Các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương chỉ tăng ở thấp ở mức 2,9%, trong đó, quý III giảm trung bình hơn 5%. "Điều này cho thấy COVID-19 ảnh hưởng nặng nề tới hầu hết các địa phương, khả năng cao là nhiều địa phương không hoàn thành mục tiêu tăng trưởng công nghiệp, kế hoạch phát triển kinh tế năm 2021", ông Thúy lo ngại.
Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng cũng cho biết DN còn đối mặt với việc chi phí sản xuất gia tăng. Khảo sát cho thấy có tới 80% DN phải tăng chi phí hoạt động, trong đó 54,2% DN tăng chi phí do giá nguyên liệu, 49% DN tăng chi phí do hoạt động logistics "đội giá"... Bên cạnh đó là thiếu nguyên liệu đầu vào, thiếu vốn, thiếu lao động...
Trước tình hình trên, ông Phạm Đình Thúy cho rằng biện pháp quan trọng nhất là dập dịch càng sớm càng tốt, đồng thời triển khai các gói hỗ trợ kịp thời về giảm, giãn thuế và lãi suất cho DN, để DN có điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh nhanh nhất có thể.
Bổ sung thêm về tình hình "sức khỏe" DN, bà Phí Thị Hương Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê), cho biết DN dừng hoạt động lớn hơn DN thành lập mới là hiện tượng chưa từng xảy ra trong nhiều năm nay. Tuy nhiên, điều này cũng phản ánh đúng quy luật chung của thị trường, do điều kiện phát triển kinh tế gặp khó khăn vì COVID-19. Đây cũng là xu hướng tất yếu của thị trường. Phải chống chịu với COVID-19 gần 2 năm qua khiến sức chống chịu của DN giảm mạnh, số DN thành lập mới thấp hơn giải thể cho thấy xu hướng DN chưa lạc quan trong ngắn hạn, bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch COVID-19.
Vì vậy, bà Nga cho rằng cần nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch bệnh, đưa DN hoạt động trở lại bình thường, không để đứt gãy chuỗi sản xuất. Phần lớn DN gặp khó khăn do dịch COVID-19 liên quan tới chi phí đầu vào lớn, nên giảm chi phí này rất cần thiết. Trong đó, chi phí phòng chống dịch COVID-19 hiện nay rất cao, vì vậy bà Nga khuyến nghị Chính phủ và các địa phương cần tính tới giải pháp cho DN tự chủ động xét nghiệm COVID-19...
Phấn đấu tăng trưởng GDP 2021 đạt 3%
Theo ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê), kinh tế Việt Nam đã đi được 3/4 chặng đường trong năm nay. Với kết quả đạt được thì có lẽ mục tiêu tăng trưởng GDP hơn 6% trong năm nay là không khả thi.
Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia cũng bày tỏ niềm tin rằng, nếu Việt Nam sớm kiểm soát dịch tốt thì sẽ đạt kết quả tích cực về tăng trưởng trong thời gian tới. Trong quý IV/2021, ngoài thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua kiểm soát dịch bệnh thì cần nhanh chóng mở cửa các trung tâm kinh tế lớn như TP.Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương...
Với kịch bản GDP năm nay đạt khoảng 3%, thì quý IV/2021 - tăng trưởng GDP phải đạt 7,1%. Để đạt được mục tiêu này, cần phải đẩy mạnh các giải pháp như giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy xuất khẩu và kích cầu tiêu dùng... thông qua các gói hỗ trợ đã được Chính phủ đã và đang thực hiện.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, để đạt được mức tăng trưởng GDP khoảng 3% trong năm nay thì Việt Nam cần kiểm soát dịch bệnh theo tinh thần là xây dựng quy trình chung về y tế. Trong đó, cần đề cập tới phản ứng của các địa phương khi dịch bệnh xảy ra thì sẽ kiểm soát thế nào? hay nói cách khác là "có lửa thì dập ra sao để không lan rộng".
Đặc biệt, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, giải pháp quan trọng nhất là phải tìm cách chống đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa. Nguy hại nhất của dịch COVID-19 là khiến phân rã giữa cá nhân, gia đình, doanh nghiệp, địa phương, quốc gia với nhau... làm nền kinh tế bị đứt gãy, cầu sụt giảm. Do vậy, Việt Nam phải có biện pháp chống đứt gãy từ đó kích cầu nền kinh tế ở đầu tư, xuất nhập khẩu, tiêu dùng.
Đặc biệt, trong bức tranh "tối màu" thì kinh tế Việt Nam vẫn có những điểm sáng nhất định. Đơn cử, tính đến ngày 20/9/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Bà Chu Thị Hải Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, đánh giá trong 2 năm qua, DN FDI vẫn khẳng định dù trong hoàn cảnh nào họ cũng tin tưởng vào chiến dịch phòng chống dịch bệnh ở Việt Nam, điều này cho thấy Việt Nam là điểm đến an toàn hấp dẫn thu hút FDI. Số dự án đăng ký dưới 5 tỷ USD giảm, trên 50 tỷ USD gia tăng, nhiều nhà đầu tư vẫn tiếp tục tăng thêm vốn vào Việt Nam.
"Khó khăn chỉ là nhất thời, cộng đồng DN sẽ đồng hành cùng Chính phủ, chứ không có chuyện DN FDI rời khỏi thị trường Việt Nam", bà Vân chia sẻ.
Ông Vũ Thành Tự Anh Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright Các nhân tố tác động tới triển vọng kinh tế Việt Nam gồm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, tốc độ tiêm chủng vắc xin, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, hoạt động của khu vực tư nhân, cải cách cơ cấu và động lực tăng trưởng. Muốn phục hồi kinh tế thì Chính phủ cần đánh giá "sức khỏe" của khu vực DN (cả trong nước và FDI), chính sách hỗ trợ DN phục hồi và phát triển, chính sách thu hút và thúc đẩy đầu tư tư nhân (trong và ngoài nước), cũng như ứng xử với những rủi ro và thách thức (phá sản, thâu tóm, sáp nhập). Ông Terence Jones Quyền trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Tiêu dùng tư nhân sẽ bị kìm hãm trong nửa cuối năm nay ở Việt Nam, điều này sẽ làm giảm thu nhập, việc làm và số thu từ thuế. Để chống lại những tác động của tiết kiệm bắt buộc, UNDP đề xuất một chương trình hỗ trợ tiền mặt với quy mô khoảng 5% GDP quý, triển khai ngay từ thời điểm này và trong các tháng còn lại của năm 2021. Cần chú trọng giải ngân nhanh, đặc biệt đối với những người dân đang sống trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do đại dịch. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần xây dựng chính sách hỗ trợ trong trung hạn và bắt đầu chuẩn bị cho công tác triển khai ngay từ bây giờ để ứng phó với trường hợp bị phong tỏa và giãn cách kéo dài. TS. Cấn Văn Lực Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia Việt Nam cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện các gói hỗ trợ người dân, DN đã ban hành. Theo đó, Chính phủ cần chỉ đạo khẩn trương rà soát, đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện các gói hỗ trợ đến thời điểm hiện tại và tiến hành tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời cần sớm xây dựng chiến lược, kịch bản phòng chống dịch trong điều kiện mới. Việc phục hồi, phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh bình thường mới, cần có các động lực tăng trưởng mới và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô nhằm chủ động tận dụng cơ hội phục hồi mạnh cũng như kiểm soát rủi ro. |
Lê Thúy