Trong Quy hoạch điện VII, đã xác định nâng dần tỷ trọng năng lượng tái tạo để thay thế nhiệt điện hóa thạch. Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2030, có 2% lượng điện được cung cấp từ nguồn điện sinh khối, trong đó có điện bã mía (ĐBM).
ĐBM có tiềm năng lớn, vừa tạo ra năng lượng tái tạo, vừa giải quyết được ô nhiễm môi trường. Đây là nguồn thu rất lớn, góp phần giảm giá thành cho đường, giúp nhà máy đường có thêm khoản thu để quay trở lại hỗ trợ cho nông dân trồng mía. Tuy nhiên, hiện ĐBM vẫn chưa thực sự có chỗ đứng xứng đáng. Thời báo Kinh Doanh đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Quốc Doanh - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam về vấn đề này.
Xin ông cho biết, phát triển ĐBM có vai trò như thế nào đối với các nhà máy mía đường?
Hiện phần nhiều các nhà máy mía đường đã đạt công suất 3.000 hoặc 6.000 tấn mía/ngày, có nhà máy lên đến 10.000 tấn mía/ngày, nên lượng bã mía dư thừa lớn. Có thời điểm, bã mía ở các nhà máy đường thải ra chất lên thành núi, rất hôi thối, ô nhiễm. Vì vậy, nhiều nhà máy đã đầu tư phát ĐBM.
Điển hình như: Nhà máy KCP công suất 39 MW; Thành Công Gia Lai đạt 34,6MW; LASUCO (Thanh Hóa) đạt 35 MW; Nhà máy đường Khánh Hòa đạt 60 MW; Nhà máy đường An Khê 93 MW… Nhiều dự án khác cũng đang mở rộng như dự án Sơn Dương, Sơn La…
Tính đến tháng 6/2018, đã có 9 nhà máy đường đầu tư tổng công suất lắp đặt ĐBM đạt khoảng 351.6 MW. Chúng tôi xác định ĐBM là nguồn thu rất lớn, góp phần giảm giá thành cho đường, giúp nhà máy đường có thêm khoản thu để quay trở lại hỗ trợ cho nông dân trồng mía. Đây là tiềm năng lớn vừa tạo ra năng lượng tái tạo, vừa giải quyết được ô nhiễm môi trường.
Triển vọng ĐBM tại Việt Nam như thế nào, thưa ông?
Thế giới hiện đang có xu thế hạn chế sản xuất điện từ các nguồn tài nguyên hóa thạch vốn hữu hạn. Trong Quy hoạch điện VII, đã xác định nâng dần tỷ trọng năng lượng tái tạo để thay thế nhiệt điện hóa thạch. Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2030, có 2% lượng điện được cung cấp từ nguồn điện sinh khối, trong đó có ĐBM.
Hiện chúng ta có 41 nhà máy đường, với diện tích mía nguyên liệu khoảng 260.000 ha, cho sản lượng mía mỗi năm hơn 15 triệu tấn. Bình quân mỗi tấn mía tươi sau khi ép lấy đường, phần bã mía sẽ sản xuất được 100 kwh điện. Nếu tất cả bã mía của các nhà máy đường đều được đưa vào sản xuất điện, sẽ sản xuất được 15 tỷ kwh điện mỗi năm.
Ông Phạm Quốc Doanh |
Được biết, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) đang hỗ trợ ngành mía đường phát triển ĐBM. Ông đánh giá thế nào về sự hợp tác giữa GIZ và ngành mía đường?
Những năm qua, GIZ thực hiện dự án hỗ trợ Bộ Công Thương phát triển điện tái tạo, trong đó có ĐBM.
Ngay từ đầu khi GIZ đến đặt vấn đề hợp tác với Hiệp hội Mía đường Việt Nam, chúng tôi đã cung cấp những số liệu về ngành mía đường Việt Nam, cũng như tiềm năng sinh khối mía đường Việt Nam cho GIZ. GIZ đã lập Báo cáo tiền khả thi (Pre FS) cho 5 nhà máy mía đường: Lasuco, Nasuco, Dak Lak, Vị Thanh và Phụng Hiệp (công ty Casuco) về dự án đầu tư phát điện đồng phát (CHP).
Hiện toàn ngành mía đường mới chỉ có 9 nhà máy phát điện sinh khối từ bã mía, nên thời gian đầu rất bỡ ngỡ kể cả về mặt công nghệ, thiết bị, đầu tư cho đến vận hành. Một số nhà máy đã được GIZ tư vấn lựa chọn thiết bị, chuẩn bị các dự án tiền khả thi, đào tạo cán bộ cho ngành điện sinh khối của mía đường.
GIZ cũng đã giúp nhiều nhà máy đường tìm kiếm và kết nối được với những nguồn tín dụng từ nước ngoài có lãi suất phù hợp để đầu tư lắp đặt thiết bị ĐBM. Với lãi suất của các ngân hàng thương mại trong nước đều ở mức quá cao, 8 - 10%/năm, các nhà máy mía đường không thể vay được vì sẽ lỗ. Chúng tôi đánh giá rất cao tổ chức GIZ trong việc hỗ trợ ngành điện nói chung, ĐBM nói riêng.
Những thách thức đối với ĐBM thế nào, thưa ông?
Thách thức lớn nhất là giá mua ĐBM của EVN quá thấp và hết sức phi lý. Hiện các nhà máy đường Thái Lan bán điện giá 11 - 13 cent/kWh, trong khi các nhà máy đường ở Việt Nam chỉ được trả 5,8 cent/kWh, tương đương 1.220 đồng/kwh.
Theo quy định của Bộ Công Thương, nếu nhà máy mía đường có tổ máy phát điện vừa dùng để sản xuất đường, phần còn thừa mới đưa lên lưới, tức là coi bán điện chỉ là hoạt động bổ sung của nhà máy mía đường thì gọi là phát điện đồng phát (CHP).
Bên EVN cho rằng, nếu nhà máy mía đường nào tách sản xuất điện ra thành doanh nghiệp hạch toán độc lập, thì sẽ không coi là CHP nữa, mới mua cho với giá điện sinh khối, tức là 7,4 cent/ kwh. Thế nhưng nhà máy đường Quảng Ngãi nghe theo, tự nhiên tốn thêm tiền. Họ đầu tư tới 2.200 tỷ đồng, để xây dựng một nhà máy ĐBM riêng với công suất lên tới 93 MW ở bên cạnh nhà máy đường. Song, ngành điện đến kiểm tra, lấy lý do vẫn là ĐBM, để rồi không ký hợp đồng mua điện theo giá mới.
Cách hành xử của ngành điện là một thực tế rất buồn cho đất nước chúng ta. Nước ta đã thiếu điện, than đã phải nhập khẩu rồi. Họ hô hào làm điện tái tạo. Điện gió, điện mặt trời… cần phải có mặt bằng rất lớn, nên đòi hỏi cơ chế hỗ trợ lớn của Nhà nước về đất đai, đồng thời được trả giá cao. Trong khi ĐBM thì không cần ưu đãi đất đai.
Điều rất buồn cười là họ không điều tra chi phí sản xuất để định ra giá. Mà cứ bảo, ngành mía đường đã có lãi từ sản xuất mía đường rồi, bã mía thải ra không mất tiền mua nguyên liệu đầu vào, tự dưng có điện bán, nên mua giá thấp thôi nhưng bản chất kinh tế thì không thể như vậy.
Chúng tôi đầu tư dây chuyền thiết bị sản xuất điện từ bã mía, chi phí đầu tư rất lớn, phải khấu hao chi phí đầu tư vào trong giá điện. Đâu phải chỉ có mỗi bã mía là thành điện được mà bảo chỉ là sản phẩm tận dụng.
Quyết định 24 về điện sinh khối chỉ là để cho hay. Điện sinh khối là nguồn điện tái tạo sử dụng sản phẩm phụ từ nông nghiệp, trấu, rơm, rạ, củi, hoặc bã mía. Nhưng tìm đâu ra trên đất nước này có cái nhà máy điện bằng rơm rạ, bằng trấu, bằng củi. Chỉ ĐBM là có, thì lại qui là điện đồng phát để mua giá riêng, thấp tệ hại.
Nếu vẫn giữ giá mua ĐBM hiện nay, 30 nhà máy mía đường còn lại sẽ không đầu tư xây dựng nhà máy ĐBM nữa. Họ sẽ đem bã mía đóng kiện để xuất khẩu sang Nhật.
Hiện bã mía đang được phía Nhật thu mua với giá hơn 500.000 đồng/tấn. LASUCO họ còn có phương án dùng bã mía để làm giá thể trồng trọt, thay thế cho xơ dừa, cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, lợi nhuận cao gấp 3 lần so với bán điện.
Hiệp hội Mía đường đã có văn bản kiến nghị Chính phủ về giá ĐBM. Bản chất của ĐBM là điện sinh khối, nên hãy “trả lại tên cho em”, đừng gọi nó là điện đồng phát nữa.
Chúng tôi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, tạo ra sự công bằng trong điện sinh khối, đối với ĐBM. Có như vậy, làn sóng đầu tư điện sinh khối trong ngành mía đường sẽ khác, chứ không phải như hiện nay.
Chu Khôi thực hiện