Báo cáo về tác động của dịch cúm Corona tới tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam trong năm 2020, Bộ KH&ĐT đã chỉ rõ những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Xuất nhập khẩu chịu tác động nghiêm trọng từ dịch cúm Corona (Ảnh: Internet) |
Kim ngạch xuất, nhập khẩu giảm nghiêm trọng
Với lĩnh vực xuất, nhập khẩu, Bộ KH&ĐT đưa ra 2 kịch bản.
Kịch bản 1: Dịch Corona kết thúc cuối quý I/2020. Ước tính xuất khẩu quý I đạt kim ngạch 46,5 tỷ USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản và nông sản chế biến, hàng lâm sản giảm khoảng trên 29%, hàng thủy sản giảm 38%, hàng dệt may giảm 22%, hàng giày dép giảm 17%, hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 8%, hàng điện thoại các loại và linh kiện giảm 27%.
Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc quý I đạt 5,6 tỷ USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các mặt hàng nông sản và nông sản chế biến, hàng lâm sản giảm khoảng 30%, hàng thủy sản giảm 33%.
Ở chiều ngược lại, ước tính quý I, kim ngạch nhập khẩu đạt 50 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: tư liệu sản xuất đạt 45 tỷ USD, giảm 12% (nhập khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng giảm 10%; nguyên, nhiên, vật liệu giảm 15%); hàng tiêu dùng đạt 5 tỷ USD, giảm 17%.
Nhập khẩu từ Trung Quốc quý I đạt kim ngạch 14,2 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Tư liệu sản xuất đạt 13,8 tỷ USD, giảm 9% (Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng giảm 7%; nguyên, nhiên, vật liệu giảm 10%); hàng tiêu dùng đạt 450 triệu USD, giảm khoảng 61%.
Kịch bản 2: Dịch Corona kết thúc cuối quý II/2020. Ước tính xuất khẩu quý II đạt kim ngạch 51 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu các mặt hàng nông sản và nông sản chế biến, hàng lâm sản giảm khoảng 32%, hàng thủy sản giảm 27%, hàng dệt may giảm 23%, hàng giày dép giảm 26%, hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 16%, hàng điện thoại các loại và linh kiện giảm 15%.
Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc quý II đạt 5,6 tỷ USD, giảm 56% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Các mặt hàng nông sản và nông sản chế biến, hàng lâm sản giảm khoảng trên 60%, hàng thủy sản giảm 57%.
Ước tính kim ngạch nhập khẩu quý II đạt 53 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: tư liệu sản xuất đạt 47,7 tỷ USD, giảm 15,6% (Nhập khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng giảm 15%; nguyên, nhiên, vật liệu giảm 16%); hàng tiêu dùng đạt 5,3 tỷ USD, giảm 23%.
Nhập khẩu từ Trung Quốc quý II đạt kim ngạch 15 tỷ USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Tư liệu sản xuất đạt 14,8 tỷ USD, giảm 18% (Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng giảm 14%; nguyên, nhiên, vật liệu 21%); hàng tiêu dùng đạt 212 triệu USD, giảm 86%.
"Thổi bay" 5 tỷ USD của ngành du lịch
Với lĩnh vực du lịch, Bộ KH&ĐT nhận định, khách Trung Quốc đến nước ta bình quân mỗi quý năm 2019 khoảng 1,45 triệu khách. Trong tháng 1/2020, lượng khách Trung Quốc đến nước ta là 644 nghìn lượt khách.
Kịch bản 1: Dịch Corona kết thúc cuối quý I/2020, lượng khách quốc tế trong quý I cũng vẫn là 644 nghìn lượt khách, giảm so với trường hợp không có dịch khoảng 800 nghìn lượt khách.
Kịch bản 2: Dịch Corona kết thúc cuối quý II/2020, lượng khách Trung quốc đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm sẽ giảm khoảng 2,3 triệu lượt khách so với trường hợp không có dịch.
Đồng thời, khách quốc tế đến từ các quốc gia khác cũng ảnh hưởng bởi dịch Corona, số lượng khách từ các quốc gia khác nhập cảnh vào nước ta cũng sẽ giảm mạnh do Việt Nam là nước có biên giới đường bộ với Trung Quốc và đã có người nhiễm virus Corona. Ước tính số lượng khách từ các quốc gia này sẽ giảm khoảng 50-60% trong giai đoạn có dịch.
Nếu dịch kéo dài hết quý II, thiệt hại doanh thu của ngành du lịch khoảng 5 tỷ USD (Ảnh: Internet) |
Về tổng mức chi tiêu của khách quốc tế tại Việt Nam, dựa vào kết quả điều tra chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam, khách Trung quốc đến nước ta chi tiêu bình quân khoảng 743,6 USD/1 khách, các khách đến từ các quốc gia khác chi tiêu bình quân 1.141,5 USD/1 khách. Theo tính toán, nếu dịch kéo dài hết quý I, thiệt hại về doanh thu từ khách quốc tế năm 2020 là khoảng 2,3 tỷ USD, nếu dịch kéo dài hết quý II, thiệt hại khoảng 5 tỷ USD.
Tăng trưởng vận tải đi xuống
Về lĩnh vực vận tải, Bộ KH&ĐT cho biết, vận tải hàng không chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do những tác động của dịch Corona gây ra.
Hiện tại có 11 hãng hàng không Trung Quốc đang khai thác 32 đường bay từ 14 điểm tại Trung Quốc đến 5 điểm tại Việt Nam gồm Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cam Ranh và Phú Quốc với tổng tần suất khai thác 240 chuyến/tuần. Về phía Việt Nam cũng từ 5 thành phố trên, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines và Vietjet Air đang khai thác 72 đường bay thường lệ và không thường lệ (thuê chuyến) đến 48 điểm tại Trung Quốc với tần suất 401 chuyến/tuần. Như vậy, trước lệnh ngừng bay toàn bộ các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc từ chiều ngày 1/2, tính trung bình mỗi ngày có khoảng trên 80 chuyến bay qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc bị hủy chuyến.
Vận tải đường bộ và đường sắt cũng bị sụt giảm do ảnh hưởng lượng khách đi du lịch, lễ hội giảm. Các dịch vụ hỗ trợ vận tải cũng sẽ giảm theo, đặc biệt là dịch vụ hỗ trợ vận tải ngành hàng không như dịch vụ quản lý bay, dịch vụ cảng hàng không sẽ bị ảnh hưởng.
Theo đánh giá kịch bản tăng trưởng, giá trị sản xuất ngành vận tải chỉ tăng khoảng 5% theo giá so sánh trong quý I (và chỉ tăng 3,5% trong quý II theo giá so sánh trong trường hợp dịch kéo dài hết quý II).
Không chỉ nông nghiệp, công nghiệp mà đầu tư cũng ảnh hưởng
Cùng với đó, Bộ KH&ĐT cũng liệt kê những ngành chịu ảnh hưởng gián tiếp từ dịch Corona.
Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản được xem là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh Corona, đặc biệt là nhóm hàng rau quả, nhóm hàng nông sản, thủy sản là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn. Nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc đối với các mặt hàng này đang chững lại do đóng cửa biên giới và do công tác chống dịch đang được thực hiện nghiêm ngặt nên việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa giữa các tỉnh, thành của Trung Quốc hết sức khó khăn.
Với sản xuất công nghiệp, tác động của dịch bệnh Corona chủ yếu đến ngành chế biến, chế tạo, ảnh hưởng tiêu cực đến những ngành sản xuất, xuất khẩu sử dụng nhiều nguyên, vật liệu, phụ kiện xuất xứ từ Trung Quốc và các doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư, sản xuất ở Việt Nam.
Trường hợp dịch bệnh kết thúc trong quý I, dự kiến giá trị gia tăng ngành công nghiệp quý I/2020 chỉ tăng 2,68% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2019 và quý I/2018 tăng lần lượt 9% và 10,45%); trong đó, ngành chế biến, chế tạo chịu tác động nhiều nhất, là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong ngành công nghiệp, chỉ tăng 2,38% (nếu không có dịch, dự kiến tăng 10,47%).
Trường hợp dịch bệnh kết thúc cuối quý II/2020, dự kiến giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý II/2020 tăng 6,99% so với cùng kỳ năm trước (quý II/2019 và quý II/2018 tăng lần lượt là 9,24% và 8,34%); trong đó ngành chế biến, chế tạo chịu tác động nhiều nhất, tăng 8,51% (nếu không có dịch, dự kiến tăng 11,21%).
Theo Bộ KH&ĐT, những ngành, sản phẩm chịu nhiều thiệt hại như: dệt may, da giày với các sản phẩm/nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc; sản xuất các sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học; sản xuất xe có động cơ; sản xuất kim loại, trong đó Công ty Formosa có 7.500 lao động (lao động Đài Loan có 700 người, chiếm khoảng 9,5%; còn thiếu 500 lao động về nghỉ Tết chưa trở lại làm việc do Việt Nam hạn chế nhập cảnh).
Dịch Corona ảnh hưởng trực tiếp tới nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, do đó khi khu vực sản xuất bị ảnh hưởng, hoạt động đầu tư sẽ ngay lập tức bị tác động làm giảm đầu tư của toàn nền kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt là đầu tư của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực ngoài nhà nước.
"Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư tiềm năng của Trung Quốc nói riêng và các nước khác nói chung cũng có nhiều khả năng bị trì hoãn, bao gồm các hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư, các hội thảo, các diễn đàn doanh nghiệp, diễn đàn xúc tiến đầu tư… Nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt đối với các mặt hàng không thiết yếu sẽ giảm mạnh, làm cho sản xuất bị đình trệ, hàng tồn kho lớn. Các nhà đầu tư mới sẽ do dự chưa đưa ra các quyết định đầu tư ở thời điểm này. Đối với các dự án đã đầu tư, các nhà đầu tư có khả năng sẽ hoãn lại việc tăng vốn đầu tư", báo cáo của Bộ KH&ĐT nêu rõ.
Thy Lê