Một điều có thể nhận thấy nếu để ý kỹ ngành mía đường Việt Nam trong thời gian qua chính là năng lực vẫn còn quá thấp. Năng suất, chất lượng mía thấp, bình quân mới đạt 61,33 tấn/ha, năng suất đường bình quân đạt 5,64 tấn/ha, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực ASEAN. Đáng nói hơn nữa, giá thành mía và giá thành đường của Việt Nam vẫn cao hơn bình quân thế giới và khu vực.
Tấn công bằng chiêu thức giá rẻ
Điều đó phần nào lý giải dù mới bước vào niên vụ mới 2017/2018 nhưng tính đến giữa tháng 4 vừa qua, lượng đường tồn kho đã lên tới 680.273 tấn và được cho là đang tiếp tục tăng lên. Việc này khiến nhiều nhà máy đường chậm trả tiền mía cho nông dân khi đang đối mặt nhiều khó khăn đầu ra.
Chưa kể, giá đường bán tại các nhà máy đến nay đã gần ngang giá đường nhập lậu, một số nhà máy đã bán thấp hơn giá thành sản xuất để giảm bớt lượng đường tồn kho (11.400-12.000 đồng/kg).
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh bên lề Hội nghị giải pháp tiêu thụ mía đường niên vụ 2017/2018 diễn ra ở Tp.HCM vào cuối tuần qua, ông Phạm Hồng Dương, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), lo ngại về chiến thuật đường nhập giá cực rẻ từ những quốc gia hàng đầu thế giới ngành mía đường.
Theo đó, các quốc gia này lấy đường giá rẻ để "đè" ngành sản xuất đường trong nước ở những thị trường mà họ xuất khẩu nhằm tiến đến kết cục "chết yểu". Và sau khi ngành đường ở những thị trường nhập khẩu "chết" xong, đường ngoại nhập của họ sẽ bán với giá cao hơn. Đó chính là chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường ngành đường thế giới hiện nay.
"Nếu không tỉnh táo, để mất thị trường đường trong nước thì tôi tin rằng trong vòng 5 năm nữa, chúng ta không bao giờ có mức giá đường 11.000 đồng/kg như hiện giờ", ông Dương chia sẻ.
Theo giới chuyên gia, ngành đường ở Trung Quốc như một điển hình đang áp đặt lên những thị trường như vậy. Cho nên việc nhiều quốc gia ở EU hay Mỹ đang áp đặt biện pháp chống phá giá đối với hàng hóa Trung Quốc cũng là điều dễ hiểu.
Tức là trong nước, họ bán đường thành phẩm với giá rất cao, nhưng khi mang ra nước ngoài theo nhiều hướng (nhất là xuất lậu) thì lại bán giá rất thấp để phá giá. Theo ông Dương, nếu họ nhập vào Việt Nam chính ngạch thì mình hoàn toàn có thể khởi kiện, nhưng vì lượng đường nhập lậu lại khá lớn nên "lực bất tòng tâm".
Chiến thuật đường nhập giá rẻ là nỗi ám ảnh với ngành mía đường Việt |
Hạ giá để cạnh tranh?
Được biết, đáng lẽ phải chịu mức thuế 13%, nhưng đường lỏng Trung Quốc được tuồn qua các nước ASEAN, sau đó mới xuất vào Việt Nam để được miễn thuế, né thuế.
Ngoài ra, nguồn đường từ Thái Lan tuồn vào Việt Nam cũng là nỗi ám ảnh lớn. Đường từ Thái Lan luôn có giá rẻ hơn đường trong nước và thường xuyên được nhập tiểu ngạch vào Việt Nam.
Thái Lan lại là quốc gia có sản lượng đường lớn nhất ASEAN, chiếm đến 62% sản lượng đường cả khối và cũng là quốc gia duy nhất xuất khẩu ròng. Khi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ đầu năm 2018, với quy định không giới hạn ngạch nhập khẩu, là động lực để nước này gia tăng xuất khẩu đường vào khối, trong đó có thị trường Việt Nam.
Một câu hỏi đặt ra là ngành mía đường Việt có thể hạ giá thành như đường Thái Lan hay không nếu cạnh tranh sòng phẳng với nhau? Vị Phó chủ tịch Thường trực VSSA khẳng định: "Xin thưa là được!".
Nhưng tại sao hiện giờ chưa cạnh tranh với họ được? Theo ông Dương, lý do vẫn là nội tại của chúng ta đang đi chậm hơn họ về mặt công nghệ, dẫn tới năng suất đường còn thấp hơn, các nhà máy đường trong nước có chi phí sản xuất vẫn còn cao hơn.
Để khắc phục những tồn tại này đòi hỏi cần cải tiến các nhà máy đường nhằm nâng công suất, để có được chi phí vận hành thấp nhất. Đó là nhiệm vụ mà các nhà máy đường Việt cần nghĩ đến để thay đổi nếu muốn đối chọi với đường Thái Lan.
Chưa kể, ngành mía đường Việt Nam thời gian qua đã chịu tác động lớn bởi tình trạng buôn lậu. Thử tưởng tượng, mỗi năm Việt Nam sản xuất 1,2 – 1,3 triệu tấn đường nhưng đường lậu vào lại lên đến 500.000 tấn/năm. Tỷ lệ đường lậu so với tỷ lệ sản xuất của Việt Nam là điều mà các cơ quan quản lý và các nhà hoạch định chính sách cho ngành đường cần phải suy nghĩ.
Theo giới phân tích, ngành mía đường Việt có thể kém khả quan trong giai đoạn 2018-2019 là do đường sản xuất trong nước bị cạnh tranh bởi đường Thái Lan trong khi chưa kịp nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đến giai đoạn 2020-2022, ngành này sẽ có mức độ cạnh tranh cao. Các doanh nghiệp đạt được hiệu quả từ những cải cách hiện tại và trong thời gian tới có thể hạ được giá thành sản xuất và tiếp tục tăng trưởng. Còn những DN nhỏ, sức cạnh tranh yếu sẽ dần bị đào thải.
Trước những thách thức cho ngành mía đường Việt hiện nay, phía VSSA cho rằng các doanh nghiệp trong ngành cần xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợp với thị trường, nhất là theo dõi chặt chẽ tình hình cung – cầu để đề xuất biện pháp điều hành sản xuất, tiêu thụ đường phù hợp, hiệu quả.
Thế Vinh