Theo thông báo của DOC, kết luận cuối cùng về điều tra xem xét phạm vi sản phẩm dự kiến được ban hành vào ngày 5/4/2024. Đối với điều tra lẩn tránh thuế, DOC cũng đã tiếp tục gia hạn thời gian ban hành kết luận sơ bộ và kết luận cuối cùng của vụ việc tới ngày 19/4 và ngày 18/7/2024.
Hoa Kỳ chưa kết luận về điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với tủ gỗ Việt Nam. |
Vụ việc điều tra phạm vi sản phẩm và lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại (PVTM) bị DOC lần lượt khởi xướng từ tháng 5 và tháng 6/2022. Tháng 9/2023, DOC ban hành thông báo điều chỉnh kết luận sơ bộ tháng 3/2023, theo đó liệt kê 3 trường hợp tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam có các bộ phận sản xuất tại Trung Quốc thuộc phạm vi của lệnh áp thuế gốc với Trung Quốc.
Trước đó, từ tháng 4 năm 2020 đến nay, Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) với tủ gỗ có xuất xứ từ Trung Quốc với mức thuế chống bán phá giá là từ 4,37% đến 262,18%, mức thuế chống trợ cấp là từ 13,33% đến 293,45%.
Theo nhận định của các chuyên gia, phân khúc thị trường các sản phẩm tủ bếp, đồ nội thất… tuy không tăng cao nhưng vẫn duy trì được đơn hàng tương đối ổn định dù chưa bằng mức trước đại dịch và vẫn cần có thêm thời gian để phục hồi. Trong khi đó, tỷ trọng nhập khẩu những mặt hàng ghế khung gỗ, đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, đồ nội thất phòng ngủ… của Hoa Kỳ từ Việt Nam khá lớn.
Đây đều là các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam. Điều này cho thấy, các sản phẩm nội thất của Việt Nam đã và đang đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng Hoa Kỳ và còn dư địa tăng trưởng xuất khẩu.
Vì vậy, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, cập nhập xu hướng mới của thị trường, các tiêu chuẩn và quy định mới của Hoa Kỳ về các mặt hàng gỗ nội ngoại thất, đồng thời chú trọng hơn về tìm hiểu tình hình tài chính của đối tác, lựa chọn khâu thanh toán an toàn có thể duy trì đà tăng trưởng bền vững vào thị trường này trong thời gian tới.
Thy Lê