Chiều 7/1, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức họp báo thường kỳ "Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025", Phó Thống đốc cho biết trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng 0 đồng CBBank và OceanBank (nay đã đổi tên thành MVB) cho 2 ông lớn Vietcombank và MB.
Hiện, Ngân hàng Nhà nước đang trình Chính phủ phê duyệt chuyển giao Ngân hàng TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng TMCP Đông Á (Dong A Bank).
"Nếu được thông qua, Ngân hàng Nhà nước mong muốn hoàn tất chuyển giao trước Tết Âm lịch để hoàn thành kế hoạch chuyển giao 4 ngân hàng yếu kém đã đặt ra", ông Tú nói.
Ngân hàng Nhà nước đang trình Chính phủ phê duyệt chuyển giao Dong A Bank và GPBank. |
Ngoài ra, riêng với Ngân hàng SCB, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp theo quy định, duy trì ổn định đảm bảo tiền gửi, tiền tiết kiệm của người dân đến hạn. Đồng thời, xử lý những tồn tại, yếu kém; phối hợp cùng các cơ quan chức năng đảm bảo nguyên tắc, quy định pháp luật để xử lý những sai phạm của các cá nhân gây ra những thiệt hại cho ngân hàng.
Cuối cùng, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình phương án xây dựng tái cơ cấu tích cực đối với Ngân hàng SCB trong thời gian sớm nhất để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chia sẻ thêm về việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD), Ngân hàng Nhà nước cho biết đến nay tất cả TCTD đang hoạt động tích cực. Hầu hết ngân hàng có lãi và lãi cao hơn so với năm 2023. Các ngân hàng duy trì mức lãi hợp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp.
“Nợ xấu có xu hướng tăng. Ngay từ khi có những chính sách hỗ trợ như giãn, hoãn các khoản nợ đến hạn trả nợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 từ năm 2022 đến nay nhưng nhiều doanh nghiệp chưa thể trả nợ”, Phó Thống đốc nói.
Đến nay, hầu hết TCTD thực hiện Đề án tái cơ cấu 2021-2025 và đã đạt tiêu chuẩn Basel III trong mục tiêu quản trị. Ngay cả những ngân hàng có quy mô trung bình cũng rất quan tâm đến lĩnh vực này.
Trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” góp phần phát triển hệ thống các TCTD hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật và tiệm cận, đáp ứng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế; đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.
Thanh Hoa