Bệnh viện GTVT Trung ương chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần kể từ ngày 5/1/2016. Hiện, 51,43% cổ phần của Bệnh viện GTVT Trung ương (vốn điều lệ 168 tỷ đồng) do CTCP Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) sở hữu; 30% cổ phần do Nhà nước nắm giữ; số cổ phần còn lại thuộc cán bộ, công nhân viên bệnh viện và tổ chức công đoàn.
Mới đây, CTCP Tập đoàn T&T vừa kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết cho thoái toàn bộ vốn đầu tư tại CTCP Bệnh viện GTVT.
Nhà nước lại chi phối
Theo T&T, khi Chính phủ có chủ trương thí điểm cổ phần hóa Bệnh viện GTVT Trung ương, Bộ GTVT đã mời các nhà đầu tư đăng ký tham dự làm nhà đầu tư chiến lược, đấu giá mua 30% cổ phần theo các tiêu chí lựa chọn.
Theo phương án cổ phần hóa ban đầu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bệnh viện GTVT chọn hình thức cổ phần hóa thông qua việc bán bớt một phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp, vừa phát hành thêm cổ phần để tăng vốn điều lệ.
Sau khi bán 70% số cổ phần lần đầu, Bộ GTVT sẽ điều chỉnh tăng phần vốn nhà nước tương ứng với giá trị quyết toán dự án ODA tòa nhà bệnh viện và bán ra phần vốn này để tỷ lệ vốn nhà nước còn lại tại công ty cổ phần bệnh viện chỉ còn 30%.
Tập đoàn T&T đã nộp hồ sơ đề xuất, được lựa chọn làm nhà đầu tư chiến lược theo đúng quy định, đã ký kết hợp đồng mua bán cổ phần vào ngày 6/10/2015.
Tuy nhiên, tại công văn số 157/TB-VPCP ngày 3/5 vừa qua của Văn phòng Chính phủ quyết định về việc Bộ GTVT ngừng thoái vốn và giữ nguyên tỷ lệ sở hữu sau khi tăng vốn điều lệ tương ứng giá trị quyết toán dự án ODA tòa nhà bệnh viện.
Theo đó, sau khi quyết toán dự án tòa nhà bệnh viện, vốn điều lệ của CTCP Bệnh viện GTVT sẽ tăng từ 168 tỷ đồng lên 391,4 tỷ đồng.
Trong đó, vốn nhà nước khoảng 278,4 tỷ đồng, tương đương 71,12% vốn điều lệ; nhà đầu tư chiến lược thay vì giữ gần 60% tổng số cổ phần sau điều chỉnh tăng vốn sẽ chỉ còn 30% cổ phần, không còn giữ quyền chi phối như hiện nay.
Cũng theo T&T, sự thay đổi này đã có khác biệt với chủ trương công bố ban đầu và sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác quản trị và điều hành bệnh viện nhằm phát triển bệnh viện theo hướng chuyên nghiệp hóa, chăm sóc và nâng cao chất lượng dịch vụ cho toàn dân.
T&T cũng kiến nghị Bộ GTVT tổ chức Đại hội cổ đông CTCP Bệnh viện GTVT theo quy định hiện hành của pháp luật, vì từ năm 2017 đến nay chưa tiến hành được đại hội.
Hồi năm 2015, thương vụ bán cổ phần cho cổ đông chiến lược của Bệnh viện GTVT gây xôn xao dư luận trong một thời gian khá dài.
Trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), T&T đã mua hầu hết 30% vốn điều lệ mà Bộ GTVT bán ra với mức giá 23.597 đồng/cổ phần.
T&T cũng mua thỏa thuận 30% số cổ phần bán ra trước IPO với giá mua chỉ bằng một nửa giá trúng đấu giá, giành quyền sở hữu gần 60% vốn điều lệ và nắm quyền chi phối tại doanh nghiệp.
Tại thời điểm đó, thương vụ này được xem là một thương vụ "hời" của T&T và mục đích nhắm tới của bầu Hiển không nằm tại mảng kinh doanh dịch vụ bệnh viện, mà có thể là quỹ đất mà đơn vị này đang sở hữu.
Bệnh viện GTVT Trung ương chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần kể từ ngày 5/1/2016 |
Không dễ thoái vốn?
Bệnh viện GTVT ghi nhận quyền sử dụng 21.200m2 đất tại ngõ 1194 đường Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội.
Trong đó, 19.414,6 m2 đất nằm ngoài chỉ giới đường đỏ có thời hạn sử dụng lâu dài với hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất và 1.876,8m2 đất nằm trong quy hoạch mở đường.
Trên thực tế, Bệnh viện GTVT đang quản lý tổng cộng 20.983,8m2 diện tích đất, do Bộ GTVT đã quyết định bàn giao khu đất có diện tích 307,8m2 hiện do Bệnh viện quản lý cho Trung tâm Giám định Y khoa (Cục Y tế GTVT).
Sau khi mua cổ phần tại Bệnh viện GTVT, Tập đoàn T&T tiếp tục có văn bản đề nghị mua tiếp hai bệnh viện cấp 2 thuộc quyền quản lý của Bộ GTVT tại miền Trung nhưng không được chấp thuận.
Quay trở lại với câu chuyện của hiện tại, việc T&T muốn thoái vốn không còn là cổ đông chiến lược là điều khó có thể làm được.
Theo quy định, nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần của doanh nghiệp nhà nước sẽ không được chuyển nhượng số cổ phần đã mua trong thời hạn tối thiểu 5 năm. Nếu muốn chuyển nhượng trước thời hạn thì phải được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận.
Trên thực tế, việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là để cải thiện và phát triển hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, điểm hấp dẫn của hầu hết các thương vụ này đều nằm tại "tấc đất tấc vàng" mà không nằm ở "sản phẩm" kinh doanh.
Có thể thấy, sau 2 năm chuyển đổi mô hình hoạt động, CTCP Bệnh viện GTVT hoạt động không suôn sẻ, vấp phải hàng loạt khó khăn do những mâu thuẫn giữa nhóm cổ đông mới với cán bộ, công nhân viên tại đây.
Không rõ bầu Hiển có thể thoái vốn được không và bằng cách nào, nhưng theo một số chuyên gia, có nhiều khả năng đây chỉ là một cuộc "mặc cả" giữa doanh nghiệp và Nhà nước.
Linh Đan