Ông Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc công ty Eurolink (chuyên sản xuất mặt hàng thời trang đồ da và may mặc cao cấp ở Khu công nghiệp Hoàng Mai (Hà Nội), chia sẻ lúc doanh nghiệp (DN) triển khai kế hoạch năm 2020 thì chưa có thông tin về dịch virus Corona nên đặt ra mục tiêu tăng trưởng 120% doanh thu so với năm 2019.
Lên kế hoạch tìm nguồn hàng mới
Còn hiện nay, trước tình hình dịch bệnh, công ty sẽ điều chỉnh mục tiêu, kế hoạch để phù hợp hơn với tình hình thực tế khi mà tình hình sản xuất kinh doanh của quý I/2020 đang gặp khó khăn do thiếu hụt nguyên liệu.
Nhiều DN dệt may lên kế hoạch tìm nguồn nguyên liệu mới ngoài Trung Quốc |
Bên cạnh đó, công ty cũng đang tìm các khách hàng mới để duy trì sản xuất, không để sụt giảm thị trường đang phục vụ, chẳng hạn như tìm hiểu về vật tư, nguyên phụ liệu từ các thị trường Ấn Độ, EU...
Một DN dệt may khác là công ty TNHH Hóa Dệt Hà Tây (xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội) cũng thừa nhận bị ảnh hưởng vì vật tư, nguyên phụ liệu phải nhập từ Trung Quốc dù cho sản phẩm của công ty có tỷ lệ nội địa hóa cao (đế giày 100% nguyên liệu trong nước, vật tư mũ 100% trong nước, các chi tiết trang trí cũng đạt 100% từ trong nước). Tuy nhiên, với một số vải đặc chủng (như vải dệt kẻ, vải in hoa...) thì vẫn cần nhập khẩu.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc công ty TNHH Hóa Dệt Hà Tây, công ty đã có thêm một số đơn hàng, trong đó có đơn hàng từ đối tác Hàn Quốc, sử dụng 100% nguyên liệu trong nước. Do đó, khó khăn trong giai đoạn ngắn sắp tới sẽ được giảm nhẹ.
Nguyên liệu của công ty còn đủ sản xuất đến giữa tháng 3. Việc nhập nguyên phụ liệu từ Trung Quốc có thể tiếp tục trở lại vào giữa hoặc cuối tháng 2. Hiện nay, công ty đã lên kế hoạch tìm nguồn hàng từ DN trong nước thay thế, đồng thời chủ động liên hệ với các đối tác để xem xét nguyên liệu tương đương có thể thay thế.
Trước tình hình dịch bệnh tác động tiêu cực đến nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc, rõ ràng để thoát thế khó, các DN dệt may tính đến nguồn cung nguyên phụ liệu từ các thị trường khác là hoàn toàn hợp lý. |
Tại buổi làm việc mới đây với 2 DN này, đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã khuyến khích DN tích cực, chủ động tìm kiếm các nguồn hàng từ các thị trường khác, tránh phụ thuộc vào một thị trường.
Còn tại Tp.HCM, theo phản ánh của Hiệp hội Dệt May thêu đan Tp.HCM, do các DN dệt may trên địa bàn nhập khẩu nguyên phụ liệu từ trước Tết Nguyên đán nên vẫn còn nguyên liệu để sản xuất đến hết tháng 2/2020. Thế nhưng nếu như dịch Corona kéo dài thì các DN lo thiếu hụt nguồn nguyên liệu sản xuất cho tháng 3 và tháng 4.
Bởi lẽ, nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc đang chiếm khoảng 30 - 40% trong tổng số nguồn nguyên liệu nhập khẩu hàng năm của các DN dệt may ở Tp.HCM.
Bên cạnh đó, theo đánh giá, Trung Quốc là thị trường chính của ngành sợi Việt Nam và đối với Trung Quốc thì Việt Nam cũng là đối tác cung cấp sợi chính với thị phần tăng trưởng liên tục.
Chuyển dịch nhanh thị trường
Nếu như năm 2014, Việt Nam chỉ đứng thứ 3 trong các quốc gia xuất khẩu sợi sang Trung Quốc, đến năm 2018 đã vươn lên đứng thứ nhất với 30% thị phần. Do đó, bất kỳ biến động nào đối với ngành dệt may Trung Quốc (như chịu tác động tiêu cực từ dịch virus Corona - PV) cũng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến ngành sợi Việt Nam.
Nhiều dự báo cho thấy trước những rủi ro từ việc phụ thuộc nguồn nguyên phụ liệu dệt may từ Trung Quốc thì trong năm nay và cả trong tương lai, hoạt động nhập khẩu này có thể sẽ kéo giảm rõ rệt. Và các DN dệt may Việt cũng đang dần chuyển dịch nhập khẩu nguyên liệu sang những quốc gia mà họ cảm thấy an toàn hơn, như trường hợp gia tăng nhập khẩu nguồn bông Mỹ.
Theo giới chuyên gia, ngành dệt Trung Quốc đang có xu hướng giảm sản xuất, giảm nhập khẩu, giảm tồn kho, kết quả kéo theo thị trường bông và sợi thế giới bị ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực.
Đặc biệt là với xuất khẩu sợi, khi việc xuất sang Trung Quốc gặp khó khăn thì các nhà xuất khẩu sợi của Việt Nam đang chuyển sang xuất khẩu tương đối lớn vào thị trường các nước Trung Đông, xuất vào Đài Loan, Hàn Quốc, thậm chí sợi Việt còn xuất vào Nhật Bản và xuất sang Mỹ. Năm 2019, dù ngành sợi Việt tương đối khó khăn nhưng đã có bước đáng ghi nhận tích cực là đã chuyển dịch được thị trường rất nhanh
Như những chiêm nghiệm của ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) hồi tháng 9 năm ngoái khi cho rằng có một sức ép cho phần cung thiếu hụt đối với ngành dệt may Việt, đặc biệt là Việt Nam đang thâm thủng mạnh về việc nhập khẩu vải từ Trung Quốc.
Thời điểm đó, những đơn hàng sản xuất của Việt Nam từ nguồn nguyên liệu Trung Quốc nhập khẩu có dấu hiệu bị chậm và có mức giá cạnh tranh. Trong lúc đó, các nhà thu mua ở Mỹ, EU hay Nhật Bản, Hàn Quốc luôn đặt ra sức ép về giá giảm. Ngược lại, các DN Việt khi mua vải Trung Quốc thì lại bị găm giá, thậm chí thời gian giao hàng cũng rất phức tạp.
Nhìn từ chuyện này cho đến hiện nay trước tình hình dịch bệnh tác động tiêu cực đến nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc, rõ ràng để thoát thế khó, các DN dệt may tính đến nguồn cung nguyên phụ liệu từ các thị trường khác là hoàn toàn hợp lý.
Thế Vinh