Theo báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2017 và kế hoạch năm 2018 được đăng tải trên website của Vegetexco, năm 2017, tổng công ty đạt tổng doanh thu 5.079 tỷ đồng, bằng 118,6% so với năm 2016, đạt 145,3% kế hoạch năm.
Lợi nhuận sau thuế của công ty năm 2017 đạt 53,48 tỷ đồng, bằng 159,9% so với năm 2016 và đạt 145,3% kế hoạch kinh doanh năm.
Nợ phải trả gần 2.000 tỷ đồng
Tiếp nối đà tăng trưởng, năm 2018, công ty đặt kế hoạch kinh doanh năm với tổng doanh thu 5.808 tỷ đồng, tăng 14,3% so với năm 2017; tổng lợi nhuận sau thuế 55,08 tỷ đồng, tăng gần 3,1% so với năm trước.
Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2018 dự kiến đạt 79,6 triệu USD, tăng 9,1% so với năm trước; sản xuất công nghiệp đạt 1.357 tấn sản phẩm, tăng 2%; diện tích sản xuất rau an toàn đạt 1,9ha, tăng 6,7% so với năm 2017.
Tuy nhiên, đây chỉ là những con số trên báo cáo tóm tắt trình tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 của công ty được tổ chức vào ngày 19/6 vừa qua. Ngoài ra, không có thêm một thông số nào khác về tình hình kinh doanh của công ty năm 2017.
Theo con số tại BCTC mới nhất được đăng tải trên website của Vegetexco, tính tới ngày 30/6/2017, công ty có 4.887 tỷ đồng nợ phải trả. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đạt 2.020 tỷ đồng, gấp 50,5 lần so với cùng kỳ năm 2016 (40 tỷ đồng).
Khoản nợ vay tài chính này chủ yếu là đến từ các tổ chức, chiếm hơn 97,2% tổng nợ ngắn hạn, đạt 1.965 tỷ đồng.
Trong đó, khoản vay lớn nhất 708,6 tỷ đồng là của CTCP Xuất nhập khẩu Thủ công Mỹ nghệ, có thời hạn từ 6 đến 12 tháng, với lãi suất tối thiểu 9%/năm; vay CTCP Đầu tư tài chính quốc tế 644,7 tỷ đồng; công ty TNHH Gia Bảo Việt 505 tỷ đồng.
Ngoài ra, công ty còn vay của CTCP Đầu tư Kinh doanh và Thương mại Quang Vinh 97,8 tỷ đồng; CTCP Kinh doanh và Thương mại Thịnh Phát 9 tỷ đồng; Ngân hàng SHB chi nhánh Bình Dương gần 15,3 tỷ đồng..
Hầu hết các khoản vay này đều được ký vào tháng 3/2017, với lãi suất 9%/năm, hoặc theo lãi suất của ngân hàng thời điểm đó. Các chủ nợ chính là: CTCP Đầu tư tài chính quốc tế (IFC), ngân hàng SHB, CTCP Đầu tư Kinh doanh và Thương mại Quang Vinh; Xuất nhập khẩu Thủ công Mỹ nghệ…
![]() |
Trong cơ cấu cổ đông của Vegetexco có đến 94,39% là cổ đông tổ chức |
DN truyền thống hay công cụ tài chính
Tính đến hết ngày 30/6, cơ cấu cổ đông của Vegetexco có đến 94,39% là cổ đông tổ chức, trong đó cổ đông lớn nhất của Vegetexco là T&T chiếm 35% vốn; công ty TNHH Nông nghiệp T&T sở hữu 22,16% vốn; Tổng CTCP Bảo hiểm BSH chiếm 15% vốn; CTCP cảng Quảng Ninh nắm giữ 12,23% vốn…
Trước đó, trong đợt IPO của doanh nghiệp này năm 2015, thông qua đăng ký mua cổ phần, riêng T&T và BSH đã sở hữu 50% vốn của Vegetexco. Ngoài ra, một công ty ít nhiều liên quan đến BSH là Art Export cũng mua 10% cổ phần. Để mua được số cổ phần nói trên, ba công ty này đã bỏ ra khoảng 430 tỷ đồng.
Nắm trong tay một nửa cổ phần Vegetexco đồng nghĩa với việc có quyền định đoạt quỹ đất lên tới 160.000 m2 của doanh nghiệp này. Trong đó là hai mảnh đất “vàng” tại Hà Nội, số 58 Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội), khu phức hợp tại số 2 Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa, Hà Nội).
Kết thúc quý II/2017, Vegetexco có 4.414 tỷ đồng các khoản phải thu, chiếm 78% tổng tài sản. Trong đó, khoản phải thu về cho vay ngắn hạn từ CTCP Tập đoàn T&T là 2.388 tỷ đồng.
Đây là khoản cho vay ngắn hạn theo hợp đồng ký ngày 1/3/2016 và phụ lục ký bổ sung ngày 1/1/2017, theo đó T&T được phép sử dụng tiền nhàn rỗi từ Vegetexco theo hợp đồng.
Ngoài ra, Vegetexco có 658 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn gồm 281 tỷ đồng đầu tư vào 9 công ty liên doanh, liên kết và 376 tỷ đồng góp vốn vào 7 đơn vị khác.
Bên cạnh đó, Vegetexco cũng có nhiều hoạt động kinh doanh bất động sản liên quan như: Dự án tòa nhà thương mại, dịch vụ văn phòng cho thuê và nhà ở tại 120 Định Công, Hà Nội, trong đó Vegetexco góp vốn 500 tỷ đồng; Dự án tổ hợp thương mại và văn phòng tại 273 Tây Sơn, Hà Nội, Vegetexco góp 200 tỷ đồng.
Kết thúc hai dự án trên, Vegetexco sẽ được phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ góp vốn thực tế phát sinh.
Với hệ số nợ cực cao, hoạt động của Vegetexco đang giống như một công cụ tài chính hơn là một doanh nghiệp kinh doanh nông sản truyền thống.
Thùy Linh