Bộ NN&PTNT cho biết, với những nỗ lực tháo gỡ khó khăn đã giúp kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản không giảm quá sâu trước sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 18,81 tỷ USD, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhóm hàng nông sản chính ước đạt 8,94 tỷ USD, giảm 2,7%; các sản phẩm chăn nuôi: 190 triệu USD, giảm 19,4%; thủy sản: 3,56 tỷ USD, giảm 8,6%; lâm sản chính: 5,3 tỷ USD, tăng 2,7% (riêng gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 4,72 tỷ USD, giảm 3%).
Nông lâm thủy sản xuất siêu 4,5 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm (Ảnh: Internet) |
Trong nửa đầu năm nay, những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng gồm: cà phê đạt 1,6 tỷ USD, tăng 1,2%; gạo: 1,7 tỷ USD, tăng 17,9%; rau: 384 triệu USD, tăng 19,5%; sắn và sản phẩm từ sắn: 470 triệu USD, tăng 2,1%; quế: 80 triệu USD, tăng 8,0%; sản phẩm mây, tre, cói: 247 triệu USD, tăng 9,4%.
Các mặt hàng xuất khẩu giảm gồm: cao su đạt 612 triệu USD (giảm 27,2%), chè: 90 triệu USD (giảm 8,1%), hồ tiêu: 358 triệu USD (giảm 20,7%), quả: 1,35 tỷ USD (giảm 19,5%), cá tra: 787 triệu USD (giảm 14,6%), tôm: 1,57 tỷ USD (giảm 11,0%).
Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam, với thị phần lần lượt là 24,2% (giá trị giảm 11,9%), 21,9% ( tăng 5,7%), 8,8% (giảm 0,7%) và 6,1% (tăng 2,4%).
Nhập khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm khoảng 14,3 tỷ USD, giảm 6,6%. Trong đó, các mặt hàng nông lâm thủy sản chính ước gần 11,6 tỷ USD, giảm 8,2%. Một số mặt hàng nhập khẩu giảm mạnh về giá trị, như: phân bón giảm 9,9%; thuốc trừ sâu và nguyên liệu giảm 25,6%; thức ăn gia súc và nguyên liệu giảm 10,6%, hạt điều giảm 22,3%, rau quả giảm 41,0%, gỗ và sản phẩm gỗ giảm 8,8%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, thặng dư thương mại toàn ngành đạt 4,5 tỷ USD, tăng 339 triệu USD so với cùng kỳ năm 2019.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, để đạt được mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2020 khoảng 41 tỷ USD cần thực hiện các giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm.
Trong nửa cuối năm, công tác thị trường xuất khẩu sẽ tập trung giải quyết các rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường (công nhận vùng sản xuất, loại sản phẩm, doanh nghiệp xuất khẩu) sang các nước EU, Liên minh kinh tế Á - Âu, Mỹ, Brazil… và xuất khẩu thủy sản sang thị trường Ả rập Xê út, tôm vào thị trường Australia, cá tra vào Mỹ.
Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong việc giải quyết khó khăn giao thương, thông quan, kiểm dịch hàng hóa nông sản qua các cửa khẩu chính ngạch; kiểm soát chặt chẽ xuất nhập khẩu nông sản theo tiểu ngạch, nhất là các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc. Đối với những thị trường trọng điểm khác (Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…) nghiên cứu xác định thời điểm có thể đẩy mạnh xuất khẩu.
Chu Khôi